Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0935.15.14.17 | |
Hotline: 0903.423.691 | |
Mr.Dung | |
Mr.Toanh |
Thông tin cần biết
Đối tác
Người bệnh cần coi thức ăn như ‘thuốc’
Người tăng huyết áp, cholesterol máu cao thì cần chế độ ăn nhạt tương đối. Với bệnh viêm dạ dày, tá tràng, rối loạn tiêu hóa thì người bệnh cần chế độ ăn mềm, 4 bữa một ngày.
Đây là những suất ăn bệnh lý đang được Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cung cấp cho các bệnh nhân hằng ngày.
Dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình điều trị, giúp giảm biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị, giảm tỷ lệ tử vong. Vì thế, ở nhiều nước trên thế giới, ăn uống được chỉ định như thuốc trong điều trị. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề dinh dưỡng trong điều trị bệnh chưa được quan tâm thỏa đáng.
Hơn 30% bệnh nhân các khoa tiêu hóa, thần kinh, nội tiết… bị suy dinh dưỡng là kết quả một nghiên cứu tại một số bệnh viện trong năm 2010. Tỷ lệ này ở khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai, hai khoa ngoại thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM và Bệnh viện ở Cần Thơ lên đến 40-60%.
Chính vì thế, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng một đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng để chế biến suất ăn phục vụ người bệnh tại căng tin hoặc cung cấp tới tận giường cho những người cần chế độ ăn bệnh lý.
Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng của bệnh viện cho biết, mệt mỏi, chán ăn, không ăn được, rối loạn tiêu hóa… là điều thường gặp với người bệnh. Chính vì thế, suy dinh dưỡng rất dễ xuất hiện trong quá trình ốm đau kể cả lúc ở nhà cũng như nằm viện. Một trong những nguyên nhân là do nhu cầu chất dinh dưỡng tăng theo tình trạng bệnh tật, do biến chứng của điều trị, trong khi đó người bệnh không được đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân tự coi mình đã khỏi bệnh khi hết các triệu chứng của giai đoạn cấp tính nhưng đó chính là lúc bệnh chuyển sang mãn tính. Lúc này nếu kịp thời sử dụng thức ăn hợp lý có thể ngăn ngừa được sự phát triển của bệnh, không chuyển sang mãn tính.
“Dinh dưỡng cho người bệnh chính là ăn điều trị. Thức ăn cần phải coi như thuốc, ngoài việc xác định thành phần dinh dưỡng cho phù theo bệnh cảnh lâm sàng, cần phải tính đến số lượng bữa ăn, số lần ăn và giờ ăn của bệnh nhân”, bác sĩ Liên cho biết.
Chẳng hạn với bệnh viêm cầu thận cấp không suy thận hoặc suy thận có chạy thân nhân tạo thì nhu cầu năng lượng một ngày của người bệnh là 1600-1800 kcal, lượng protid là 50 gam, áp dụng chế độ cơm 3 bữa một ngày và ăn nhạt hoàn toàn.
Hay với trẻ 1-2 tuổi mẹ không có sữa thì cần 1147,8-1205,7kcal mỗi ngày, chế độ ăn gồm: 2 bữa cháo, 2 bữa bột 15% và 2 bữa sữa.
Hiện trung tâm đã xây dựng được gần 100 chế độ ăn cho bệnh nhân (32 cho trẻ và 68 cho người lớn) gồm chế độ ăn bình thường, bồi dưỡng, bệnh lý thận, tim mạch, tiêu hóa… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Giá tiền suất ăn một ngày giao động từ 24.000 đến 150.000 đồng tùy từng loại bệnh.
Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức các buổi tư vấn, tuyên truyền, giáo dục về dinh dưỡng.
Nam Phương 29/.06/2011