202020  20

‘Không nên hoang mang vì thuốc có chất nghi gây ung thư’

Không phủ nhận cảnh báo nguy cơ gây bệnh của parabens, tuy nhiên Phó giáo sư – Tiến sĩ Trương Văn Tuấn, giảng viên bộ môn Bào chế – ĐH Y dược TP HCM cho rằng người dân không nên quá hoang mang.

Ông Tuấn cho biết, parabens là tên gọi chung của Nipagin có tác dụng kháng nấm và Nipasol có khả năng kháng khuẩn. Parabens có trong thuốc, thực phẩm thuộc dạng mềm hoặc dạng lỏng như sirô, hỗn dịch, nhũ tương, thuốc keo lỏng, thuốc nhỏ mắt, kem bôi ngoài da.

Các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm này vốn không dùng hết được một lần (tức người dùng mở nắp ra, đậy nắp lại). Mục đích của việc sử dụng parabens trong sản phẩm là để vi khuẩn và nấm khi xâm nhập không thể phát triển. Loại chất bảo quản này không có mặt trong các loại thuốc thuộc dạng viên nén vì loại này rất ít bị vi khuẩn và nấm tấn công.

Theo tiến sĩ Tuấn, parabens là chất bảo quản vừa rẻ, hiệu quả. Từ nhiều năm nay paraben đã được các cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm ở Mỹ, châu Âu cho phép sử dụng mà chưa có một cảnh báo chính thống nào về tác hại hay khả năng gây ung thư.

"Ngay cả thực phẩm cơ bản như muối, đường, nếu dùng quá nhiều cũng không có lợi cho sức khỏe. Chính vì thế, việc cảnh báo để người dân cảnh giác là đúng đắn, nhưng người bệnh không nên vì thế mà hoang mang đến độ bỏ dùng thuốc", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP HCM cho biết, rất nhiều loại dược phẩm có sử dụng parabens đã có mặt tại thị trường cả nước một cách chính thống. Tức chúng được cấp phép lưu hành.

"Nhiều nhất là mỹ phẩm, nhưng tất nhiên mỗi loại sản phẩm đều có liều lượng parabens ở mức cho phép", ông Vĩnh nói.

Tại TP HCM khảo sát của VnExpress.net cho thấy, rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt, kem thoa ngoài da và các loại sirô chứa có chứa thành phần parabens.

Ngày 24/5, báo Le Monde của Pháp đưa tin về 400 loại thuốc thuộc 80 hãng dược khác nhau có chứa parabens (chất bảo quản có nguy cơ gây ung thư). Nhiều loại sản phẩm được nêu danh như kem dưỡng da chống nắng, sirô ho, thuốc trị đau dạ dày, thuốc chống nôn, thuốc uống chữa các bệnh tim mạch, thuốc kháng sinh, thuốc chống suy nhược…

Tại Việt Nam, Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cũng vừa có công văn gửi sở y tế các tỉnh thành thông tin này; đồng thời yêu cầu Trung tâm Quốc gia về Thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc, thu thập, cung cấp các thông tin, dữ liệu nghiên cứu lâm sàng có liên quan đến parabens. Những kết quả thông tin này phải gửi về Cục để xem xét, đánh giá.

Thiên Chương(vnexpress.net) (30-05-2011)

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics