1919  19

Protein trong sữa mẹ bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm HIV


Các nhà khoa học đã xác định được protein trong sữa mẹ có khả năng vô hiệu hóa virut gây bệnh AIDS và có thể bảo vệ trẻ em khỏi bị nhiễm HIV. Khám phá này có thể dẫn tới một liệu pháp mới để bảo vệ trẻ sơ sinh mà người mẹ bị nhiễm loại virut này.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, vẫn nên cho trẻ bú sữa người mẹ nhiễm HIV. Các nhà khoa học Anh và Mỹ đã tìm ra cách giải thích vì sao tỷ lệ lây truyền bệnh từ mẹ nhiễm HIV sang con qua đường bú lại tương đối thấp, mặc dù sữa của họ thường có hàm lượng HIV cao. Theo họ, đó là do các tế bào miễn dịch CD8 trong sữa của bà mẹ bị bệnh thường nhắm tới và tiêu diệt virut gây bệnh AIDS.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học tổng hợp Alabama ở Birmingham (Anh) cùng đồng nghiệp tại Đại học Boston và Columbia (Mỹ) đã làm thử nghiệm, kiểm tra khả năng đáp ứng với HIV của các tế bào sữa ở những bà mẹ nhiễm bệnh tại Mỹ và châu Phi.

Họ nhận thấy rằng, trong khi tế bào sữa của những bà mẹ khỏe mạnh không phản ứng với protein của HIV thì tế bào sữa của những bà mẹ nhiễm bệnh lại phản ứng mạnh với virut. Đáp ứng này có được là nhờ sự hiện diện trong sữa người mẹ bị bệnh các tế bào miễn dịch CD8 (một loại lympho T đóng vai trò chủ chốt trong kiểm soát nồng độ HIV máu). Các tế bào này sẽ tiêu diệt virut HIV trong sữa và đi vào dòng máu của con để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh chết người. Một nghiên cứu trước đây của Nam Phi cho thấy, ở nhóm trẻ mà mẹ bị nhiễm HIV, những cháu được bú mẹ hoàn toàn trong 3 tháng đầu có tỷ lệ nhiễm HIV thấp nhất.


Tế bào sữa của những bà mẹ nhiễm HIV lại phản ứng mạnh với virut.

Mới đây, BS. Sallie Permar – giáo sư Khoa Nhi và Khoa Miễn dịch học tại Trường đại học Duke ở Durham, North Carolina (Mỹ) cũng đưa ra nhận định tương tự: "Điều thật sự đáng kể là mặc dù bị phơi nhiễm với loại virut này nhiều lần một ngày trong khoảng thời gian tới 2 năm trong đời chúng nhưng thật sự chỉ có 10 phần trăm các trẻ sơ sinh đó bị nhiễm HIV". Điều đó đã khiến các khoa học gia do BS. Permar lãnh đạo tìm cách xác định một chất trong sữa mẹ đã che trở cho trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm HIV. Nhóm nghiên cứu này tập trung vào một protein được gọi là Tenacin-C hay TNC. Loại protein này được biết là có can dự vào việc chữa lành vết thương. Nhưng vai trò của nó trong sữa mẹ vẫn là điều kỳ bí. Khi các nhà khảo cứu để TNC từ sữa của các phụ nữ không bị nhiễm HIV tiếp xúc với virut thì phân tử này tự gắn vào virut và vô hiệu hóa nó.

Mặc dù các thuốc chống virut có công hiệu cao trong việc hạn chế việc truyền nhiễm virut từ mẹ sang con, BS. Permar thấy vai trò của TNC tại những khu vực nghèo tài nguyên, nơi việc điều trị HIV bằng thuốc không có nhiều. "Vấn đề là việc có thuốc cũng như là theo dõi. Có những vấn đề về tính độc hại và kháng thuốc của thuốc chống virut. Và như vậy chúng tôi nghĩ là các phương pháp thay thế có thể cần thiết để hoàn toàn loại trừ việc truyền nhiễm virut sang trẻ sơ sinh". BS. Permar gợi ý rằng, có thể cho trẻ em uống TNC trước khi bú sữa mẹ để tăng thêm việc bảo vệ trẻ em chống HIV.

Tháng 8 năm ngoái, GS. Lars Bode ở Đại học California tại San Diego (Mỹ) và các đồng nghiệp đã tìm hiểu xem vì sao mà phần lớn những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ (ước tính khoảng 85-90%) không bị mắc virut HIV. Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết một số hợp chất trong sữa mẹ được biết là human milk oligosaccharides (HMOs) bảo vệ trẻ khỏi nhiễm virut HIV. HMO là một loại carbohydrate được tạo nên từ một số đường đơn không tiêu hóa được. Chúng lắng đọng trên bề mặt đường tiêu hóa của trẻ. Các nhà khoa học đã phân tích nồng độ HMO và thành phần trong sữa mẹ của hơn 200 phụ nữ dương tính với HIV tham gia vào một nghiên cứu ở Zambia, châu Phi. Con của những phụ nữ này được theo dõi từ khi được sinh ra cho tới khi chúng lên 2 tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ HMO trong sữa mẹ càng cao thì càng tăng khả năng bảo vệ trẻ khỏi lây nhiễm HIV từ mẹ.
Như vậy, có nhiều nghiên cứu khác nhau đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đều có chung một kết luận là sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của virut HIV.
Lê Sơn (Theo American Journal of Clinical Nutrition) 25/10/2013

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics