1919  19

Bác sĩ quên ‘kê đơn’ bữa ăn cho người bệnh

Ở nhiều nước phát triển, bệnh nhân bắt buộc phải ăn theo thực đơn do bác sĩ chỉ định. Còn Việt Nam thì ngược lại, hầu hết người thân tự lo bữa ăn cho bệnh nhân. Thực tế là đến 70% bệnh viện chưa có khoa dinh dưỡng.

Đây cũng là một trong những chuyên đề được báo cáo tại hội thảo khoa học Cấp cứu – Hồi sức – Chống độc, diễn ra ở Hà Nội trong 2 ngày (1-2/11).

Dinh dưỡng có ảnh hưởng không nhỏ đến tiến triển bệnh. Đối với một số bệnh như tim mạch, thận, các bệnh chuyển hóa… thì dinh dưỡng là yếu tố điều trị chủ yếu. Trường hợp bị thương phần mềm, gãy xương, cơ thể suy nhược…, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cho vết thương chóng lành và phục hồi cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những bệnh nhân được nuôi dưỡng kém trước phẫu thuật có tỷ lệ nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong tăng và gặp nhiều biến chứng hơn so với những bệnh nhân được cung cấp chế độ dinh dưỡng tốt.

Một bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, dinh dưỡng trong bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức, thiếu cán bộ dinh dưỡng trầm trọng, nhiều bệnh viện không có khoa dinh dưỡng. Nhiều bệnh viện coi dinh dưỡng không phải việc của họ, giao phó cho người nhà. Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế cũng chưa chi trả cho bữa ăn của người bệnh.

Một thực tế nguy hiểm là hiện nhiều người ăn uống theo tin đồn thổi. Chẳng hạn, khi bị ung thư thì không được ăn các chất bổ dưỡng, thậm chí nhịn ăn, chỉ ăn gạo lứt muối mè, ăn chay… để bỏ đói khối u với hy vọng khối u tiêu đi hoặc không phát triển. Đây là suy nghĩ không khoa học vì khi dinh dưỡng kém, sức đề kháng của cơ thể giảm, càng làm cho tế bào ung thư phát triển mạnh hơn.

Nghiên cứu thực trạng và đánh giá hiệu quả nuôi dưỡng nhân tạo tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho thấy có đến 65% bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy sinh dưỡng.

Trong khi đó, dinh dưỡng kém có thể dẫn đến những hậu quả to lớn với sức khỏe của người bệnh như: giảm sức đề kháng, tăng khả năng nhiễm trùng vết thương và nguy cơ biến chứng sau mổ, nguy cơ tử vong cao hơn… Cũng vì thế, thời gian nằm viện kéo dài hơn, chi phí điều trị tốn kém hơn, phó giáo sư Bình cho biết.

Bên cạnh đó, không phải bác sĩ nào cũng chú ý chỉ định chế độ ăn cho bệnh nhân. Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng cho biết, tại một số bệnh viện đã thực hiện chỉ định chế độ ăn cho người bệnh thì không phải tất cả khoa/phòng cũng như bác sĩ đều thực hiện chủ trương này. Bởi lẽ, họ đã quá tải với công việc điều trị bằng thuốc.

Ngay cả những trường hợp đã được chỉ định chế độ ăn thì thực tế số người bệnh chưa được nuôi dưỡng bằng chế độ ăn bệnh viện còn khá cao. Bác sĩ kê toa chế độ ăn cho người bệnh vào bệnh án nhưng không báo cho người bệnh và khoa dinh dưỡng thực hiện. Ngoài ra, còn một lý do nữa, đó là nhiều người bệnh không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tiến sĩ Hương lý giải.

Để cải thiện thực trạng trên, theo các chuyên gia cần có các giải pháp đồng bộ: chính sách về dinh dưỡng trong bệnh viện, chi trả của bảo hiểm y tế, giáo dục truyền thông để người bệnh và thân nhân của họ hiểu dinh dưỡng là một phần quan trọng của điều trị…

Phương Trang 03/11/2011

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics