1919  19

TPHCM: Vạch mặt thuốc trừ sâu trên rau

Nhiều loại thuốc trừ sâu có khả năng tích lũy trong cơ thể người ảnh hưởng đến bào thai và gây dị dạng đối với các thế hệ sau.

Các nhà vườn đều giấu tên các loại thuốc trừ sâu và cho rằng "chỉ thu hoạch rau sau phun thuốc trừ sâu theo quy định của mỗi loại thuốc và ít nhất là thu hoạch sau 7 ngày khi phun thuốc trừ sâu".

Nhà vườn đều giấu tên các loại thuốc trừ sâu
Ông Hồ Văn Nhất, chủ vườn rau ở phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM cho biết, ông bà trồng  rau bán lẻ tại các chợ tạm hơn 40 năm nay.
 
Vườn nhà ông có diện tích gần 1.000m² trồng cải ngọt, xà lách và mùng tơi. Kinh nghiệm trồng rau của ông Nhất cho thấy, sâu tơ còn gọi là sâu "nhảy dù" là loại bệnh khó chữa nhất trên rau.
 

Phóng viên đang phỏng vấn chủ vườn rau tại quận 12


Rau cải và xà lách thường hay bị bệnh sâu vẽ bùa. Cải xanh bị sâu tơ, mùng tơi thường bị nổ lá, đốm lá. Bệnh này khiến lá cây bị nhiều chấm đen tím và lụi héo dần. Nếu gần thu hoạch mà nhiễm bệnh thì ông vẫn phun thuốc trừ nhưng kết hợp thuốc dưỡng lá để kéo dài độ non của cây và chờ 7 ngày sau khi phun mới thu hoạch.
Chị Vũ Thị Nguyệt, một hộ nông dân thuê đất vườn trồng rau kinh doanh  từ  9 năm nay tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM cho hay, sâu bệnh hại rau cũng do chất đất.
 
Nếu rau bị bệnh thì 10 ngày hoặc nửa tháng sau khi phun thuốc không nhớ tên chị mới thu hoạch bán sỉ tại chợ đầu mối Hóc Môn, quận 12 và bán lẻ tại chợ Thạch Đà, quận Gò Vấp…

Tiếp xúc quá nhiều … gây buồn nôn, nhức đầu, yếu cơ

Theo ThS Nguyễn Văn Đức Tiến, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật TPHCM cho biết, qua khảo sát tại 197 cửa hàng bán thuốc và 357 hộ nông dân trên địa bàn TPHCM và 8 tỉnh thành lân cận cung cấp rau cho thành phố cho thấy, bà con nông dân thường sử dụng tổng cộng 18 loại thuốc trừ sâu thuộc các nhóm clor hữu cơ (hiện nay bị cấm sử dụng trong nông nghiệp, các thuốc trong nhóm này là DDT, dicofol, dieldrin…), lân hữu cơ, cúc tổng hợp và carbamate.
Theo kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ Thực vật TPHCM, mỗi ngày có khoảng 1.200 tấn rau các loại nhập vào thành phố, trong đó khoảng 3% lượng rau có nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Cùng với việc  khảo sát và  từ kết quả của một số mẫu phân tích của Chi cục Bảo vệ Thực vật thành phố cho thấy, dư lượng thuốc trừ sâu thuộc 2 nhóm trên còn tồn trong một số rau như rau cải, rau muống cao hơn mức dư lượng cho phép. 
 
Sau khi lấy mẫu rau ngẫu nhiên trên thị trường với rau cải ngọt và mùng tơi. Qua phân tích bằng phương pháp mới sắc ký khí đầu dò phát hiện trên rau mùng tơi tồn dư lượng thuốc trừ sâu cyfluthrin thuộc nhóm cúc tổng hợp với hàm lượng 1,92mg/kg, vượt quá quy định tại Thông tư 68/2010/TT- BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ngày 03/12/2010,
 
Thông tư quy định về Ban hành "Danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với một số sản phẩm thực phẩm…". Theo đó, đối với loại thuốc trừ sâu cyfluthrin giới hạn cho phép chỉ 0,2mg/kg dư lượng thuốc.
 
Theo TS Đặng Chí Hiền, Viện Công nghệ Hóa học – VAST, cyfluthrin là một dẫn xuất cúc trừ sâu tổng hợp được sử dụng như một thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu cyfluthrin tồn tại ở dạng tinh thể không màu hoặc dạng sệt màu vàng, tan trong nước (0,002mg/ml ở 20oC). Nó thường được cung cấp như một chất lỏng đậm đặc 10 – 25% cho sử dụng thương mại và được pha loãng trước khi phun lên cây trồng.

Tiếp xúc quá nhiều có thể gây ra buồn nôn, nhức đầu, yếu cơ, tiết nước bọt, khó thở và co giật. Cyfluthrin hại da và kích thích mắt ở người.
 
Chất này cũng gây ngứa, đau rát nếu nó tiếp xúc với da người và có thể kéo dài đến 24 giờ. Khởi phát xuất hiện các triệu chứng này có thể phải mất 1 hoặc 2 ngày sau khi tiếp xúc nhưng cũng có thể xảy ra ngay ở thời điểm tiếp xúc…
 Nếu sử dụng không đúng quy cách, liều lượng, nhiều loại thuốc có khả năng tích lũy trong cơ thể người và động vật máu nóng, gây đột biến tế bào, kích thích tế bào khối u ác tính phát triển, ảnh hưởng đến bào thai và gây dị dạng đối với các thế hệ sau.

(Nguồn: Chi cục Bảo vệ Thực vật TPHCM)

Theo Quỳnh Hương – Khoa học và Đời sống 24/07/2011

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics