1919  19

Kháng thuốc ARV do không tuân thủ điều trị

Để điều trị có hiệu quả, phải tư vấn, cung cấp thông tin cho bệnh nhân dưới nhiều hình thức.

Trong quá trình điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, kháng thuốc  ARV không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của ngành y tế Việt Nam mà của cả thế giới.

Theo BS. Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện (BV) 09 (BV chuyên điều trị cho bệnh nhân  HIV/AIDS), thông thường, sau 8-10 năm điều trị mới đánh giá sự thất bại điều trị ARV của bệnh nhân (việc đánh giá này dựa vào biểu hiện lâm sàng, miễn dịch (CD4) và tải lượng virus của người bệnh). Tuy nhiên, thực tế có trường hợp mới điều trị 06 tháng đã có biểu hiện của thất bại điều trị.

Cụ thể, về lâm sàng, khi được điều trị, bệnh nhân tăng cân, khỏi nhiễm trùng cơ hội (NTCH), không xuất hiện NTCH mới. Nhưng nếu qua quá trình điều trị mà không có các dấu hiệu trên thì chứng tỏ thuốc mất tác dụng. Cao hơn thì dựa vào chỉ số miễn dịch (CD4) của người bệnh. Thường thì nếu thuốc đáp ứng, CD4 tăng. Trường hợp CD4 không tăng (dưới 100), CD4 giảm 50% so với ngưỡng đỉnh hoặc tình trạng miễn dịch tăng cao sau đó quay trở lại tình trạng ban đầu đều coi như đã thất bại điều trị. Và, khi đo tải lượng virus, sau 6 tháng điều trị vẫn là coes trên 5000 phiên bản virus/ml máu cũng xem như đã bị kháng thuốc.

Theo kinh nghiệm bản thân, ông Tuấn cho biết, đa số bệnh nhân (90%) kháng thuốc là do không tuân thủ điều trị. Một số trường hợp do đột biến kháng thuốc (do tác dụng phụ của thuốc). Vì vậy, trong quá trình điều trị ARV phải luôn nhớ: Quan trọng số 1 vẫn là tuân thủ công tác điều trị, bởi đã thất bại phác đồ  bậc 1, điều trị bằng phác đồ bậc 2 cũng thất bại nốt thì vô cùng nguy hiểm.

Thực tế, đã gặp không ít trường hợp bị lây truyền dòng kháng thuốc từ bệnh nhân này sang bệnh nhân kia (đó là trường hợp một cặp vợ chồng đều bị nhiễm HIV, chồng đã phải điều trị bằng ARV, vợ chưa phải điều trị, nhưng cứ nghĩ cả hai đã bị nhiễm HIV nên họ không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục và thế là khi người chồng bị kháng thuốc, người vợ cũng lây luôn dòng kháng thuốc từ chồng). Khi phác đồ bậc 1 đã mất tác dụng, tiếp tục bị kháng thuốc càng nguy hiểm hơn vì không có phác đồ thay thế (hiện Tổ chức Y tế thế giới – WHO mới đang nghiên cứu soạn thảo và đưa vào sử dụng phác đồ bậc 03). Việt Nam vẫn đang áp dụng phác đồ điều trị bậc 2. Bởi vậy, vấn đề tuân thủ điều trị càng trở nên quan trọng.
Để
điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, trước hết phải có bước chuẩn bị thật tốt. Cụ thể, phải tư vấn, cung cấp thông tin cho bệnh nhân dưới nhiều hình thức, có thể tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân và người hỗ trợ, hoặc tư vấn gián tiếp qua phát tờ rơi, tờ gấp; rồi trong quá trình điều trị cho bệnh nhân phải phối kết hợp đặt lịch theo dõi điều trị. Trong quá trình theo dõi điều trị tiếp tục tư vấn cho bệnh nhân để “nâng cấp” nhận thức của họ. Đồng thời hướng dẫn bệnh nhân cách không bị quên thuốc (người nhà nhắc nhở, để đồng hồ báo thức hoặc sử dụng hộp chia thuốc).
 
Theo Pháp Luật VN

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics