1919  19

Liệu pháp mới cho bệnh nhân thoái hóa khớp

  Khoa cơ – xương – khớp, Bệnh viện Bạch Mai hiện đang áp dụng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet Rich Plasma – PRP) tự thân cho một số bệnh nhân thoái hóa khớp đã cho kết quả rất khả quan. Liệu pháp này tuy đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng ở nước ta, BV Bạch Mai là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế cho phép ứng dụng liệu pháp này.

Huyết tương giàu tiểu cầu là gì?
Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân là huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần so với huyết tương trong máu bình thường được tách chiết từ máu của chính bệnh nhân. Sở dĩ cần một nồng độ lớn tiểu cầu trong liệu pháp PRP vì khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α chứa bên trong tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein là các cytokine chống viêm và hàng chục các yếu tố tăng trưởng (growth factor) có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương. Các protein trên sẽ gắn vào các thụ thể (receptor) của các tế bào đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào nội mô…
 
Sự gắn kết này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành chất căn bản, các sản phẩm dạng xương, sụn, tổng hợp collagen… tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương, phần mềm… Trong chuyên ngành cơ xương khớp, liệu pháp PRP tự thân được sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, chấn thương thể thao, viêm gân và các điểm bám tận, kích thích sự lành vết thương phần mềm cũng như làm nhanh liền xương sau phẫu thuật.

Triển vọng trong tương lai

Trên thế giới, trong khoảng vài năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ PRP tự thân tiêm trực tiếp vào trong khớp là một liệu pháp có triển vọng trong điều trị thoái hóa khớp gối với cơ chế là PRP chứa chất chống viêm và các yếu tố tăng trưởng thúc đẩy sự tăng sinh của sụn khớp. Nghiên cứu của tác giả Sampson và cộng sự trên các bệnh nhân thoái hóa khớp gối nguyên phát và thứ phát: các bệnh nhân được tiêm 3 mũi PRP tự thân khớp gối tổn thương với liệu trình cách 4 tuần tiêm một mũi.
 

Photobucket

Nhóm nghiên cứu chỉ dùng acetaminophen để giảm đau khi đau nhiều mà không dùng kèm các thuốc cũng như các biện pháp khác vẫn thường dùng để điều trị bệnh thoái hóa. 6 tháng sau điều trị, một số bệnh nhân có sự cải thiện bề dày sụn khớp khi đo trên siêu âm chứng tỏ liệu pháp tác động tích cực đến sự tăng sinh sụn khớp. Các tai biến, tác dụng phụ hầu như không có, ngoại trừ một số bệnh nhân có cảm giác đau tăng tại chỗ ít ngày sau tiêm.

Một nghiên cứu khác của tác giả Kon và cộng sự trên 100 bệnh nhân thoái hóa khớp gối được tiêm PRP. Mỗi khớp gối được tiêm 3 mũi PRP tự thân theo liệu trình cách 3 tuần tiêm 1 mũi. Kết quả 80% bệnh nhân bày tỏ sự hài lòng với kết quả điều trị. Trong nghiên cứu này không có tác dụng phụ nghiêm trọng, ngoại trừ một trường hợp khớp gối sưng đau rõ rệt sau tiêm nhưng tự giảm đau dần sau 2 tuần. Các tác dụng phụ hay gặp là đau nhẹ thường gặp trong 2 hay 3 ngày đầu tiên, thường tự khỏi hoặc sau uống thuốc giảm đau acetaminophen liều thấp, ngắn ngày.
Một nghiên cứu khác cũng của tác giả Kon và cộng sự trên 150 bệnh nhân được chia làm 3 nhóm: nhóm 1 gồm 50 bệnh nhân điều trị PRP, nhóm 2 gồm 50 bệnh nhân được điều trị acid hyalorunic trọng lượng phân tử cao (HHA – Hight weight hyalorunic acid) và nhóm 3 gồm 50 bệnh nhân được điều trị acid hyalorunic trọng lượng phân tử thấp (LHA – Low weight hyalorunic acid). Các chỉ số về tuổi, giới, tiền sử bệnh… không có sự khác biệt giữa 3 nhóm.
 
Theo dõi từ thời điểm 2 đến 6 tháng thì nhóm điều trị PRP có kết quả tốt hơn rõ ràng so với nhóm điều trị LHA và HHA (kết quả ở nhóm này kém nhất). Mức độ hài lòng của nhóm điều trị PRP là 82% so với 64% trong nhóm điều trị LHA và 66% trong nhóm điều trị HHA. Như vậy kết quả điều trị bằng PRP tốt hơn và ổn định hơn (thời gian duy trì kéo dài hơn) so với điều trị bằng acid hyalorunic (HA).

Nghiên cứu của Sanchez và cộng sự trên 60 bệnh nhân thoái hóa khớp gối chia làm hai nhóm đồng nhất về tuổi, giới, chỉ số BMI và phân bố mức độ nặng trên Xquang: 30 bệnh nhân nhóm nghiên cứu điều trị PRP với liệu trình 3 mũi, mỗi tuần tiêm khớp gối 1 mũi. 30 bệnh nhân nhóm được tiêm HA cũng với liệu trình 3 mũi như trên. Kết quả sau 2 tháng điều trị tỷ lệ bệnh nhân trong nhóm điều trị PRP cải thiện triệu chứng đau thành công cao hơn so với nhóm điều trị HA. Các tác dụng phụ được ghi nhận là đau nhẹ, phản ứng viêm và có thể tràn dịch khớp gối sau tiêm được ghi nhận ở một số bệnh nhân thuộc cả hai nhóm, không có biến chứng nặng.
Tóm lại, với tác động vào cơ chế bệnh sinh của bệnh thoái hóa khớp, kỹ thuật tách chiết PRP đơn giản, an toàn do lấy máu tự thân, liệu pháp điều trị PRP đang hứa hẹn là một trong những lựa chọn điều trị tốt cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Nó cho kết quả tốt hơn và lâu dài hơn với điều trị bằng tiêm tại chỗ chất nhờn acid hyalorunic, một liệu pháp điều trị được coi là tiêu chuẩn và đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.

ThS.Bùi Hải Bình 30/8/2012

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics