1919  19

Kỳ diệu phương pháp phục hồi lá gan bị hỏng thay vì ghép gan

Các bác sỹ Anh vừa cứu sống một bé trai 8 tháng tuổi có lá gan bị vi-rút phá hủy bằng cách cấy các tế bào vào gan bị hỏng và các tế bào này hoạt động như một lá gan tạm thời, cho phép phục hồi lá gan đã bị tổn thương nặng.

 

Theo Nhóm thực hiện thuộc Trường Cao đẳng Hoàng Gia, phía Nam Luân Đôn, đây là kỹ thuật đầu tiên trên thế giới.

 

Cậu bé 8 tháng tuổi tên là Iyaad Syed hiện trông rất mạnh khỏe. Tuy nhiên, 6 tháng trước cậu gần như phải đón nhận cái chết do một loại vi-rút phá hủy chức năng gan của cậu bé.

 


Iyaad Syed – “Cậu bé thần kỳ”


 

Thay vì chờ đợi trong danh sách ghép gan, các bác sỹ đã cấy tế bào gan của người hiến tặng vào bụng cậu bé.

 

Các tế bào này xử lý các chất độc và sản sinh ra các protein quan trọng – thực hiện chức năng như một lá gan tạm thời.

 

Các tế bào được phủ một chất hóa học tìm thấy trong tảo, giúp chúng không bị hệ miễn dịch tấn công. Sau 2 tuần, gan của cậu bé bắt đầu hồi phục.

 

GS Anil Dhawan, Chuyên gia về gan thuộc Bệnh viện Trường CĐ Hoàng Gia thay mặt nhóm thực hiện phấn khởi cho biết: “Đây là lần đầu tiên kỹ thuật chữa bệnh này được sử dụng để chữa trị suy gan cấp tính cho một cháu bé. Vài tháng trước khi lần đầu tiên tôi thấy cậu bé, cậu còn rất yếu, phải nhờ tới sự trợ giúp máy thở. Chúng tôi nghĩ, chúng tôi đã đem đến cho cậu bé một cuộc sống khác. Nhìn hình ảnh cậu bé bây giờ khi chức nhưng gan gần như bình thường là điều thật đáng nể”.

 

Cần thêm các thử nghiệm y tế

 

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu kỹ thuật này có thể được sử dụng cho các bệnh nhân suy gan cấp tính không. Nhóm nghiên cứu cho biết cần có một cuộc thử nghiệm trên diện rộng để kiểm tra tính hiệu quả của kỹ thuật này.

 

Ưu điểm chính của kỹ thuật này so với một ca ghép gan là cậu bé Iyaad không cần phải dùng thuốc chống miễn dịch.

 

Ông Andrew Langford, Giám đốc Điều hành của Tổ chức British Liver Trust cho biết: “Kỹ thuật mới này chắc chắn là nền tảng và viên gạch đầu tiên. Chúng tôi sẽ chờ đón thêm các kết quả thử nghiệm y tế để xem kỹ thuật này có thể trở thành hướng trị bệnh tiêu chuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ không”.

 

Lê Bình

Theo BBC 16/11/2011

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics