Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0935.15.14.17 | |
Hotline: 0903.423.691 | |
Mr.Dung | |
Mr.Toanh |
Thông tin cần biết
Đối tác
Chê “hàng nội”, dân đổ ra nước ngoài chữa bệnh
"Mình đủ khả năng nhờ vả các bác sĩ tốt ở các bệnh viện lớn trong nước nhưng cứ nghĩ đến cảnh phải vạ vật khổ sở lại sợ".
Khi ông Quang (60 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) phát hiện bị ung thư lưỡi, cả gia đình lo đến mất ăn mất ngủ. Tìm hiểu thông tin khắp nơi, các con ông quyết định đưa bố sang Singapore phẫu thuật, dù biết chi phí đắt gấp chục lần trong nước.
"Mình đủ khả năng nhờ vả các bác sĩ tốt ở các bệnh viện lớn trong nước nhưng cứ nghĩ đến cảnh phải vạ vật khổ sở lại sợ", chị Xuân, con gái ông Quang kể.
Chị cho biết, vì có người quen, chị đưa thẳng bố tới một bệnh viện có tiếng bên Singapore. Chi phí cho ca phẫu thuật là 400 triệu, cộng với tiền đi lại, ăn ở và các khoản khác là hết nửa tỉ, trong khi, nếu mổ tại bệnh viện đầu ngành về ung thư trong nước, chỉ hết khoảng 20 triệu đồng.
"Dù thế, cả nhà mình vẫn không tiếc. Đắt xắt ra miếng. Sang bệnh viện bên đó như vào khách sạn, tới sảnh đã ngửi mùi cà phê thơm lừng, nghe tiếng piano dìu dặt… Quan trọng là, họ khiến gia đình mình thấy lạc quan khi chữa ung thư chứ không bị dọa dẫm đến nỗi nơm nớp sợ sẽ chết vào ngày mai", chị Xuân kể.
Chị cho biết, điều chị hài lòng nhất là khi đã về nước gia đình có thể gọi điện, viết thư xin tư vấn của bác sĩ điều trị bất cứ lúc nào và được hồi đáp ngay, từ việc có bất thường ở vết mổ đến chuyện người bệnh nên ăn gì, kiêng gì…
Từng đưa mẹ đi chữa ung thư phổi tại Trung Quốc, chị Dung, làm việc tại một công ty nước ngoài ở Láng Hạ, Ba Đình cũng bày tỏ: "Nếu có tiền tội gì không chọn nơi mình được phục vụ".
Chị cho biết, khi khám ở vài bệnh viện trong nước, mẹ chị lúc thì được chẩn đoán là viêm phổi, lúc lại phán ung thư. Không yên tâm vì các kết quả khác nhau, gia đình chị đưa bà ra nước ngoài thì được kết luận là ung thư và phẫu thuật ngay tại đó.
"Suốt thời gian mẹ mình mổ và hậu phẫu, gia đình không phải làm bất cứ chuyện gì ngoài nộp tiền và an ủi người nhà. Các khâu từ tắm, vệ sinh đến ăn… họ phục vụ rất chu đáo, phòng bệnh rộng hơn phòng ở resort, trang thiết bị đầy đủ… nên dù tốn gần tỉ bạc cả nhà vẫn hoan hỉ", chị Dung kể.
Theo số liệu mới đây của Bộ Y tế, mấy năm gần đây, mỗi năm có khoảng 40.000 người dân Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn hơn 1 tỉ USD. Đây mới chỉ là thống kê trên sổ sách, thực tế, con số này có thể lớn hơn nhiều lần. Ngoài Singapore như nhiều năm trước, hiện nay, nhiều người Việt còn chọn Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ… làm điểm đến điều trị.
Lý do khiến nhiều bệnh nhân, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, chấp nhận chi phí cao khi "xuất ngoại" là ngại cảnh nằm điều trị chật chội, không tin vào tay nghề của bác sĩ trong nước…
Nhận kết quả con trai bị ung thư máu, thay vì nhập viện BV Truyền máu huyết học TPHCM nơi vừa chẩn đoán để điều trị, anh Hải ở quận 8 quyết định đưa bé sang Singapore chữa với lý do "nhìn thấy chật chội tù túng đã phát ngán, hơn nữa, tôi không chắc bác sĩ trong nước có thể điều trị tốt".
Xin cho bé được xuất viện để ra nước ngoài, anh Hải thừa nhận, tổng chi phí các đợt điều trị tại Sing lên đến hơn 1 tỷ đồng, trong khi ở trong nước chưa đến một nửa phí đó nhưng anh vẫn cảm thấy yên tâm hơn.
Cũng với suy nghĩ bác sĩ trong nước không đủ trình độ, trang thiết bị không tân tiến, nhiều phụ huynh có con bị tim bẩm sinh đã từ chối điều trị tại Viện Tim TPHCM và hai bệnh viện nhi lớn nhất tại TPHCM để làm thủ tục ra nước ngoài chữa.
“Tôi chấp nhận chi phí đắt hơn hàng chục lần trong nước nhưng tôi tin các bác sĩ nước ngoài có nhiều kinh nghiệm hơn nhất là trong phẫu thuật”, chị Nguyễn Thị An, một cư dân ở quận 7 có con mắc bệnh tim bẩm sinh nói.
Quyết định đưa mẹ rời BV Ung Bướu TPHCM, anh Nguyễn Công Khánh, nhà ở Ninh Thuận cho biết, anh đưa mẹ sang Singapore chỉ vì máy móc ở bệnh viện trong nước quá ít trong khi bệnh nhân lại quá đông.
"Tôi nóng lòng muốn chữa khỏi cho mẹ nên không thể chịu được cảnh chờ đợi từ khâu xét nghiệm chẩn đoán cho đến hàng loạt dịch vụ khác", anh Khánh nói.
BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung Bướu TPHCM cho biết, so sánh giá cả, việc điều trị trong nước (với hầu hết các bệnh nan y hiện nay) sẽ tiết kiệm ít nhất là một nửa chi phí. "Chỉ riêng tiền phòng mỗi ngày tại Singapore đã khoảng 100 USD. Còn lại thuốc men, dịch vụ chẩn đoán, điều trị… đều đắt hơn rất nhiều so với ở Việt Nam", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận lý do quá tải, trang thiết bị chưa đủ để phục vụ bệnh nhân là nguyên nhân chính khiến người người chọn cách ra nước ngoài.
Về điều này, một bác sĩ khoa điều trị tự nguyện, BV Nhi trung ương (ở Hà Nội) cho rằng, rất nhiều người không tiếc tiền, nhưng lại rất tiếc thời gian phải đợi chờ, vạ vật. Khi đi chữa bệnh, họ không chỉ mong được chữa khỏi mà còn muốn được phục vụ chu đáo.
"Một lần đưa mẹ vào viện, tôi phải chạy lo thủ tục cả buổi sáng mà mẹ vẫn chưa được khám. Lúc ấy, tôi chỉ muốn túm lấy ai đó đưa tiền để họ giúp mình cho xong. Nhưng, dù là bác sĩ, đến viện lạ, tôi cũng chẳng biết phải nhờ ai… Đấy mới chỉ là khâu khám, chữa bệnh thì còn khổ nữa… Và những ai từng chịu cảnh đó, hẳn chẳng muốn quay lại viện, nhất là khi họ có tiền", vị này chia sẻ.
Một chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tim mạch, ghép tạng tại Hà Nội, từng được đào tạo nhiều năm tại nước ngoài cũng cho rằng, nhiều người ra nước ngoài chữa bệnh, chấp nhận phải chi trả lớn là tâm lý đúng, chẳng có gì khó hiểu.
"Về điều này, chúng ta cần phải xem lại mình chứ không nên phê phán người bệnh ‘sính ngoại’. Các bệnh viện công có gì để thu hút những người bệnh có khả năng tài chính cao và giữ lại một tỉ đô la chảy ra nước ngoài? Sao hàng nội không tốt lại cứ bắt tôi dùng? Nếu có người quen hỏi, mà tôi biết họ có khả năng tài chính, tôi cũng khuyên họ ra nước ngoài mà chữa", ông nói.
Theo Minh Thùy, Thiên Chương – VnExpress 04/10/2011