1919  19

Dân ngại khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Người khám bệnh bảo hiểm y tế phải chờ đợi lâu hơn chữa theo dịch vụ; điều trị nội trú kém, có khi phải nằm 2-3 bệnh nhân một giường… khiến nhiều người dần dà quay lưng với bảo hiểm y tế.

Trưa 22/9, lượng người đến khám bệnh diện bảo hiểm y tế tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) rất đông khiến nhân viên tiếp nhận không xuể.

Bà Nguyễn Thị Thùy (quê Phú Yên) đến tái khám theo định kỳ 3 tháng, ngồi ở sảnh chờ. Bà đã đợi nhiều giờ đồng hồ nhưng các thủ tục chụp phim, CT vẫn chưa xong.

"Tôi với mấy bệnh nhân khác phải thuê phòng trọ ở chung rồi canh sáng sớm vào bệnh viện để xin số thứ tự. Vậy mà phải chờ mấy tiếng đồng hồ mới tới lượt mình. Đã 3 ngày rồi khám chữa bệnh vẫn chưa xong", bà Thùy nói.

Cùng bà Thùy đến bệnh viện từ sáng sớm, trình thẻ bảo hiểm rồi xếp hàng đợi đến lượt mình, song nghe bác sĩ bảo phải đợi 8 tiếng đồng hồ nữa mới nội soi được, bà Trương Thị Lành (Buôn Ma Thuột) ngậm ngùi rút lui để đến một phòng khám tư.

Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mỗi ngày nơi đây có khoảng hơn 4.000 lượt bệnh nhân ngoại trú đến khám và 2.600 bệnh nhân nội trú. Trong đó số bệnh nhân dùng thẻ bảo hiểm chiếm hơn 50%.

Ông khẳng định không có việc nhân viên y tế phân biệt đối xử giữa người có thẻ bảo hiểm và không có. Song ông thừa nhận, vì các thủ tục trình tự bảo hiểm nên người đến khám bệnh dùng thẻ phải chờ đợi lâu hơn từ 30 phút đến một giờ đồng hồ so với khám dịch vụ.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhiều bệnh viện khác kể cả các bệnh viện nhỏ, đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế.


Quá tải là nguyên nhân chính khiến người mua bảo hiểm y tế chịu cảnh chờ đợi lâu hơn người không có thẻ. Ảnh: Thi Ngoan

"Nhiều lúc chán cảnh phải chờ đợi vì lượng người khám quá đông, thủ tục lại phức tạp chờ được nhận thuốc, tôi bỏ để sang khám dịch vụ. Dù đắt tiền hơn nhưng tôi khỏi phải mệt mỏi chờ", anh Khoa nhà ở quận 5, chờ khám tại Bệnh viện Đại học Y dược nói.

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khoảng 400 người khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế mỗi ngày, chiếm 46% số bệnh nhân. Tình trạng chờ đợi thủ tục bảo hiểm có nhanh hơn những bệnh viện đông khách khác nhưng cơ bản vẫn phải chờ.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng 1.000 lượt bệnh nhân điều trị nội ngoại trú, 50% dùng thẻ bảo hiểm y tế.

Nhận xét sự khác nhau giữa bệnh nhân có thẻ bảo hiểm và không có thẻ, ông Châu cũng khẳng định, do các thủ tục hành chính, bệnh nhân dùng thẻ sẽ phải chờ đợi lâu hơn trong khâu xét duyệt.

"Bệnh viện đã vi tính hóa mọi thông tin bệnh nhân thuộc diện bảo hiểm để phục vụ, thế nhưng thời gian chờ để nhận thuốc chắc chắn phải lâu hơn người không có bảo hiểm", ông Châu nói.Theo Bảo hiểm xã hội TP HCM, thành phố có hơn 4,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 65% dân số. Những năm trước, khi điều kiện tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện là tất cả người trong hộ gia đình phải mua, 10% số hộ trong phường phải tham gia, thì quỹ bảo hiểm có kết dư. Nhưng khi Bộ Y tế bỏ điều kiện này, bảo hiểm y tế bội chi. Riêng TP HCM mỗi năm bội chi ngoài 200 tỷ đồng.

Phân tích chuyện bệnh nhân phải chờ đợi kéo dài, một giám đốc bệnh viện tại quận 5 cho rằng, nguyên nhân là do tình trạng quá tải khiến cả người có bảo hiểm lẫn không bảo hiểm đều phải chờ đợi như nhau.

"Ngoài những bất tiện do quá tải gây nên như chờ đợi lâu, nằm giường chật chội, việc mua bảo hiểm y tế vẫn thực sự có lợi trong điều trị", bác sĩ này nói.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thì giải thích, giá dịch vụ y tế cho bệnh nhân bảo hiểm thấp nên bệnh viện không có tiền tái đầu tư. Hiện khung giá khám tự nguyện và khám bảo hiểm y tế ở Bạch Mai chênh lệch rất nhiều. Giá khám tự nguyện một lần thấp nhất là 30.000 đồng, chênh lệch đến 10 lần so với bảo hiểm y tế.

Ông thừa nhận về chất lượng phi y tế thì bệnh viện tư nhân làm tốt hơn bệnh viện công. Nhưng nếu đòi đỏi sự niềm nở ở bệnh viện công bằng với bệnh viện tư là một điều siêu hình. Bởi lẽ bệnh viện tư có quyền từ chối bệnh nhân, còn bệnh viện công thì không. Vì thế nên dù ca khó, 5-6 người nằm một giường bệnh vẫn phải chữa, bệnh nhân đông, bác sĩ lại ít.

Một trở ngại khác cho người bệnh và cả bác sĩ trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là việc chọn thuốc trong danh mục bảo hiểm khi kê toa.

Một bác sĩ không muốn nêu tên bày tỏ, một bệnh nhân có bảo hiểm khi nhập viện, thay vì chỉ chú tâm vào điều trị thì bác sĩ lại phải ngồi sàng lọc, cân nhắc các loại thuốc có trong danh mục bảo hiểm. Trong khi đó tại một số nước, bác sĩ không phải làm điều này, bởi người mua bảo hiểm đã được phân loại trước. Những người già yếu, bệnh tật phải mua bảo hiểm giá cao hơn người khỏe mạnh.

"Người có bệnh, danh mục thuốc được dùng là tuyệt đối. Bác sĩ chỉ việc chữa trị chứ không cần phải quan tâm thuốc này dùng được, thuốc kia không cho người được bảo hiểm y tế", bác sĩ này cho biết.

Thừa nhận thực trạng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa tốt cho bệnh nhân, song các nhà chính sách cho rằng mua bảo hiểm vẫn là cách tốt nhất giúp người dân giảm chi phí điều trị nếu nằm viện và cần khuyến khích.

Ông Phạm Minh Thảo, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng điều cần làm là đẩy nhanh y tế toàn dân. "Nếu kế hoạch ban đầu là đến 2014-2015 Việt Nam có 75% người dân tham gia bảo hiểm y tế thì bây giờ phải đẩy nhanh hơn, phải đạt được trên 80%", ông Thảo nói.

Theo ông, người dân nên tham gia bảo hiểm y tế ngay từ lúc còn đang khỏe, đóng một kinh phí cố định nhỏ, ốm đau thì đã có quỹ bảo hiểm y tế chi trả để tránh cái bỗng nghèo. Trường hợp bản thân không phải sử dụng bảo hiểm thì đóng phí là hỗ trợ cho người khác như trách nhiệm cộng đồng.

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nêu quan điểm: "Nếu bị cảm xoàng thì đi khám có thể không cần bảo hiểm, nhưng nếu đi chữa bệnh hoặc trong trường hợp tai nạn, thẻ bảo hiểm y tế trở thành cứu cánh vì viện phí khi ấy là cả vấn đề".

Còn theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, trong bối cảnh viện phí sắp điều chỉnh, cần nâng cao chất lượng điều trị hoặc chống quá tải ở bệnh viện để người bệnh bảo hiểm y tế được chăm sóc tốt hơn.

Nhóm phóng viên 24/09/2011 theo vnexpress.net

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics