1919  19

Giá thuốc lại lên cơn “cao huyết áp”

Liên tục trong những ngày qua, hàng loạt mặt hàng thuốc lại đua nhau tăng giá, nhất là các loại thuốc nhập ngoại.
Với tỷ lệ tăng trung bình từ 6,4% đến 10%, Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam khuyến cáo các loại thuốc sẽ còn tăng giá mạnh dịp cuối năm khi dấu hiệu cho thấy tuần qua tỷ giá ngoại tệ có lúc đã vượt ngưỡng 21.000 đồng/USD.
 


Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 1. Ảnh: Tường Lâm

 
Vào đợt tăng giá mới
 
Chúng tôi ghé qua chợ dược phẩm Tân Định, đường Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM hỏi mua thuốc Pharmaton (một loại thuốc bổ cho người lớn), cô nhân viên nhà thuốc L.C. ra giá 252.000 đồng/hộp và không quên quảng cáo: “Thuốc này cho người suy nhược uống thì tốt, nhiều người chọn thuốc này lắm”.
 
Khi chúng tôi thắc mắc là mới cuối tháng 7 vừa rồi mua với giá 232.000 đồng/hộp, sao giá thay đổi nhanh thế liền nhận được nụ cười bí ẩn kèm lời an ủi: “Thuốc nhập khẩu châu Âu, giá tăng mỗi tháng mà. Nhiều loại tăng giá lắm chứ đâu phải thuốc đó đâu”. Hóa ra, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá thuốc Pharmaton đã tăng lên tròm trèm 10%.
 
Tương tự, hỏi mua thuốc Tobradex mới biết giá thuốc ghi trên nhãn là 45.100 đồng/lọ thay vì 41.500 đồng/lọ cách nay chừng 10 ngày.
 
Thuốc Methycopan cũng đã tăng giá từ 32.000 đồng/vỉ lên 35.000 đồng/vỉ. “Từ giữa tháng 7 đến nay, hàng loạt thuốc nhập ngoại tăng giá vù vù. Sáng nào mở cửa hàng ra là nhận được thông báo của các công ty dược phân phối đề nghị thay đổi giá bán. Mà mình không tăng thì… đứt hàng”, chủ một hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM ngán ngẩm cho biết.
 
Bên cạnh thị trường thuốc bán lẻ đua nhau thay đổi niêm yết giá bán tăng lên mỗi ngày, thị trường dược sỉ cũng không khỏi phập phồng trước nguy cơ thiếu thuốc do giá tăng cao.
 
Tại chợ sỉ dược phẩm Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM, nhiều chủ quầy thuốc than thở vì sau một thời gian ngắn tạm ổn định, giá thuốc lại lên cơn “cao huyết áp”.
 
Theo các chủ nhà thuốc, các loại thuốc tăng giá chủ yếu vẫn là thuốc nhập ngoại như các loại vitamin, điều trị tim mạch, tiểu đường, dịch truyền chống sốc…
 
Điển hình là Dogmatin 5mg từ 110.000 đồng/hộp lên 115.000 đồng/hộp; Enalapril từ 112.500 đồng/hộp lên 118.125 đồng/hộp; Efferagan Codein từ 323.000 đồng/hộp lên 345.000 đồng/hộp; Vastaren MR từ 138.000 đồng/hộp lên 149.000 đồng/hộp.
 
Đáng quan ngại, theo Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm H.L., một số loại thuốc mà công ty “cắt lô” phân phối độc quyền từ các nhà máy ở châu Âu có nguy cơ đứt hàng kéo dài vì tỷ giá ngoại tệ dã tăng lên nhiều.
 
Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam cho biết, sau khi khảo sát thị trường dược phẩm trong tháng 8 vừa qua, ghi nhận nhiều mặt hàng thuốc nhập ngoại tăng giá trung bình 6,4%, cá biệt có loại tăng 10%.
 
Giá nguyên liệu tăng cao
 
Chưa hết lo lắng vì giá thuốc tăng ảnh hưởng lớn đến người bệnh, nhiều doanh nghiệp dược trong nước cũng đang điêu đứng vì nhiều khả năng phá sản kế hoạch sản xuất 3 tháng cuối năm 2011 và cả năm 2012 khi nguyên liệu đầu vào tăng vượt mức dự đoán.
 
Dược sĩ Huỳnh Thị Lan, Tổng giám đốc Công ty dược phẩm Mekophar cho biết, trong vòng 2 tháng qua, giá nguyên liệu đã tăng vọt lên hơn 20%, nhất là nguyên liệu từ châu Âu.

Cụ thể như nguyên liệu Vitamin B1 hồi tháng 5 – 6 chỉ ở mức 14USD/kg nay đã là 36USD/kg; Vitamin B6 từ 17USD/kg tăng gấp hơn 3 lần lên đến 56USD/kg. Trong khi đó, các loại nguyên liệu sản xuất trong nước không có sự thay đổi đáng kể, như Amoxicilin vẫn đứng ở mức 26 – 27USD/kg từ đầu năm đến nay. “Ngay cả tá dược và các phụ liệu bao bì cũng tăng chóng mặt”, dược sĩ Lan nói.
Theo nhiều doanh nghiệp dược, tỷ giá ngoại tệ tăng cao cùng với tình hình kinh tế khó khăn của nhiều nước đang khiến không chỉ giá thuốc thành phẩm nhập khẩu đội giá mà ngay nguyên liệu, thuốc sản xuất trong nước cũng khó kìm giá.
 
Giám đốc một công ty dược cho biết, nhiều nguyên liệu kháng sinh, hạ sốt, chống viêm nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ trong tháng qua đã tăng giá cao như Ampicilin, Amoxicilin, Sulfamethoxazol, Cephalexin, Paracetamol…
 
Hiện một số loại thuốc nội cũng rục rịch tăng giá và bằng chứng là khảo sát của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, đã có sự tăng trung bình trên 6,3% so với các tháng trước đây. Đặc biệt chú ý là nhiều loại thuốc kháng sinh dành cho trẻ em đã tăng mạnh như Acemuc, Cefaclor…
 
“Trong tình hình giá cả leo thang, các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh cũng tăng theo làm cho giá thành các sản phẩm thuốc sản xuất trong nước và một số mặt hàng nhập khẩu cũng tăng theo”, ông Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược đánh giá.
 
Theo Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược, một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước sắp tới sẽ tăng do các yếu tố đầu vào cho sản xuất như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải… đều tăng.
 
Giá một số mặt hàng thuôc nhập khẩu cũng tăng cao do giá nhập khẩu, tỷ giá ngoại tệ và chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng. Do đó, với hơn 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, 50% nhập khẩu thuốc thành phẩm và với mức giá tăng cao như hiện nay trong 3 tháng cuối năm và đầu năm 2012, ngành sản xuất, kinh doanh dược phẩm Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.
 
Điều đó đồng nghĩa với gánh nặng đè lên vai người bệnh đã nặng càng nặng thêm, nếu các cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp căn cơ tháo gỡ.

Theo Tường Lâm – Sài Gòn Giải Phóng 06/09/2011

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics