1919  19

Thuốc lại tăng giá

Nhiều loại thuốc chữa bệnh đã tăng giá 5%-10%. Trong tháng tới, nhiều loại thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu có thể tiếp tục tăng giá

Giá tân dược bất ngờ “tăng tốc” những ngày vừa qua khiến người bệnh không khỏi giật mình rồi lại ngao ngán thở dài.

Tăng đến 10%

Theo thông tin từ nhiều nhà thuốc ở Hà Nội, khoảng một tuần qua, mặt hàng thuốc tây (chủ yếu là thuốc ngoại) bước vào đợt tăng giá mới với mức tăng từ 5%-10% và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chị Diệp Anh, nhân viên một nhà thuốc khá lớn trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), cho biết nhà thuốc buộc phải điều chỉnh gần một nửa số thuốc tại cửa hàng sau khi nhận được thông báo điều chỉnh giá của các công ty phân phối, nhập khẩu thuốc như:  Zuellig Pharma Việt Nam, Diethelm Việt Nam, Dược phẩm Bến Tre… Theo chị Diệp Anh, những loại thuốc điều chỉnh khá mạnh trong thời điểm vừa qua là Glucofa, Glucovance (trị tiểu đường); Concur (trị cao huyết áp); Depakine (trị động kinh); Xatral SR (trị tiền liệt tuyến); kháng sinh Rovas, Efferalgan (giảm đau, hạ sốt); Baraclude tab (trị viêm gan); Navelbine (trị ung thư); Ossopan (bổ sung canxi); Tanganil (trị rối loạn tiền đình)…

Nhiều loại thuốc chữa bệnh đang tăng giá và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: NGUYỄN THẠNH


Ở TPHCM, ghi nhận tại các nhà thuốc khu vực chợ dược sỉ đường Tô Hiến Thành (quận 10), Hai Bà Trưng (quận 3)… những ngày qua cho thấy một số mặt hàng cũng tăng giá. Hỏi mua thuốc Solmuc trị long đờm cho trẻ, nhân viên nhà thuốc cho biết giá đã tăng từ 220.000 đồng lên 228.000 đồng/hộp.

Giải thích nguyên nhân tăng giá thuốc lần này, nhiều công ty dược phẩm cho rằng do áp lực tỉ giá tăng cao của ngoại tệ, cộng thêm sức ép các chi phí nội địa như bán hàng, quảng cáo và vận tải đều tăng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, lấy lý do giá USD tăng cao, nhiều nhà thuốc đã đồng loạt tăng giá là điều khó chấp nhận, bởi thông thường các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu đã phải thỏa thuận giá từ trước chứ không phải đợi đến lúc ngoại tệ biến động mới nhập thuốc về.

Theo Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh dược Việt Nam, khảo sát tình hình thị trường dược phẩm trong tháng qua (từ ngày 20-5 đến 20-6) cho thấy nhiều mặt hàng thuốc nhập ngoại tiếp tục tăng giá. Qua khảo sát 3.097 lượt mặt hàng nhập khẩu, có 20 lượt mặt hàng tăng giá với tỉ lệ tăng trung bình khoảng 5,2%, không có mặt hàng nào giảm giá.

Lách luật để tăng giá

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh dược Việt Nam dự báo trong tháng tới, nhiều loại thuốc sản xuất trong nước và các mặt hàng thuốc nhập khẩu có thể tiếp tục tăng giá.

Nhận định về việc này, trình dược viên một hãng thuốc khá lớn ở Hà Nội cho rằng đây là chuyện bình thường khi giá của các mặt hàng tiêu dùng cũng biến động liên tục. “Các DN nhập khẩu sẽ tăng kiểu nhỏ giọt để ít bị “sờ gáy”. Hơn nữa, thuốc ngoại được nhập bằng ngoại tệ nên biến động về tỉ giá được coi là yếu tố để các DN nhập khẩu thuốc khai lại giá thành và điều chỉnh giá”- trình dược viên này nói.

Theo giám đốc chi nhánh một DN dược ở Hà Nội, giá bán của DN cho các đại lý vẫn đúng với giá bán buôn dự kiến đăng ký với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, có thể khi các cửa hàng nhập về họ lại tự điều chỉnh giá, điều này có thể tạo thêm một đợt tăng giá nữa. Đó là chưa kể các đại lý bán thuốc sẽ cộng thêm chi phí mặt bằng, thuế và nhân viên… để đẩy giá thuốc lên cao.

Trong khi đó, một bác sĩ ở một bệnh viện Trung ương cho biết: “Thuốc ngoại sẽ còn tăng giá khi nhu cầu vẫn rất lớn và tâm lý sính ngoại còn phổ biến trong quan niệm chữa bệnh của người dân”. Theo bác sĩ này, hầu như tuần nào ông cũng nhận được đề nghị của một vài trình dược viên về việc kê đơn một số loại thuốc với mức hoa hồng khá hậu hĩ. Đây đều là những loại thuốc nhập khẩu có giá tương đối cao so với thu nhập trung bình của người Việt Nam.

Trước đó, đầu tháng 3-2011, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện nhiều DN kê khai giá “trên trời” để nếu có tăng giá vẫn không phạm luật.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã yêu cầu Cục Khám chữa bệnh, Cục Quản lý dược và Vụ Kế hoạch – Tài chính kiểm tra việc tăng giá thuốc của nhiều DN. Đồng thời, yêu cầu Cục Quản lý dược xem xét lại việc kê khai giá thuốc của các DN. Động thái này đã làm “hạ nhiệt” thị trường thuốc trong một thời gian ngắn nhưng đến thời điểm này, giá thuốc lại bùng lên mạnh mẽ khiến không chỉ người mua mà người bán cũng không khỏi ngỡ ngàng.


Nhiều loại thuốc chữa bệnh lại vào đợt tăng giá mới khiến nhiều bệnh nhân ngao ngán Ảnh: HỒNG THÚY

 

Xử phạt việc tùy tiện tăng giá

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong thời gian qua, giá tăng tập trung chủ yếu ở thuốc nhập khẩu. “Không phải DN cứ đưa ra đề nghị tăng giá thuốc là được chấp nhận. Việc điều chỉnh giá thuốc không thể tùy tiện. Chúng tôi đang tăng cường kiểm tra việc tăng giá thuốc trên địa bàn, DN nào tự ý tăng giá vượt với giá kê khai ban đầu sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật” – bà Lan nhấn mạnh.

 
Viet Bao (Theo NLĐ) 30/06/2011

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics