1919  19

Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ 24h sau sinh: Rớt thảm hại

Trong 4 năm qua, tỉ lệ trẻ sơ sinh được tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh đã giảm tới mức báo động, chưa đạt được mức 20%.

Thậm chí, hiện nay có nhiều tỉnh/TP không còn duy trì được việc tiêm phòng này nữa. Nếu thực trạng này không được cải thiện, nguy cơ bùng phát bệnh viêm gan B trong cộng đồng ở thế hệ sắp tới là điều đã được báo trước.


Mỗi năm, thêm hơn nửa triệu trẻ không được bảo vệ sớm

Sở dĩ tiêm vắc-xin viêm gan B mũi 1 trong vòng 24h đầu sau khi sinh được khuyến cáo ở VN cũng như trên thế giới, bởi biện pháp này giúp trẻ phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con khi sinh, và sớm được phòng lây căn bệnh này từ người thân, bạn cùng trang lứa…

Chị Nguyễn Hồng Anh (30 tuổi, ở quận Ba Đình, TP. Hà Nội) sinh 2 lần ở BV Phụ sản Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ có em bé thứ 2 sinh năm 2010 được tiêm phòng viêm gan B. Chị biết điều này vì bác sĩ không nói gì, nhưng trong hồ sơ ra viện của bé thứ 2 có giấy chứng nhận đã tiêm phòng, còn em bé đầu tiên sinh năm 2008 thì không thấy.

Giải thích về hiện tượng có cháu được tiêm, cháu lại không được, bác sĩ Bùi Thị Chút, Phó Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, BV Phụ sản Hà Nội cho biết: Từ sự cố năm 2007, vắc-xin tiêm phòng lúc có lúc không, thỉnh thoảng lại có 2 -3 tháng không có. Vì thế, kể cả trường hợp mẹ dương tính với viêm gan B mà thời điểm sinh rơi vào lúc không có huyết thanh tiêm thì cũng chịu.

Thêm một lý do nữa, có lần Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) về kiểm tra và nói rằng, cán bộ y tế không có chứng chỉ tập huấn về công tác tiêm phòng thì không được làm. Với lý do này, việc tiêm lại bị dừng lại mất 2-3 tháng. Khi có lớp tập huấn thì mỗi khoa phòng chỉ có 2 người được đi học. Vậy những người không được tập huấn, họ cũng không muốn tiêm.


Được tiêm vắc-xin phòng viêm gan B trong ngày đầu tiên sinh ra, trẻ sẽ được tạo miễn dịch phòng bệnh sớm và hiệu quả

Cứ như vậy, đã hơn 1 lần, việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở BV Phụ sản Hà Nội bị dừng lại. Mỗi tháng tại BV có ít nhất 2.500 – 3.000 trẻ sơ sinh ra đời. Vì thế, trong 4 năm qua, riêng ở TP.Hà Nội, đã có hàng chục nghìn cháu bé không được tiêm phòng viêm gan B trong 24h đầu. Với tình trạng quá tải như những năm gần đây, cán bộ y tế khó có thể giải thích hết được với các bà mẹ hết ngọn nguồn của việc trẻ đã được tiêm hay không. Do đó, trẻ nào được tiêm thì mới có giấy chứng nhận là vì thế.

Kể từ đầu năm 2011 đến nay, dự án TCMR đã cung cấp đủ vắc-xin viêm gan B cho các tỉnh. Loại trừ nguyên nhân khách quan là không có vắc xin, nhưng trong 3 tháng đầu năm nay, Hà Nội cũng mới chỉ đạt được 13% trẻ sơ sinh được tiêm.

Còn trên toàn quốc, có tới 42 tỉnh/TP không đạt được tỉ lệ 10%. Thậm chí, như Cao Bằng, Yên Bái không có cháu nào được tiêm. Đây không phải là hiện tượng mới.

Theo PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình TCMR quốc gia: Do có các trường hợp phản ứng nặng xảy ra sau khi tiêm các vắc-xin, trong đó có vắc xin viêm gan B, tỷ lệ tiêm 24h sau sinh đã giảm từ 64% năm 2007 xuống 25% năm 2008. Năm 2009, tỉ lệ này có tăng lên được 40%. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2011 lại xuống rất thấp. Miền Bắc chỉ còn 13,3%; miền Nam 18%. Khá hơn là ở miền Trung đạt 22,5%; Tây Nguyên 23,6%.

Theo ngành dân số, mỗi năm nước ta có khoảng 800 nghìn – 1 triệu trẻ mới ra đời, nếu cứ lấy con số trung bình 20% trẻ được tiêm thì mỗi năm cũng còn 650 – 800 nghìn trẻ không được bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm viêm gan B sớm và hiệu quả.

Cán bộ y tế: Do dự không muốn tiêm

Theo PGS Hiển, sau khi xảy ra các trường hợp tai biến nặng tử vong sau tiêm, tâm lý các bà mẹ và cán bộ y tế đã có những ảnh hưởng. Bà mẹ không muốn cho con đi tiêm. Còn các cán bộ y tế cũng e ngại, lo sợ phản ứng nặng xảy ra, do đó có hiện tượng chống chỉ định rộng, do dự không muốn tiêm vacxin liều sơ sinh.Tiêm vắc xin viêm gan B có thể gây phản ứng thông thường như đau tại chỗ (từ 3 – 9% trường hợp, sốt trên 37,7oC (0,4 – 8% trường hợp). Sốc phản vệ khoảng 1/600.000 liều vắc-xin.

Tuy nhiên, tiêm liều sơ sinh trùng hợp với thời điểm trẻ mới sinh. Lúc đó trẻ có thể dễ bị tử vong bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều đó dễ dẫn đến nghi ngờ là tử vong liên quan đến vắc-xin. Kết quả đánh giá về nguyên nhân các phản ứng nặng sau tiêm ở Việt Nam trong những năm vừa qua của Hội đồng khoa học Bộ Y tế cho thấy: Không phải do các nguyên nhân liên quan đến vắc-xin và tiêm chủng.

Liều vắc-xin viêm gan B trong 24h đầu sau khi sinh, thậm chí cả khi mẹ bị nhiễm vi rút viêm gan B sẽ phòng được khoảng 85% nhiễm trẻ sơ sinh. Nếu mẹ có vi-rút viêm gan B, thì 90 % trẻ sinh ra sẽ bị lây. Nếu tỉ lệ tiêm này cứ ngày càng rớt thêm, ước tính hàng năm có khoảng 55.000 trẻ sinh ra mang vi-rút viêm gan B mãn tính. 1/3 số này sẽ bị xơ gan và ung thư gan sau đó. Đây là một gánh nặng rất lớn cho việc chi phí điều trị, chăm sóc bệnh nhân cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội.

WHO hỗ trợ Việt Nam “đánh gục” viêm gan vi-rút

Hôm nay 28/7 đánh dấu ngày Viêm gan thế giới đầu tiên từ trước đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra lời hứa sẽ “đánh gục” viêm gan vi-rút tại khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) vào năm 2012.

Động thái này nhằm ngăn ngừa và kiểm soát những loại vi-rút viêm gan gây bệnh cho con người.

9 quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương chưa giảm được tỷ lệ nhiễm vi-rút viêm gan B ở trẻ em xuống dưới 2% sẽ được WHO cam kết tập trung hỗ trợ, bao gồm: Việt Nam, Campuchia, Kiribati, CHDCND Lào, Papua New Guinea, Philippines, Samoa, Quần đảo Solomon, Vanuatu.

Nhiều nước trên thế giới (như Đài Loan Trung Quốc, Hàn Quốc…) đã áp dụng chiến lược này và đã thành công trong việc giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B trong cộng đồng xuống dưới 1%. Hiện tại, Việt Nam vẫn là vùng có tỷ lệ người mang vi-rút viêm gan B rất cao 10-20%, tỷ lệ mang vi rút viêm gan B ở phụ nữ có thai trên 10%, và ở trẻ em là 6%.


Theo Quang Duy 29/07/2011

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics