Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0935.15.14.17 | |
Hotline: 0903.423.691 | |
Mr.Dung | |
Mr.Toanh |
Thông tin cần biết
Đối tác
Nhập nhèm thực phẩm chức năng chữa ung thư
Mặc dù không có chức năng chữa bệnh nhưng qua sự “phù phép” của người bán hàng, thực phẩm chức năng trở thành “thuốc” chữa bệnh nan y.
Trên thị trường hiện có hàng trăm loại TPCN được quảng cáo là có công dụng điều trị hoặc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.
Nhiều TPCN trên nhãn hay hướng dẫn sử dụng chỉ ghi chung chung nhưng khi tư vấn thì người bán hàng, đa số là các dược sĩ lại “chắc như đinh đóng cột” chúng dùng chữa bệnh ung thư (!).
Trị đủ loại ung thư?!
Dạo một vòng qua các hiệu thuốc gần cổng cơ sở 2 Bệnh viện (BV) K (xã Tam Hiệp, H.Thanh Trì, Hà Nội), khách sẽ thấy hoa mắt vì đủ loại tờ rơi, poster quảng cáo các loại TPCN “đặc trị” ung thư được bào chế từ linh chi, trái nhàu, sâm…
Tại một hiệu thuốc, sau khi chúng tôi nói có người nhà mắc bệnh ung thư cần tìm thuốc điều trị, không cần biết mắc ung thư gì, người bán hàng lập tức “khuyên dùng” TPCN Sun Ginseng.
Theo chị này, đây là “thuốc” cực tốt bào chế từ hồng sâm của Hàn Quốc, có khả năng ngừa tế bào ung thư, chống tái phát ung thư, bảo vệ tế bào não… “Thuốc này người bệnh ở đây nhiều người mua lắm, người nhà em chỉ cần uống vài hộp là có chuyển biến ngay”, người bán hàng giới thiệu.
"Thực phẩm chức năng không thể chữa bệnh nào hết, với ung thư thì càng không. Nếu người nào nói dùng thực phẩm chức năng để chữa bệnh thì phải đem ra mà chém đầu!"
Ông Trần Đáng
Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng
Tại một hiệu thuốc khác trưng tấm poster TPCN Agel UMI bự chảng còn ghi rõ sản phẩm này chuyên trị các bệnh ung thư về gan, vú, vòm họng, xương, đại tràng, tử cung, lưỡi…
Cũng tại khu vực này, nhiều loại TPCN như Noni còn được các dược sĩ, chủ hiệu thuốc “chỉ định” trên các biển quảng cáo: “dùng kết hợp trong quá trình phẫu thuật, truyền hóa chất, xạ trị…” để “làm teo, hạn chế sự phát triển khối u”.
Theo người bán hàng, bất cứ bệnh ung thư nào cũng có thể sử dụng được sản phẩm này.
Ông Lê Đình Quang, 54 tuổi, quê ở Phú Thọ, đang điều trị bệnh ung thư vòm họng tại BV K, cho biết qua 3 tháng điều trị ông đã dùng ít nhất 3-4 loại TPCN khác nhau, có loại do bác sĩ kê đơn, có loại do người bán thuốc tư vấn hoặc do người thân mách.
Dù tiền mua TPCN đã tròm trèm 20 triệu đồng, bệnh tình chưa chuyển biến gì nhiều nhưng ông vẫn đinh ninh “nhiều người mắc ung thư như tôi dùng rồi, họ nói tốt lắm, bác sĩ, y tá cũng khuyên thì mình cứ dùng, có bệnh thì phải vái tứ phương thôi”.
“Bác sĩ kê đơn rồi không mua sao được”
Chúng tôi chú ý tới một phụ nữ tất tả, tay cầm đơn thuốc chạy đi chạy lại nhiều nơi, gặp ai cũng hỏi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Quệt vội lớp mồ hôi lấm tấm trên mặt, chị Tuyết (tên người phụ nữ) kể đang tìm mua thuốc cho chồng, anh Bùi Thanh Phong, 51 tuổi ở Yên Bái, bị ung thư vòm họng. “Tôi cứ tưởng bác sĩ đã kê đơn thì nhà thuốc BV có bán, nhưng hỏi thì họ lại nói không có, cũng không biết chỗ nào bán”, chị nói.
Theo đơn chị Tuyết cầm thì thuốc được kê là: “Đông Trùng Hạ Thảo 2 lọ, ngày uống 4 viên chia 2”. Theo chỉ dẫn của chúng tôi, chị Tuyết đi lòng vòng mấy hiệu thuốc trước BV K rồi cũng mua được 2 lọ với giá 900 ngàn đồng.
“Bệnh nan y nên thuốc nào cũng đắt chú ạ, nhà tôi từ khi phát bệnh đến giờ cũng đi ngót cả trăm triệu tiền thuốc rồi mà không biết có ăn thua gì không”, chị Tuyết kể.
Đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo hộp thuốc, chúng tôi hỏi chị: “Loại này chỉ hỗ trợ điều trị một số bệnh về gan, phổi, tim mạch, ung thư dạ dày chứ có trị được bệnh chồng chị đâu mà mua?”. Nghe vậy, chị Tuyết thật thà: “Nào tôi có biết gì về thuốc thang đâu, bác sĩ kê rồi thì phải mua thôi, không mua thì chồng lại nghĩ là mình tiếc tiền, khổ lắm”.
Bác sĩ kê vào toa thuốc là sai
BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM, khẳng định: “Về nguyên tắc, toa thuốc không được kê vào TPCN.
Trong BV chúng tôi cũng không cho phép bán TPCN và luôn nhắc nhở bác sĩ không được kê TPCN vào toa thuốc điều trị cho người bệnh ung thư”.
Tương tự, BS Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng khoa Ung Bướu và y học hạt nhân BV Nhân dân 115, TP.HCM, nói:
“Về quy định của ngành, bác sĩ không được kê TPCN vào toa thuốc điều trị. Có chăng chỉ được phép tư vấn cho người bệnh dùng thêm sản phẩm này, sản phẩm nọ bên ngoài toa mà thôi".
Từ H.Nghi Lộc, Nghệ An, ông Nguyễn Quang Thành, 63 tuổi ra cơ sở 2 BV K để điều trị ung thư thực quản.
Do BV quá tải, ba bố con ông Thành thuê một phòng trọ xế bên cổng viện với giá 120 ngàn đồng/ngày đêm để “chờ lúc nào có người cũ ra thì tôi vào”.
“Tiền ở tiền ăn, tiền thuốc men nhiều vô kể, cũng may tôi có bảo hiểm 80% nên đỡ được một phần. Nhưng khiếp nhất là mấy loại thuốc bác sĩ kê mà nhà thuốc BV không có, phải đi mua ngoài”, ông Thành tâm sự.
Loại "thuốc" mà ông Thành muốn nói đến là TPCN có tên White L-Glutathione. “Mỗi lọ bé tí mà hơn 1,6 triệu đồng, mỗi lần kê đơn là 2 lọ. Nhiều người nói loại này không có tác dụng chữa bệnh nhưng bác sĩ thì nói nó có tác dụng ngăn ngừa làm chậm tế bào ung thư, không lẽ bác sĩ nói mà mình không tin”, ông Thành bày tỏ.
Móc túi người bệnh!
Ông Bùi Thống, một trình dược viên nay đã giải nghệ, cho biết nắm bắt được tâm lý những người mắc bệnh nan y thường không tiếc tiền mua thuốc với hy vọng kéo dài sự sống nên các doanh nghiệp kinh doanh TPCN đã tung rất nhiều chiêu để móc túi người bệnh.
Một trong những chiêu có hiệu quả nhất là “khoanh vùng” các BV, khu vực có đông người khám chữa bệnh ung thư rồi hợp tác với các dược sĩ, bác sĩ tư vấn cho người bệnh, bán được sản phẩm thì chia hoa hồng. Một mặt, họ tung các quảng cáo tờ rơi, cho người rỉ tai truyền miệng về công dụng sản phẩm…
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế, khẳng định TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ cung cấp dinh dưỡng, không có tác dụng chữa bệnh thay thế cho thuốc chữa bệnh. Thế nhưng, hiện có nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng sự thật, lập lờ về các tính năng tác dụng sản phẩm nhằm mục đích bán được nhiều.
Ông Phong cũng thừa nhận tình trạng: “Đã có những doanh nghiệp sử dụng các bác sĩ, cán bộ trong ngành y tế để đi quảng cáo hoặc bán sản phẩm, điều này đã gây ra sự ngộ nhận cho người tiêu dùng”.
Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN, cũng khẳng định: "TPCN không thể chữa bệnh nào hết, với ung thư thì càng không. Nếu người nào nói dùng TPCN để chữa bệnh thì phải đem ra mà chém đầu! Bộ Y tế đã từng có Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP với chủ đề: Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng về TPCN”.
Đáng lưu ý, ông Đáng cảnh báo: “Theo tôi, hiện chí ít cũng phải 30% TPCN không đạt yêu cầu về hoạt chất. Chúng ta lâu nay có kiểm tra chất lượng thì cũng chỉ loanh quanh về mức độ an toàn của sản phẩm: kim loại nặng, nấm mốc chứ hầu như chưa kiểm tra được hoạt chất”.
Theo Thái Sơn, Liên Châu, Thanh Tùng – Thanh Niên 25/07/2011