Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0935.15.14.17 | |
Hotline: 0903.423.691 | |
Mr.Dung | |
Mr.Toanh |
Thông tin cần biết
Đối tác
Mười lăm năm đi tìm cây thuốc
Đối mặt với nguy hiểm nơi rừng thiêng nước độc sẽ chẳng đáng chi nếu tìm được loài thuốc quý.
15 năm rong ruổi tìm cây thuốc trên khắp chặng đường Nam – Bắc, với lương y Nguyễn Đức Nghĩa, công việc ấy không dừng lại ở thiên chức cứu người mà còn đong đầy khát vọng bảo tồn và nâng tầm thuốc Việt.
Lương y Nghĩa vui mừng trước khóm chè dây
Rưng rưng cây thuốc đại ngàn
Suốt hơn 30km luồn lách trong rừng Dăk Nông, phó chánh văn phòng đông y Dăk Nông vừa dẫn đường, vừa giới thiệu từng loại cây thuốc, nguồn dược liệu quý của tỉnh Dăk Nông.
Chị bộc bạch: “Cây thuốc quý ngày càng bị tận diệt, cây sắn mọc thay cây rừng. Chúng em mời thầy Nghĩa về góp ý, tư vấn để bảo tồn và phát triển cây thuốc quý, chứ cứ theo đà này 5 – 10 năm nữa người dân không còn cây thuốc quý mà chữa bệnh…”
Nhác thấy cây câu đằng, ông Nghĩa yêu cầu dừng xe rồi xuống ngắt một đoạn dây rừng và nói: “Đã quá, thiên nhiên thật kỳ diệu! Ra ngoài quận 5 đi mua câu đằng, người ta cứ bảo rằng câu đằng có hai móc câu tốt hơn loại một móc câu, nhưng thực tế không phải thế.
Cây câu đằng có cả hai loại móc, cứ cách một móc câu ở mắt này rồi tới hai móc ở mắt kia, chứ không có loài câu đằng chỉ có một hoặc hai móc câu”.
Rồi ông mở kho hiểu biết của mình: đây là vị thuốc dùng chữa trị các chứng bệnh tâm thần, nổi ban, mệt mỏi, âu lo, căng thẳng, hạ huyết áp, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt… những bệnh nhiều người đều có nguy cơ mắc phải trong thời đại ngày nay. Loài cây đang ngày càng khan hiếm vì môi trường sống bị phá huỷ và bị khai thác đến cạn kiệt.
Chưa thoả lòng với cây câu đằng, ông tiếp tục mừng rỡ khi thấy một khóm chè dây mơn mởn đong đưa. Đây là cây thuốc quý hiếm chữa bệnh đau dạ dày và diệt vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây ung thư dạ dày. Chè dây chứa những hoạt chất linh diệu có tác dụng khắc chế được loại vi khuẩn này.
“Chỉ non vài năm trước, rừng Việt Nam đâu có thiếu những loại thảo dược này. Vậy mà hôm nay, nhìn thấy chúng mà rưng rưng nước mắt”, lương y Nghĩa nói.
Phát sốt nếu không đi tìm thuốc
Với lương y Nguyễn Đức Nghĩa, niềm đam mê đi tìm cây thuốc quý đã ăn vào máu thịt. Chỉ cần nghe ai đó kể về cây thuốc đang dùng có tác dụng chữa bệnh phong hàn hay hắt hơi, sổ mũi… là ông đã nghĩ ra đó là cây gì.
Nếu cây đó chưa biết, ông liền mở sách ra tra cứu và xin địa chỉ. Ông bảo: “Cần thiết nữa thì đóng cửa phòng mạch đi luôn, không kể ngày – đêm, mưa – gió, đường xa ngàn dặm. Những chuyến đi đều mang phong thái ngẫu hứng, vì thế cũng ẩn chứa lắm hiểm nguy”.
Có lần, ông mải miết leo lên ngọn cây cao để lấy một loài ký sinh thì bị hẫng chân và rơi xuống vách đá, ngất xỉu. May mắn, một nhóm thanh niên đi rừng phát hiện đã đưa ông đến trạm y tế cấp cứu.
Những chuyến phiêu lưu lên rừng xuống biển không thiếu hiểm nguy rình rập đã khiến những người thân trong gia đình, bạn bè ông lo lắng và nhiều lần can ngăn. Nhưng cái máu đam mê tìm kiếm và chinh phục cây thuốc của lương y Nghĩa quá lớn.
Ông đã từng phát sốt khi nghe người ta kể về cây thuốc mọc ở một nơi nào đó mà không được đi.
Từ đó, mỗi lần có kế hoạch đi đâu ông đều im lặng, nửa đêm thức dậy soạn quần áo, balô, đồ nghề và nhẹ nhàng dắt xe ra khỏi cổng nhà vài trăm mét mới dám nổ máy.
Trong những chuyến đi xa, vỏ và ruột xe của ông luôn luôn mới, hộp đồ nghề đi rừng của ông như bộ đội trinh sát với đầy đủ vật dụng cá nhân: chỉ may vết thương, thuốc cầm máu, các loại kháng sinh giảm đau, thuốc cấp cứu tây y, võng và bộ đồ nghề.
Muốn người Việt dùng thuốc Việt
PGS. DS Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc sở Y tế TPHCM đã từng công bố trong hội nghị Dược liệu toàn quốc lần thứ hai: “Trên thị trường dược liệu hiện nay, 90% thuốc y học cổ truyền đang lưu hành nhập lậu, chủ yếu từ Trung Quốc…” và cũng có không ít loại là thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Vào tháng 3/2010, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã kiểm tra chất lượng khoảng 32.000 mẫu thuốc nhập khẩu và thuốc sản xuất trong nước, phát hiện gần 140 mẫu thuốc nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn.
Tỷ lệ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng chủ yếu là thuốc đông dược và dược liệu bị nhiễm khuẩn, ẩm mốc.
Là một lương y được học bài bản và tâm huyết với nghề, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cảm thấy đau xót, cảm thấy bất an cho sức khoẻ của người bệnh khi đối diện với nguồn thuốc kém chất lượng, thuốc giả hiện nay.
Ông nói, “nhiều đêm suy nghĩ mà buồn khi cây thuốc quý hiếm của nước mình ngày càng cạn kiệt. Các loài cây thuốc quý liệt vào danh sách đỏ ngày càng tăng lên. Cứ đà này, có lẽ mười năm nữa chỉ có những đại gia mới được dùng thuốc đông y…”.
Là một trong những học trò xuất sắc của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi (nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng của Việt Nam), trong những buổi học và những lần chia sẻ về nghề của mình, lương y Nguyễn Đức Nghĩa luôn được thầy Lợi cảnh báo về sự khác thường của dược liệu ngày nay.
Chất lượng của thuốc không còn như trước. Ông dẫn chứng: khi mới vào nghề, anh không đi sưu tầm và mang cây thuốc về trồng, ra thị trường dược liệu cứ thấy thuốc đẹp là mua.
Loại thuốc xạ can (củ, rễ) có từ lâu đời với tác dụng chính chữa đau cổ họng. Ông mua về kê cho bệnh nhân dùng 1 chỉ (4g) uống không bớt, dùng 2 chỉ uống cũng không bớt, chuyển sang 3 chỉ cũng không khỏi. Nghi ngờ, ông liền ra vườn hái vào hai lá, cắt nhỏ cho vào thang thuốc.
Bệnh nhân uống hết một thang đã giảm bệnh ngay. Điều đó chứng tỏ rằng dược liệu mua không chuẩn và có khi đó chỉ là xác dược liệu mà thôi.
Đặc biệt, có nhiều loại thuốc hiện nay sản xuất và chế biến rất đẹp. Nếu như trước đây, để thuốc không hư, các học trò cứ 2 – 3 ngày lại mang ra phơi nắng một lần. Nhưng nay, thuốc để trong hộc tủ sáu tháng đến một năm không đụng tới cũng không hề mốc, không hư. Điều đó chứng tỏ rằng thuốc được tẩm rất nhiều chất bảo quản.
Kế thừa và phát huy niềm đam mê cháy bỏng trong sự nghiệp chữa bệnh cứu người của giáo sư Đỗ Tất Lợi, lương y Nghĩa luôn khắc sâu lời dạy của thầy “người thầy thuốc sử dụng thuốc cho bệnh nhân khi mình dám uống, dám dùng cho người thân của mình thì hãy làm, còn sử dụng thuốc cho bệnh nhân uống mà không dám cho người thân mình uống là bất lương”.
Cũng từ lời dạy này, ông đã ý thức được rằng cây thuốc có nguồn gốc rõ ràng và an toàn cho người bệnh là điều vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ và lợi ích kinh tế. Ông đã ra quyết tâm không dùng thuốc trôi nổi trên thị trường, thuốc không rõ nguồn gốc.
Vì thế, trong suốt 15 năm hành trình đi tìm cây thuốc từ Nam chí Bắc, ông đã mang về trồng tại vườn với số lượng hơn 300 loài cây thuốc quý, hiếm.
Theo Hoàng Nhung – Sài Gòn Tiếp Thị 14/07/2011