1919  19

“Mờ mắt” chờ khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương

Có cụ già trên 80 tuổi, có em bé chỉ trên dưới 1 tuổi… tất cả tạo thành một hàng dài ngồi nối đuôi nhau chờ được khám mắt.



Phòng khám BV Mắt Trung ương luôn quá tải

Có mặt tại Bệnh viện Mắt Trung ương (85 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lúc 8 giờ sáng, tôi đã thấy một hàng người nối đuôi nhau chờ được khám mắt…

Chỉ đi qua cổng, tôi đã bị vây quanh bởi một đám “cò” bệnh viện: “Mua sổ khám bệnh đi em ơi, xong chị dẫn đi khám tận nơi luôn”, hay “em ơi trong ấy đông lắm, em mua luôn sổ và phiếu khám của chị thì vào khám chỉ mất vài phút là xong, khám thường thì khám, mà muốn khám giáo sư cũng có”…

Vì đã “đề cao cảnh giác” nên tôi từ chối, tuy nhiên sau hơn 1 tiếng xếp hàng để mua được cuốn sổ khám bệnh loại 80.000 đồng kèm theo số phiếu khám bệnh đánh số 564, tôi mới hiểu tại sao nhiều người lại chấp nhận mất tiền mua sổ của “cò” bệnh viện.

Trong bệnh viện có nhiều bàn đề biển “Bàn hướng dẫn bệnh nhân khám bệnh” nhưng chẳng thấy ai ngồi đó hướng dẫn.

Một người đàn ông tên Tuyền, ở Thanh Hóa đưa cô con gái 7 tuổi tên Hoa ra khám mắt bức xúc nói: “Đi từ cổng vào dãy nhà E tôi đã thấy tới 4 bàn hướng dẫn bệnh nhân nhưng chẳng có ai mà hỏi, chẳng biết đường nào mà lần”.

Phòng chờ khám bệnh là tầng 4 tòa nhà E thật nóng bức, ngột ngạt khi hàng trăm bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi đang chờ đến lượt.

Có cụ già trên 80 tuổi, có em bé chỉ trên dưới 1 tuổi. Ngồi bên cạnh tôi, cậu bé Nguyễn Văn Duy, 8 tuổi, ở Hải Phòng nói: “Em bị loạn thị, cứ 3 tháng là ông em lại đưa đến khám và lấy thuốc. Lần nào cũng thấy sợ, vì các cô các bác cứ chen mãi, lần trước em còn bị dẫm đứt cả quai dép nên hôm nay phải đi giày”. Xem số phiếu của tôi, Duy bảo: “Thế này thì phải chiều chị mới được khám”!

Cậu bé chưa dứt lời, cuối phòng bỗng ồn ào, rồi một cô gái cầm quyển sổ khám bệnh xé toang trong sự kinh ngạc của nhiều người. Tên cô gái trong cuốn sổ rách là Nguyễn Hải Yến, 21 tuổi, ở Sơn Tây. Tôi rời chỗ ngồi và đi theo cô ra cổng, ở đó, cô cầm nắm giấy tờ ném về phía một chị “cò”, hai người cãi vã rất lâu và nhờ thế tôi rõ câu chuyện.

Số là Yến được chị kia mời mua sổ và phiếu khám mắt với lời hứa không phải chờ đợi với giá 160.000 đồng thay vì 80.000 đồng, nhưng bác sĩ bảo dấu đóng trên sổ không hợp lệ.

Tôi nghe các chị “cò” bảo nhau: “Thôi, căng thế thì trả tiền cho nó đi. Nhanh lên không nó gọi công an đến lại chết cả lũ”. Chị “cò” nọ dịu giọng, hứa sẽ dẫn đi khám tận nơi mà không lấy thêm tiền nữa, bấy giờ cô gái tên Yến mới im.

Đem câu chuyện quay trở lại phòng khám thắc mắc với một cán bộ bệnh viện có biển tên đeo trên ngực là “Lê Thúy Hạnh – Điều dưỡng trưởng khoa”, bà giải thích: “Chúng tôi không rõ họ lấy dấu ở đâu để đóng vào sổ bán cho bệnh nhân, chúng tôi đã cảnh báo nhưng vẫn có người mua, khi giấy tờ không hợp lệ thì chúng tôi không khám, đó không phải là trách nhiệm của chúng tôi”.

Tôi rời khỏi bệnh viện lúc gần 12 giờ trưa, sau khi được kết luận bị nhược thị, trong khi hàng trăm người đến chậm hơn vẫn đang chờ đợi. Theo Ban thông tin tuyên truyền, Bệnh viện Mắt Trung ương, để giảm tải, bệnh viện khám muộn hơn giờ hành chính, từ 7 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút, kể cả thứ 7, Chủ nhật.
 
Ngoài ra, bệnh viện có thêm phòng khám chuyên về tật khúc xạ tại 38A Trần Nhân Tông, Hà Nội phục vụ trong giờ hành chính.

 Theo Hoài Thu – Thanh Niên 30/06/2011

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics