1919  19

Châu Âu: Xuất hiện dịch sởi vì dân sợ tiêm vắc-xin

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiều nước châu Âu đang đối phó với dịch sởi. Hiện có ít nhất 6.500 trường hợp mắc sởi ở hơn 10 quốc gia được báo cáo. Hầu hết các trường hợp này đã không tiêm chủng.

Những vùng màu đỏ và nâu là nơi có nhiều người bị sởi nhất

Những ổ dịch lớn và nhiều trường hợp tử vong…

Riêng tại Pháp, đã có gần 5.000 người mắc bệnh này và hầu hết không được chủng ngừa vắc-xin sởi. Những người bị bệnh phần lớn là thanh thiếu niên và đã có 1 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. TS Rebecca Martin, phụ trách chương trình vắc-xin phòng bệnh EU của WHO, cho biết: “Khoảng 30% trẻ em Pháp đã không được tiêm chủng”.
Các ca sởi cũng đã xuất hiện tại Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Na Uy, Serbia, Thụy Sĩ, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Bulgaria, dịch sởi bùng phát mạnh nhất. Bà Martin cho biết: “Đã có 1 ổ dịch lớn vào đầu tháng Tư năm 2009 và kéo dài tới năm 2010 với hơn 24.000 trường hợp mắc bệnh và 24 người chết tại Bulgaria”.
Các quan chức y tế Anh cũng xác nhận có 53 trường hợp mắc sởi trong những tháng đầu năm 2011 và một vài trường hợp là do đi du lịch tới các nước có dịch sởi.
… do nghĩ rằng vắc-xin là có hại
Theo đánh giá của WHO, sở dĩ có dịch sởi tại Pháp, Bulgaria là do người dân cho rằng việc tiêm chủng vắc-xin sởi, quai bị, rubella là có hại.
Thêm nữa, “Mọi người không nghĩ rằng bệnh sởi nguy hiểm nhưng thực chất đây là một bệnh có nhiều biến chứng và nguy cơ tử vong cao”, bà Martin cho biết.
“Vắc-xin sởi, quai bị, rubella là thuốc chủng ngừa an toàn. Căn bệnh này cũng nghiêm trọng hơn nhiều so với bất kỳ tác dụng phụ nào vắc-xin có thể gây ra. Đó là vắc-xin không gây tử vong”, bà Martin nhấn mạnh.
Ngoài ra, nếu một quốc gia xuất hiện một ổ dịch, bệnh sởi có thể dễ dàng lan truyền tới các quốc gia khác. Cụ thể, bà Martin cho biết: “Các ổ dịch lớn ở Bulgaria bắt đầu từ một trường hợp bị sởi ở Đức và đến Bulgaria du lịch”.
Một trường hợp khác được WHO ghi nhận là 1 bé 9 tháng tuổi người Mỹ đã bị mắc sởi tại Cộng hòa Dominican do tiếp xúc với một người lớn ở châu Âu bị bệnh.
Bà Martin kêu gọi mọi người cho trẻ tiêm phòng theo đúng lịch tiêm của quốc gia mình: đó là 1 mũi vắc-xin khi 12-15 tháng tuổi và 1 mũi nhắc lại khi 4 tuổi và tiêm chủng trước khi đi du lịch.
Nhân Hà
Theo WHO

(update 22/04/2011)

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics