1919  19

Nhiễm độc chì trong sinh hoạt: Cấp tính hay mạn tính đều nguy hiểm

Trong thời gian 3 tháng gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho hơn 130 trẻ phải nhập viện do ngộ độc chì, trong đó có gần 30 trường hợp rất nặng, chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi, thậm chí có cả trẻ 1 tháng tuổi. Nguyên nhân chính là do cha mẹ đã tự ý mua thuốc cam không rõ nguồn gốc xuất xứ về điều trị cho trẻ mà không lường trước được nguy cơ tác hại khôn lường của chúng. Bài viết này nhằm cung cấp cho độc giả những kiến thức tổng quan về chì – một nguyên tố kim loại được sử dụng rộng rãi trong đời sống, nhận biết khi bị nhiễm độc chì và cách phòng tránh.

Có hai loại chì cơ bản.

Chì là một kim loại nặng. Trong ứng dụng các ngành kinh tế, chì có hai dạng cơ bản là chì vô cơ và chì hữu cơ.

Chì vô cơ gặp ở trong ngành khai khoáng, ngành sản xuất và chế biến chì, trong các lĩnh vực dùng đến chì. Trong đời sống, chì vô cơ có thể gặp trong thuốc, thực phẩm, chất tạo màu, trong các đồ hộp. Chì hữu cơ chủ yếu là gặp dạng tetraetyl chì. Chúng tồn tại chủ yếu trong các hỗn hợp đốt cháy mà xăng là điển hình. Thường thì những nạn nhân nhiễm độc chì hữu cơ là những người làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp với các chất đốt.

Dù là chì hữu cơ hay vô cơ thì khi xâm nhập vào cơ thể, chúng cũng giải phóng ra các ion chì. Đây chính là dạng độc hại cơ bản của những hợp chất này khi đi vào máu.

Theo nguồn gốc chì thì người ta chia nhiễm độc chì thành nhiễm độc chì vô cơ hay hữu cơ. Trong mỗi loại, người ta lại chia ra thành nhiễm độc chì cấp tính và mạn tính. Có một đặc điểm như thế này về nhiễm độc chì: dù là thể bệnh nào thì cũng nặng như nhau.
Một cháu bé 5 tháng tuổi ngộ độc chì do dùng thuốc cam (ảnh lớn); Thuốc Nam không rõ nguồn gốc, dụng cụ sinh hoạt trong gia đình chứa chì (ảnh nhỏ).

Nhận biết nhiễm độc chì vô cơ.

Chúng ta có thể bị nhiễm độc chì vô cơ trong thuốc, trong thực phẩm, trong đồ hộp, trong các vật gia dụng nhiều màu sắc.

Chì vô cơ rất dễ nhiễm độc. Chỉ cần 1mg/ngày là chúng ta có thể bị nhiễm độc mạn tính sau vài tháng. Còn nếu như nhiễm nồng độ cao hơn, khoảng 10mg/ngày thì chỉ cần sau vài tuần là nhiễm độc nặng.

Chúng ta không thường gặp nhiễm độc cấp tính. Vì nhiễm độc cấp tính chỉ xảy ra khi nhiễm một nồng độ chì quá cao. Biểu hiện của chúng là bỏng rát thực quản, một biểu hiện trên đường tiêu hóa, suy gan, suy thận cấp tính. Rối loạn các chức năng và thay đổi các thông số xét nghiệm thường quy. Thể bệnh nhiễm độc cấp tính là rất nặng và tử vong chỉ sau vài ngày.

Dạng bệnh thường gặp hơn là nhiễm độc chì mạn tính do thâm nhiễm từng ít, từng ít một chì trong đời sống.

Biểu hiện của nhiễm độc chì vô cơ mạn tính là phức bộ các hội chứng bao gồm: hội chứng thiếu máu, hội chứng đau bụng do chì, hội chứng thần kinh do chì, hội chứng thận do chì và hội chứng viêm đa khớp do chì.

Cơ chế cơ bản gây ra các hội chứng này là do chì thâm nhiễm vào da, gan, thận, lách, tủy xương, não, thần kinh, khớp… và gây ra nhiễm độc.

Thiếu máu được thể hiện bằng da xanh xao, niêm mạc nhợt, da xám ngoét kiểu như thâm nhiễm chì. Tăng số lượng hồng cầu lưới và hồng cầu non trong máu ngoại vi mà bình thường những hồng cầu này chỉ có ở trong tủy xương. Lý do là vì thiếu máu nên những hồng cầu chưa trưởng thành cũng phải tung ra huy động. Xét nghiệm máu thấy số lượng các tế bào máu giảm rất rõ. Trên lợi răng, người ta còn thấy có đường viền thâm nhiễm chì rất đặc trưng gọi là đường viền burton. Thiếu máu thường là những biểu hiện sớm nhất của nhiễm độc mạn tính.

Hội chứng thần kinh do chì được biểu hiện bằng hai bệnh cảnh đặc thù; liệt thần kinh quay ở bàn tay do chì và rối loạn chức năng não bộ do chì. Liệt thần kinh quay ở bàn tay nhận ra bằng các dấu hiệu: liệt cơ duỗi làm bàn tay không duỗi được, tức là không ngửa tay lên được. Tay lúc nào cũng trong tư thế rũ xuống và được miêu tả bằng cụm từ hình tượng: rũ cổ cò. Còn rối loạn chức năng não bộ do chì có các biểu hiện đau đầu, đồng tử 2 bên không đều, run một số nhóm cơ, có thể có liệt, thất điều…

Các hội chứng khác trong nhiễm độc chì vô cơ mạn tính chỉ xuất hiện khi nhiễm độc nặng hoặc giai đoạn cuối.

Xác định chính xác nhiễm độc chì mạn tính căn cứ vào những biểu hiện bệnh lý, thời gian tiếp xúc và đo nồng độ axit delta aminolevulinic trong nước tiểu.
Cháu bé 26 ngày tuổi bị nhiễm độc chì nặng được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Xác định nhiễm độc chì hữu cơ.

Chì hữu cơ là một dạng tồn tại đặc thù của chì trong đời sống. Nó gắn với các chất hữu cơ và do đó làm tăng khả năng thâm nhập vào cơ thể, tức là tăng khả năng nhiễm độc. Sự nhiễm độc chì hữu cơ chủ yếu qua da, gây bệnh ở da và thần kinh.

Trong giai đoạn cấp (hay giai đoạn đầu), bệnh không có dấu hiệu nhận dạng đặc thù. Thay vào đó là các dấu hiệu rất chung như suy nhược, mệt mỏi, mùi hơi thở tanh (do kim loại). Có “tam chứng” cổ điển là: hạ huyết áp, hạ thân nhiệt và giảm nhịp tim. Song tam chứng điển hình này ít gặp.

Trong giai đoạn mạn tính (giai đoạn toàn phát), bệnh nhiễm độc chì hữu cơ được thể hiện bằng một bảng các dấu hiệu nhận dạng đặc trưng khác với chì vô cơ là bệnh não do chì. Lúc này, chì chủ yếu gây hại trên thần kinh mà cụ thể là trên não bộ.

Trong bệnh não do chì, sớm nhất là sự thay đổi về tinh thần của người bệnh. Thường người bệnh rơi vào trạng thái hoảng loạn, hoang tưởng, có lúc bị rối loạn tri giác, hay quên, tính tình thay đổi.

Sang thời kỳ tiếp theo, bắt đầu có hiện tượng rối loạn vận động. Biểu hiện đầu tiên là run. Phản xạ gân xương tăng và các động tác hay ở cường độ mạnh, giật cục y như người nóng nảy. Đó là do phản xạ tăng mà thôi. Trong bệnh não do chì không có hay là ít có hiện tượng liệt.

Đến khi thời kỳ cuối thì huyết áp của người bệnh thấp hẳn, không vượt quá 90mmHg, nhịp tim chậm hẳn theo bệnh lý, thường xuyên dưới 50 lần/phút và thân nhiệt thấp, dưới 36,5oC. Nhưng khi bệnh nặng thì tự nhiên nhiệt độ tăng, nhịp tim tăng, hô hấp tăng. Đó là các dấu hiệu của tình trạng cận tử vong.

Chẩn đoán xác định nhiễm độc chì hữu cơ dựa vào bộ bốn tiêu chuẩn: dấu hiệu nhận biết, thời gian tiếp xúc, đo nồng độ axit delta aminolevulinic trong nước tiểu thấy bình thường nhưng nồng độ chì trong nước tiểu thì tăng cao.
Thuốc cam trôi nổi có chứa chì.

Phòng quan trọng hơn chữa.

Trong nhiễm độc, thực khó mà chữa khi người bệnh đã bị bệnh vì giải pháp là phải loại bỏ chì hoàn toàn ra khỏi cơ thể. Điều này khó mà thực hiện được vì chì thâm nhiễm sâu vào trong tế bào. Các biện pháp áp dụng chỉ là các biện pháp triệu chứng và phục hồi chức năng. Do vậy, phòng bệnh quan trọng hơn là chữa bệnh ở trong bệnh nhiễm độc chì.

Về mặt y học lao động thì chống nhiễm độc chì bằng cách tuân thủ tuyệt đối an toàn và vệ sinh lao động.

Về mặt đời sống, tránh nhiễm độc chì bằng cách không sử dụng và lạm dụng các sản phẩm có phơi nhiễm chì. Đặc biệt là các sản phẩm gia công, thủ công, không được kiểm định, không có dây chuyền công nghệ. Dùng thuốc Đông y, thuốc Nam không rõ nguồn gốc, các hỗn hợp cao thuốc thủ công thường nhiễm độc chì cao.

Sử dụng đồ hộp không đảm bảo, sử dụng các vật dụng màu như bát màu từ những cơ sở thủ công hoặc nhập lậu thường là nguồn gây ra nhiễm độc chì. Chủ yếu nhiễm độc chì mạn tính. Nguy hiểm nhất là với trẻ nhỏ vì nó làm giảm sự hoạt hóa và phát triển của thần kinh.

Khuyến cáo không sử dụng túi bóng màu, không sử dụng bát màu để đựng đồ ăn – điều này sẽ có ích cho gia đình bạn.

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics