Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0935.15.14.17 | |
Hotline: 0903.423.691 | |
Mr.Dung | |
Mr.Toanh |
Thông tin cần biết
Đối tác
Thực hư tin đồn rau củ nhiễm độc hơn rau lá
Rau ăn củ có thực sự an toàn và “sạch” hơn rau ăn lá như rau muống, bắp cải… không?
Thông tin về việc người nông dân trồng hai ruộng rau khác nhau, một ruộng rau để bán với ngập các loại thuốc trừ sâu; một ruộng rau để ăn không phun thuốc, khiến không ít người tiêu dùng “quay lưng” với rau lá, chuyển sang ăn các loại rau dạng củ, với tâm lý củ có vỏ bên ngoài sẽ “sạch” hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại rộ lên thông tin rau dạng củ còn nhiễm độc nặng nề hơn cả rau dạng lá khiến dư luận không khỏi hoang mang.
Dù có vỏ hay không, thuốc trừ sâu vẫn được hấp thụ vào rau
Trên thực tế, với tình trạng sử dụng tràn lan các loại thuốc trừ sâu không rõ xuất xứ, thu hoạch không đảm bảo thời gian cách ly sau phun thuốc theo quy định khiến nhiều người lo sợ mà “tẩy chay” rau dạng lá, chuyển sang sử dụng rau ăn củ như su hào, cà rốt, củ đậu. Nhưng rau ăn củ có thực sự an toàn và “sạch” hơn rau ăn lá như rau muống, bắp cải… không?
Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, TS Ngô Vĩnh Viễn khẳng định: “Quan niệm rau củ an toàn hơn rau lá là hoàn toàn không chuẩn xác. Bởi vì bất cứ loại thuốc trừ sâu phun bảo vệ cho loại cây nào thì đều có tác dụng trên loại đó, thuốc bảo vệ lá sẽ phòng sâu bệnh trên lá, thuốc bảo vệ củ sẽ ngấm vào củ và có tác dụng phòng sâu bệnh cho củ. Vì thế, nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu ở rau dạng củ hay rau dạng lá là như nhau, không phải ăn rau dạng củ an toàn hơn hơn, ít bị nhiễm thuốc trừ sâu hơn rau dạng lá”.
Với “lý lẽ” về lớp “áo giáp” bên ngoài của các dạng rau củ sẽ giúp lọc bớt các chất độc hại, có lẽ người tiêu dùng nên hiểu lại cho đúng. Thuốc trừ sâu hại cho rau củ hiện có hai nhóm gồm nhóm thuốc tiếp xúc và nhóm thuốc nội hấp. Nhóm thuốc tiếp xúc được sử dụng để phun trực tiếp vào chỗ có sâu bệnh, hoặc phun trực tiếp vào con sâu; còn nhóm thuốc nội hấp là nhóm thuốc để phun ở lá nhưng có tác dụng bảo vệ củ. Khi phun thuốc bảo vệ củ vào lá cây thì những con sâu nếu ăn lá đã được phun thuốc cũng sẽ bị tiêu diệt.
Vậy với hai cơ chế thuốc, một là thuốc dạng tiếp xúc trên mặt lá, khi phun vào lá, tiếp xúc trên lá sâu ăn phải hoặc phun thẳng vào sâu thì sâu chết; còn cơ chế thứ hai là với loại thuốc nội hấp, phun vào lá thì thuốc đó sẽ được nội hấp vào cây, con sâu ăn hoặc chiết dịch từ cây thì sâu sẽ chết. Như vậy, dù có vỏ hay không, thì thuốc vẫn được hấp thụ vào rau.
Tích tụ kim loại nặng nhiều hơn rau ăn lá
Chắc hẳn nhiều người còn chưa thực sự thấy thuyết phục với những phân tích trên, bởi ai cũng nghĩ các loại rau củ sinh trưởng ở trong lòng đất cũng sẽ hạn chế bớt phần nào khả năng nhiễm hóa chất từ các loại thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, rau củ là loại sinh trưởng trong lòng đất, nên sẽ tiếp xúc với các vi sinh vật trong đất và không thể tránh khỏi những vi sinh vật có hại.
Ví dụ như củ cà rốt có lớp vỏ rất mỏng lại sinh trưởng từ trong đất thì còn dễ nhiễm vi khuẩn đường ruột hơn cả rau lá sinh trưởng trên mặt đất. Hoặc như củ su hào, vốn là loại mọng nước hơn các loại củ khác, nên khi sử dụng phân đạm thì sẽ củ su hào với cơ chế hút nước nhiều sẽ hút phân đạm, đó chính là nitrit độc hại. Củ su hào hút chất nitrit còn cao hơn lá, lưu giữ trong củ với hàm lượng cao hơn rau lá. Rau nào chứa nước nhiều, hút nước nhiều, hút nhiều dung dịch có đạm thì sẽ chứa nhiều nitrit.
Hiện nay nhiều loại thuốc được làm ra với độ tinh khiết rất cao, ít tạp chất, sau khi phun trên rau lá sẽ bị phân hủy dưới ánh nắng mặt trời, thuốc tác động nhanh đến dịch hại nhưng nhanh phân hủy dưới tác động của môi trường. Về cơ bản, các loại thuốc hóa học phần lớn dưới tác động của ánh nắng mặt trời, nó sẽ bị phân hủy. Vậy thì thuốc trừ sâu khi phun vào rau ăn lá còn phân hủy nhanh hơn rau ăn củ. Ngược lại, rau ăn củ thì tích tụ kim loại nặng, nước nhiễm độc còn nặng hơn. Tuy nhiên, ở khía cạnh nhiễm vi khuẩn, vi sinh vật có hại trong quá trình vận chuyển, thương mại thì đúng là rau ăn củ an toàn hơn, bởi nó có lớp vỏ phía ngoài – trong khi rau ăn lá thì thường được ngâm rửa dưới những mương nước rất bẩn, ô nhiễm.
TS Ngô Vĩnh Viễn cũng công nhận: “Đúng là nguy cơ nhiễm kim loại nặng ở rau ăn củ nhiều hơn là rau ăn lá. Kim loại nặng nhiễm vào cây thông qua đường rễ. Rau dạng củ gần rễ đồng thời chiếm diện tích phần lớn của cây nên khả năng nhiễm kim loại cao hơn lá. Nguy cơ nhiễm nhiễm loại nặng cao của rau củ đến từ nhiều yếu tố như nước, đất, phân bón. Nếu kim loại nặng có trong nước tưới tiêu không sạch, mà rau củ lại hút nước, trữ nước nhiều hơn rau lá nên bị nhiễm nhiều hơn là đương nhiên. Nếu nước nhiễm chì, nhiễm asen mà rau củ hút nước trữ trong củ thì rõ ràng rau củ nhiễm nhiều hơn rau lá. Vì thế, có thể khẳng định củ bị nhiễm kim loại nhiều, nhanh hơn lá”.
Nguy cơ ung thư gan, phổi…
Với những thông tin về việc ăn các loại rau củ bị nhiễm kim loại nặng thì con người sẽ phải đối mặt với những nguy cơ bệnh tật rất cao, TS Ngô Vĩnh Viễn cho biết: “Ăn phải rau củ nhiễm kim loại nặng sẽ dẫn đến các bệnh về đường ruột, men tiêu hóa bị ức chế, ức chế quá trình ôxy hóa trong cơ thể. Việc tích tụ asen, thủy ngân, chì… sẽ vô cùng gây nguy hại cho sức khỏe con người. Có hai dạng ngộ độc là cấp tính và mãn tính. Ngộ độc cấp tính là triệu chứng xuất hiện ngay như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, tử vong.
Dư lượng thuốc quá nhiều tạo ra ngộ độc đó, nó có thể xảy ra ở người phun thuốc, nếu phun vào lúc nắng, thuốc bốc hơi người phun hít thở vào thì dẫn đến choáng váng, ngộ độc; hoặc tiếp xúc nhiều với da thì cũng gây nên các bệnh trên da. Loại ngộ độc này dễ nhìn nhưng ngộ độc mãn tính thì mới là cực kỳ nguy hiểm, là “kẻ thù giấu mặt”. Ngộ độc mãn tính là do các chất độc từ kim loại nặng tích tụ trong cơ thể, dần dần dẫn đến mờ mắt, mù mắt hoặc vô sinh, hoặc sự suy giảm của một số men làm cho hoạt động oxy hóa của cơ thể không tốt, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Như vậy, các kim loại nặng độc hại cứ tích tụ, tích tụ và cuối cung nguy hiểm nhất là dẫn đến ung thư. Nhiều nhất là ung thư gan, ung thư phổi”.
Cụ thể hơn, nitrit là một chất độc hại. Khi tích tụ trong cơ thể, nitrit sẽ kết hợp với các axit amin tạo thành chất có khả năng gây ung thư gan, dạ dày. Đối với trẻ sơ sinh, chất này còn gây bệnh về đường hô hấp. Trong nước thì có vô số tiêu chí để đánh giá về thủy ngân, chì, sắt hay hàm lượng NO3 (nitrit) là những tiêu chuẩn về chất độc hại. Hãy nhớ lại thời gian trước, nước ta còn xuất khẩu cho Liên Xô (cũ) loại bắp cải mà vùng xuất khẩu lớn nhất là Thủy Nguyên, Hải Phòng thì bên phía nước bạn cũng đặt ra những tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng. Nhưng chỉ có lý do duy nhất mà bắp cải của nước ta không được chấp nhận nhập khẩu vào Liên Xô là vì hàm lượng nitrit quá cao.
Theo giới chuyên gia phân tích: “Dân ta khi tiêu dùng thì dễ bị mắc lừa bởi cảm quan nên thường hay chọn những mớ rau, củ quả mọng nước, xanh non, không sâu… Việc phát hiện kim loại nặng, chất độc hại trong rau củ thông qua màu sắc như với rau lá là không thể. Vì vậy, khi sơ chế rau củ, cần rửa sạch và gọt kỹ vỏ”.
Tiến sĩ Ngô Vĩnh Viễn – Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật
“Trên thực tế, bất kỳ nhóm thuốc trừ sâu bệnh trên rau quả nào khi đem ra sử dụng cũng phải được phép đăng ký sử dụng và có hướng dẫn cụ thể về ngưỡng an toàn cho từng liều lượng. Và phần lớn tất cả các loại thuốc sử dụng cho sâu bệnh trên lá được quy định phải có thời gian cách li ít nhất là 7 ngày trước khi thu hoạch bán đến tay người tiêu dùng. Nếu thực hiện theo đúng quy định thì các loại thuốc trừ sâu cho rau củ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người, nhưng vấn đề là người sản xuất có thực hiện hay không, có phun đúng liều lượng và đảm bảo thời gian cách ly không hay lại phun quá liều lượng cho rau xanh tốt, bắt mắt và thu hoạch ngay sau khi phun thuốc để rau được tươi”.
Hạnh Vân petrotime.vn 26/03/2014