202020  20

TỬ HÀ SA

Tử hà sa là nhau thai, còn gọi là Thai bàn, Nhân bào, Thai y tên khoa học Placenta Hominis, dùng làm thuốc lần đầu tiên được ghi trong sách Bản thảo thập di với tên Nhân bào là Thai bàn của người sản phụ không bệnh tật.

Vị ngọt, mặn, ôn. Qui kinh Phế Can Thận.Tính vị qui kinh:

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản thảo mông toàn: vị ngọt, khí đại ôn, không độc.

  • Sách Bản thảo cương mục (cuốn 52) về Nhân bào ghi: vị ngọt, mặn, ôn không độc.

  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập tâm tỳ thận.

  • Sách Bản thảo kinh giải: nhập túc quyết âm Can kinh, túc thái âm tỳ kinh, túc thiếu âm thận kinh.

  • Sách Bản thảo tái tân: nhập 3 kinh Can phế thận.

Thành phần chủ yếu:

  1. Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam: Trong nhau sản phụ có một chất protid đặc biệt cấu tạo bởi 8 phân tử N-acetyl d-glucozamin C6H13O5N, 6 phân tử d-galactoza và 6 phân tử manoza. Ngoài ra, có pepton, anbumaza, polypeptit và cholin.

  2. Theo sách Trung dược học: Trong Tử hà sa có nhiều loại kháng thể, những thành phần liên quan đến cơ chế máu đông (trong đó có yếu tố XIII là yếu tố ổn định fibrin), có nhiều loại hocmon như hocmon bài tiết sữa prolactin, hocmon thúc kích tố tuyến gíap, hocmon dục sản ., nhiều loại enzym, tiết tố sinh hồng cầu và polysaccharid.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bổ tinh, dưỡng huyết, ích khí. Chủ trị chứng tinh hư vô sinh, hư lao, suyễn, thiếu sữa.

  • Sách Bản thảo cương mục (quyển 52): "nói về Nhân bào, trị tất cả các chứng nam nữ hư lao tổn, chứng động kinh thất chí, thuốc có tác dụng an tâm dưỡng huyết, ích khí bổ tinh".

  • Sách Bản thảo phùng nguyên: " Tử hà sa bẩm thụ được khí huyết của người mẹ có thai nhiều nên có tác dụng tuấn bổ dinh huyết, dùng trị chứng cốt chưng gầy mòn, suyễn khái hư lao".

  • Sách Bản thảo tái tân: " đại bổ nguyên khí, lý huyết phần. Trị thần thương mộng di".

  • Sách Hiện đại thực dụng trung dược của Diệp Quất Tuyền: dùng trị thần kinh suy nhược, liệt dương, vô sinh, có tác dụng tăng tiết sữa.

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại: Nhau thai có tác dụng sau:

  1. Tăng sức đề kháng của cơ thể, có tác dụng phòng chống lóet dạ dày trên thực nghiệm.

  2. Tác dụng của hocmon chích dịch chiết xuất Thai bàn cho thỏ con còn bú làm cho thỏ lớn nhanh hơn, các bộ phận tuyến ứ, lách, tử cung, âm đạo, tuyến vú đều phát triển rõ, làm tăng chức năng tuyến giáp và tinh hoàn.

  3. Tác dụng đông máu: Thai bàn có thể dùng chữa chứng thiếu máu do thiếu yếu tố XIII.

  4. Dịch chiết Thai bàn có tác dụng kích thích tử cung co bóp, bột Thai bàn có tác dụng chữa bệnh lao thực nghiệm.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị cơ thể suy nhược, khí huyết hư tổn: có các bệnh lao, thiếu máu, suy nhược thần kinh, viêm phế quản mãn ở người già, hen suyễn kéo dài. Thuốc có tác dụng làm cường tráng cơ thể, dùng độc vị hoặc phối hợp với các loại thuốc bổ khác.

Thường dùng độc vị Bột nhau thai hòa nước uống 4 – 6g/mỗi lần, ngày uống 2 – 3 lần. Trường hợp bệnh như Thiếu máu nặng, bệnh suy tủy, có thể dùng liều cao 8 -12g mỗi lần, hoặc dùng Nhau thai tươi nữa cái sắc nước uống, mỗi tuần dùng 2 – 3 lần hoặc làm thuốc tiêm, thuốc cao uống.

Có thể dùng bột Nhau thai 2g thêm bột Nhân sâm 4g hòa nước uống, bổ khí huyết càng tốt.

2.Dùng làm thuốc bổ huyết tăng sữa cho người mẹ hư nhược ít sữa: Nhau thai rửa sạch, nấu nhừ hoặc thái băm nhỏ, rán trứng mà ăn.

3.Dùng cho người can thận hư yếu: Di tinh, sốt chiều, ra mồ hôi trộm hoặc người già gầy yếu dùng bài Hà sa đại tạo hoàn (Ngô cầu Phương) gồm: Tử hà sa 1 bộ, Qui bản 80g, Thục địa 100g, Mạch môn 48g, Đỗ trọng 60g, Hoàng bá 60g. Các vị tán nhỏ luyện mật làm hoàn, mỗi ngày uống 12 – 16g, chia 2 lần.

4.Trị lao phổi hoặc ho lâu ngày: dùng các bài:

  • Nhau thai, Bách bộ, Bối mẫu, mỗi thứ 80g (nếu dùng Xuyên bối 40g), Bạch cập 300g, Mai mực (bỏ vỏ cứng) 20g, tất cả tán bột mịn, mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần sáng và tối trước lúc ngủ.

  • Hà sa hoàn: Tử hà sa, Sơn dược, Đảng sâm, Bạch linh các vị lượng bằng nhau, tán bột mịn làm hoàn, mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần, chữa ho lâu ngày.

5.Trị viêm phế quản mạn tính: chiết xuất chất Thai bàn chế thành thuốc tiêm bắp, mỗi lần 0,2 – 1ml, mỗi ngày hoặc cách nhật, 20 lần là một liệu trình, theo dõi chữa 809 ca, tỷ lệ có kết quả 82,37% – 87,6%, có kết quả rõ 52 – 60%, đối với người hay bị cảm mạo, có tác dụng phòng ngừa tốt (Tạp chí Y dược Hồ nam 1979,2:8).

6.Dùng làm thuốc phòng bệnh sởi: dùng dịch ngâm kiệt Nhau thai, trẻ em từ 1 – 8 tuổi, mỗi lần dùng 15 – 20ml, thụt ấm đại tràng, theo dõi 1293 trẻ em, trẻ đạt miễn dịch 1071 trẻ, tỷ lệ 82,83% (Tạp chí Trung y Triết giang 1958,1:17).

7.Dùng chẩn đoán sớm ung thư: Dịch chiết xuất Nhau thai 0,2ml, làm test trong bì. Tác giả đã theo dõi 74 ca bệnh nhân ung thư và 101 ca người lành và không có ung thư. Kết quả ở tổ bệnh nhân ung thư dương tính 95%, tổ không có bệnh âm tính 95%. Như vậy test Nhau thai có giá trị phát hiện sớm bệnh ung thư (Tân Y học tạp chí 1974,3:112).

Liều dùng và cách dùng:

  • Liều: 1,5 – 4g tán mịn bọc nhựa uống, ngày 2 – 3 lần. Cũng có thể dùng thuốc sắc, ngâm rượu, mật ong, chiết xuất thành thuốc tiêm hoặc dùng chung với các loại thuốc khác làm thuốc tán, thuốc hoàn. Dùng Nhau thai tươi làm thuốc sắc, mỗi lần 1/2 – 1 cái.

Phụ: Cuống nhau thai nhi (Tề đới)

Cũng gọi là Khảm khí, dùng cuống nhau tươi gia thêm Ngân hoa, Cam thảo, rượu vàng sắc khô. Vị ngọt, mặn tính ôn.

Tác dụng: Bổ thận, nạp khí, liễm hãn, trị thận hư suyễn, mồ hôi trộm. Mỗi lần uống 1 – 2 cuống, sắc uống hoặc bột 1,5 – 3g/lần, mỗi ngày 2 – 3 lần.

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics