202020  20

THẠCH LỰU BÌ

THẠCH LỰU BÌ

(Pericarpium Punicae Granati)

Thạch lựu bì là vỏ quả cây Thạch lựu Punica granatum L. thuộc họ Lựu (Punicaceae), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục. Cây Lựu được trồng khắp nơi ở nước ta làm cảnh và lấy quả, Trung quốc cũng có nhiều. Vị thuốc còn có tên là Thạch lựu xác, Toan lựu bì, Toan thạch lựu bì.

Tính vị qui kinh:

Vị chua sáp, tính ôn, qui kinh Vị Đại tràng.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Dược tính bản thảo: vị chua không độc.
  • Sách Trấn nam bản thảo: tính hàn vị chua sáp.
  • Sách Bản thảo cương mục: chua, sáp ôn, không độc.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh Đại tràng Thận.
  • Sách Bản thảo tóat yếu: nhập thủ thái âm, túc thiếu âm kinh.

Thành phần chủ yếu:

Thành phần có chất Tanin 10 – 21%, pelletierine,Isoquercitrin, Inulin, mannitol, mallic acid, calcium oxalate.

Tác dụng dược lý: 

A.Theo Y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng sáp tràng, chỉ tả, sát trùng. Chủ trị chứng tả lî lâu ngày, lòi dom ( thóat giang). Trị lãi đũa và sán.

Trích đọan Y văn cổ:

  • Sách Bản thảo thập di: " trị hồi trùng ( lãi đũa) sắc uống".
  • Sách Trấn nam bản thảo: " trị tiêu chảy lâu ngày, sao nướng với đường cát ăn. Trị lî có máu mủ, đại tràng chảy máu".
  • Sách Bản thảo cương mục: " chỉ tả lî, hạ huyết, thóat giang, băng trung đới hạ".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại: 

  1. Tác dụng chống ký sinh trùng: chất pelletierine trong Thạch lựu bì có tác dụng mạnh đối với giun móc, Isopelletierine, một thành phần trong vỏ cây Thạch lựu tác dụng còn mạnh hơn. Tác dụng mạnh do chất tanin trong vỏ Thạch lựu làm giảm sự hấp thu các chất alkaloit và làm tăng tác dụng của nó chống giun.
  2. Tác dụng kháng khuẩn: In vitro, thuốc có tác dụng ức chế đối với tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lî, trực khuẩn mủ xanh, lao và nhiều loại nấm gây bệnh. Thuốc có tác dụng kháng virus cúm.
  3. Độc tính: Trên súc vật thí nghiệm, liều cao của alkaloit trong thuốc làm cho súc vật ngưng thở và chết. Tác dụng phụ thường gặp ở người là chóng mặt, rối loạn thị giác, mệt mỏi, giật đùi chân, run giật, cảm giác kiến bò. Liều cao dẫn đến giãn đồng tử, đau đầu, nặng gây chóng mặt hoa mắt, nôn, tiêu chảy, buồn ngủ.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị lî lâu ngày không khỏi: biến chứng sa trực tràng dùng bài:

  • Thạch lựu bì 15g, sắc lấy nước gia lượng đường đỏ vừa đủ uống nóng. Trị lî mạn tính, cũng trị được băng lậu, bạch đới.
  • Hoàng liên thang: Thạch lựu bì, A giao ( hòa uống), Đương qui đều 10g, Hoàng liên, Hoàng bá đều 5g, Can khương 5g, Cam thảo 3g sắc uống.

2.Trị bỏng lửa: Vương Bảo Sơn dùng Thạch lựu bì 500g cho nước sắc còn 250ml lọc qua vải ( cho ít thuốc chống mốc nếu là mùa hè), nhúng thuốc vào gạo vô trùng đắp vào chỗ bỏng. Đã trị 45 ca bỏng độ I, độ II nông và sâu đều khỏi ( Báo Trung y dược Cát lâm, 1983,4:28).

3.Trị giun đũa và giun kim:

  • Binh lang tán: Binh lang 15g, Thạch lựu bì 15g, sắc nước uống trị giun chỉ.

  • Thạch lựu bì 10g, Sử quân tử 15g, Binh lang, Quán chúng đều 10g, sắc uống trị giun kim.

4.Trị sán:
Thuốc trị sán theo Dược thư của Pháp: Vỏ lựu khô tán vừa phải 60g, nước cất 750g. Ngâm bột trong 6 giờ, sắc còn 500ml gạn và lọc. Sáng sớm uống thuốc chia làm 2 hay 3 lần, cứ cách nửa giờ 1 lần, sau khi uống liều cuối được 2 giờ thì uống 1 liều thuốc tẩy. Khi uống thuốc cần nằm nghỉ, nhắm mắt cho đỡ mệt. 
Vỏ rễ lựu 4g, Đại hoàng 4g, Hạt cau 4g, nước 750ml, sắc còn 300ml. Tối hôm trước nhịn đói, sáng hôm sau uống thuốc chia làm 2 – 3 lần. Trong khi uống thuốc cần nằm nghỉ, đợi khi nào thật buồn đi tiêu mới đi, mông nhúng hẳn vào chậu nước ấm cho sán ra hết.

Liều thường dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: uống 3 – 10g, dùng ngoài lượng vừa đủ, tán bột đắp hoặc nấu nước ngâm rửa.

  • Chứng tả lî mới phát không dùng độc vị Thạch lựu bì.

  • Có thể dùng vỏ thân, cành rễ Thạch lựu nhưng thuốc có độc cần thận trọng. Những người yếu, trẻ em nhỏ, phụ nữ có thai không nên dùng.

 

 

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics