Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0935.15.14.17 | |
Hotline: 0903.423.691 | |
Mr.Dung | |
Mr.Toanh |
Thông tin cần biết
Đối tác
Cốt khí củ
HỒ TRƯỢNG
(Radix Polygoni Cuspidati)
Hổ trượng ( Củ cốt khí) còn gọi là Hoạt huyết dan, Tử kim long, Ban trượng căn, Hổ trượng căn, Điền thất ( miền nam), là rễ phơi hay sấy khô của cây Hổ trượng ( polygonum cuspidatum sieb. Et Zucc.) dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục.
Cây cốt khí mọc hoang nhiều nơi ở nước ta và Trung quốc, đặc biệt rất nhiều ở Sapa. Trồng bằng củ rất dễ mọc. Cần chú ý Cốt khí còn là tên dùng chỉ hạt và lá của nhiều cây khác thuộc họ Đậu. Củ Cốt khí thuộc họ Rau răm ( Polygonaceae).
Tính vị qui kinh:
Vị đắng tính hàn. Qui kinh Can, Đởm và Phế.
Theo Y văn cổ:
- Sách Bản thảo diễn nghĩa tập 12: " hơi đắng".
- Sách Trấn nam bản thảo: " đắng, hơi sáp, hơi hàn".
Thành phần chủ yếu:
Trong rễ cây có antraglucozit, chủ yếu là emodin hay rheumemodin C15H10O5, emodin monometyl ête C16H12O5 dưới dạng tự do và kết hợp. Ngoài ra còn có chất polygonin C21H20O10, tanin, đại hoàng tố, phenol đại hoàng, vitamin C.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Thuốc có tác dụng hoạt huyết giảm đau, thanh nhiệt lợi thấp, giải độc, hóa đàm chỉ khái. Chủ trị các chứng: kinh bế, đau phong thấp, do chấn thương té ngã, trị chứng thấp nhiệt, hoàng đản, đới hạ, lâm trọc, ung nhọt sưng tấy, bỏng lửa nước sôi, rắn độc cắn, ho do phế nhiệt.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Danh y biệt lục: " chủ thông lợi nguyệt thủy, phá lưu huyết, trung kết".
- Sách Dược tính bản thảo: " trị đại nhiệt phiền táo, chỉ khát, lợi tiểu tiện, giải nhiệt độc".
- Sách Bản thảo thập di: " chủ phong ở giữa các khớp xương và huyết ứ, nấu lấy nước làm rượu uống".
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trị sau sanh máu xấu không ra, bụng ngực đầy trướng, còn dùng trị lở nhọt, ung độc, phụ nhân huyết vựng, ngã té ứ huyết, phá phong độc kết khí".
- Sách Trấn nam bản thảo: " trị các loại sưng độc, trị đau yết hầu, lợi tiểu tiện, thông kinh lạc. Trị ngũ lâm, bạch trọc, trĩ lậu, sang ung, phụ nhân xích bạch đới".
- Sách Lĩnh nam thái dược lục: " trị rắn cắn, nhọt làm mủ, đau do té ngã".
- Sách Quí châu dân gian phương dược tập: " thu liễm cầm máu, trị trĩ lậu, trừ phong thấp, giải cảm tán hàn, tán ứ huyết, dùng ngoài trị bỏng lửa".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
1.Hổ trượng có tác dụng kháng khuẩn, ức chế các loại vi khuẩn sau: tụ cầu vàng, trắng, liên cầu khuẩn tan máu, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn lî Flexner, virút, leptospira.
2.Thuốc có tác dụng hạ cơn ho suyễn.
3.Thuốc có tác dụng hạ áp, giảm cholesterol và triglicerit.
4.Thuốc có tác dụng an thần, lợi tiểu, hạ đường huyết, cầm máu và tiêu viêm.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị các chứng đau do huyết ứ:
- Trị các chứng đau kinh, tắt kinh: Hổ trương phối hợp với Ích mẫu thảo, Đơn sâm, Xuyên khung, Đương qui.
- Trị các chứng đau khớp, Hổ trương kết hợp với Kê huyết đằng, Tang ký sinh, Xuyên Ngưu tất, Phòng phong, Tần giao để khu phong, trừ thấp, thông lạc lợi tý.
- Trị các chứng đau do té ngã bầm huyết, Hổ trượng kết hợp với thuốc hoạt huyết hóa ứ như Nhũ hương, Một dược, Hồng hoa.
2.Trị chứng hoàng đản do thấp nhiệt ( viêm gan, sỏi mật .) kết hợp với Nhân trần, Kim tiền thảo, Liên kiều, Mộc thông để thanh nhiệt trừ thấp. Trị khí hư, bạch đới (thể thấp nhiệt) dùng kết hợp với Tỳ giải, Ích trí nhân.
3.Trị ung nhọt, rắn độc cắn: dùng phối hợp với Kim ngân hoa, Liên kiều, Bồ công anh, kết hợp đắp ngoài thuốc tươi.
4.Trường hợp bỏng nước sôi, lửa: ngâm với dầu bôi ngoài.
5.Trường hợp ho do viêm họng: dùng Hổ trương kết hợp với Tỳ bà diệp, Kim ngân hoa, Hoàng cầm.
6.Trị viêm nhiễm đường mật: Bệnh viện trực thuộc số 2 của Viện Y học Vũ hán ( Trung quốc) dùng viên Nhân hổ hoàng ( Nhân trần, Hổ trượng, Đại hoàng) trị viêm nhiễm đường mật 113 ca, có kết quả 100 ca, không kết quả 13 ca. Tỷ lệ đạt kết quả 88,14% ( Tân cương trung y dược 1986,3:49).
7.Trị vẩy nến: Từ Nghi Hậu dùng bài Ngân hoa Hổ trượng thang ( Kim ngân hoa, Hổ trượng, Đơn sâm) trị 25 ca vẩy nến tiến triển, khỏi 8 ca, có kết quả 8 ca, tiến bộ 9 ca ( Tạp chí Trung y Triết giang 1982,4:187).
8.Trị viêm gan siêu vi thể vàng da: dùng Hổ trượng tươi 30g, Lá liễu tươi 15g, Địa cam thảo tươi 30g, sắc nước uống ngày 1 thang, uống liền trong 10 – 15 ngày. Trị 115 ca, sau 7 -10 ngày hết vàng da, kiểm tra chức năng gan hồi phục, hết triệu chứng lâm sàng ( Tạp chí Tân cương trung y dược 1986, 3:49).
9.Trị viêm gan mạn: dùng Hổ trượng, Đại táo đều 30g, sắc nước uống trị 27 ca xơ gan hết 5 ca, viêm gan hồi phục 7 ca, viêm gan kéo dài 1 ca, gan to 5 ca, 50 ngày là một liệu trình. Sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân phần lớn hồi phục tốt, ăn ngon, hết mệt mỏi, lên cân, vùng gan hết đau ( Tạp chí Trung y Giang tô 1965,5:40).
10.Trị viêm gan siêu vi B mạn tính hoạt động: (HbsAg dương tính) Trị 32 ca dùng viên Hổ trượng, Sơn tra dạng pha trà uống. Kết quả: 18 ca HbsAg chuyển âm tính, 11 ca có kết quả, 3 ca không kết quả, tỷ lệ có kết quả 90,63% triệu chứng lâm sàng được cải thiện, chức năng gan hồi phục ( Tạp chí Trung y Sơn đông 1982,2:84).
Liều dùng và chú ý:
- Liều thuốc uống từ 10 – 30g, dùng ngoài vừa đủ.
- Không dùng cho phụ nữ có thai ( dược tính bản thảo).