202020  20

MIẾT GIÁP

MIẾT GIÁP

( Carapax Amydae Sinensis)

Còn gọi là Mai ba ba, Thủy ngư xác, Giáp ngư, Miết xác, được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Miết giáp là Mai con Ba ba gồm nhiều loại khác nhau như ng phổ biến nhất là con Ba ba Trionyx sinensis Wegmann hay Amyda sinensis Stejneger thuộc họ Ba ba ( Trionychidae). Loại Ba ba này có nhiều ở miền Bắc và miền Trung nước ta, sống ở hồ ao, sông lạch, độ cao khác nhau.

Con Ba ba bắt về dùng dao cắt đầu, phơi khô dùng làm thuốc gọi là Miết đầu ( Caput amydae), sau đó cho Ba ba vào nồi nước sôi, đun trong 1 – 2 giờ, lấy mai riêng ra cạo sạch thịt, phơi khô. Nếu giết Ba ba còn đang sống lấy mai mà không phải đun sôi càng tốt.

Theo tài liệu Trung dược học, cách bào chế Ba ba: Cho Miết giáp vào nồi đun sôi 45 phút, lấy ra bỏ vào nước nóng cạo ngay da thịt, rửa sạch phơi khô gọi là Sinh Miết giáp, hoặc dùng cát cho vào nồi rang nóng sau cho Miết giáp sạch vào rang cho đến lúc chuyển thành màu vàng nhạt, lấy ra tẩm dấm ( mỗi 100kg Miết giáp cho 20kg dấm), sao khô tức Miết giáp chích dấm.

Tính vị qui kinh:

Vị mặn, tính hàn, qui kinh Can.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị mặn bình.
  • Sách Danh y biệt lục: không độc.
  • Sách Bản thảo tùng tân: mặn, hàn.

Về qui kinh:

  • Sách Bản thảo cương mục: quyết âm can kinh.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập can tỳ.
  • Sách Bản thảo hội ngôn: nhập túc quyết âm, thiếu âm kinh.

Thành phần chủ yếu:

Colloid. Kertin, Iodine, vitamin D.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Tư âm tiềm dương, nhuyễn kiên tán kết. Chủ trị các chứng hư phong nội động, âm hư phát nhiệt, cửu ngược, ngược mẫu, kinh bế, trưng hà.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ tâm phúc trưng hà kiên tích, hàn nhiệt, khử bỉ (báng ở bụng), tức nhục ( polip), âm thực ( lóet âm hộ), trĩ, ác nhục".
  • Sách Danh y biệt lục: " liệu ngôn ngược, huyết hà, yêu thống, tiểu nhi hiệp hạ kiên ( gan lách to).
  • Sách Dược tính bản thảo: " chủ lao sấu (gày còm), hạ khí, trừ cốt nhiệt, cốt tiết gan nhiệt ( nóng trong khớp xương), trị phụ nhân lậu hạ".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " tiêu sang thũng., ngược tật, trường ung".
  • Sách Bản thảo diễn nghĩa bổ di: " bổ âm, bổ khí".
  • Sách Y học nhập môn: " chủ lão ngược, lao ngược, nữ tử kinh bế".
  • Sách Bản thảo kinh sơ: " trừ ích âm trừ nhiệt mà tiêu tán là thuốc chủ yếu trị sốt rét, là thuốc trị âm hư hàn nhiệt vãng lai, lao nhiệt ở xương".
  • Sách Bản thảo tân biên: " Miết giáp thiên về công kiên mà không tổn khí, phàm các chứng bĩ trên dưới, trong ngoài đều dùng được, nhưng nên tán bột hòa uống, sắc trong thang thuốc thì không có tác dụng".
  • Sách Bản thảo phùng nguyên: " phàm các chứng cốt chưng lao nhiệt tự hãn đều dùng, thuốc tư hỏa tại can kinh, nung nghiền thành bột mịn, trị chứng da thịt lóet do bỏng nước sôi, nếu khô thì trộn dầu mè bôi vào, nếu ướt thì rắc bột khô sẽ hết đau".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Thuốc có tác dụng ức chế sự tăng sinh của tổ chức liên kết, vì thế mà tiêu khối u, làm tăng protid huyết tương, kéo dài thời gian tồn tại của kháng thể, có tác dụng an thần.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị lao phổi có triệu chứng hư nhiệt, triều nhiệt, mồ hôi trộm:

  • Thanh cốt tán ( Chứng trị chuẩn thằng): Ngân sài hồ 12g, Hồ Hoàng liên 4g, Miết giáp 20g ( sắc trước), Thạch cao 8g, Tần giao 8g, Địa cốt bì 12g, Tri mẫu 12g, Cam thảo 4g, sắc uống.

2.Trị chứng sốt rét kéo dài thời kỳ cuối của nhiều bệnh nhiễm: có hội chứng can âm bất túc như chân tay run giật, lưỡi khô mà trơn bóng, mạch tế sác nhược, dùng bài:

  • Tam giáp phục mạch thang ( Ôn bệnh điều biện): Sinh Mẫu lệ 20g, Sinh Miết giáp 30g ( đậpn vụn sắc trước), Sinh Qui bản 40g (sắc trước), Chích thảo 20g, Can đại hoàng 20g, Sinh Bạch thược 20g, Mạch môn 18g ( không bỏ lõi), A giao 12g ( hòa thuốc), Hỏa Ma nhân 12g, sắc uống.

3.Trị gan lách to: trong những trường hợp viêm gan mãn, xơ gan, gan lách to, có triệu chứng âm hư hỏa thịnh, vùng gan đau, hoa mắt, bứt rứt, có thể dùng Chích Miết giáp phối hợp, Tiêu dao tán, Nhất quán tiễn . có tác dụng: Trường hợp sốt kéo dài, lách to thì vị Miết giáp là không thể thiếu, dùng bài:

  • Miết giáp ẩm gia giảm: Miết giáp ( chích dấm) 40g ( cho trước), Hoàng kỳ 12g, Bạch truật 8g, Binh lang 12g, Xuyên phác 4g, sao Bạch thược 12g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 3 quả, sắc uống.

4.Trị bệnh phụ khoa, kinh nguyệt ra nhiều, chứng băng lậu: thuốc có tác dụng thu liễm lý huyết, dùng Chích Miết giáp phối hợp A giao, Đương qui thán, Bào khương thán , Ngãi diệp, Bạch thược.

5.Trị nhọt lở khó lành miệng: dùng Miết giáp phối hợp với Hoàng kỳ, Long cốt, Mẫu lệ, Chi tử, Phòng phong. có tác dụng tăng sức thu liễm.

6.Giới thiệu bài thuốc kinh nghiệm:

  • Chữa đau lưng, không cúi xuống, không ngữa được: Miết giáp sao vàng hay nướng chín, tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g. Bài thuốc này còn dùng chữa sỏi thận.
  • Chữa hen: máu Ba ba cho vòa rượu uống.

Liều lượng và cách dùng:

  • Liều 12 – 40g, dùng thuốc thang phải đập nát sắc trước, dùng ngoài lượng tùy yêu cầu, sao tồn tính, tán bột bôi hoặc đắp.

  • Chú ý lúc dùng:

  1. Thuốc sống có tác dụng tư âm mạnh, dấm chích thì tán kết mạnh, cho nên lúc dùng tư âm thì dùng sống, lúc dùng tán kết thì chích dấm.
  2. Những trường hợp sau kiêng dùng Miết giáp: Tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Dương hư, trường hợp liệt dương, thuốc có thể làm giảm tính dục. Phụ nữ có thai, vì thuốc làm động thai.
  3. So sánh với Qui bản: Qui bản có tác dụng tư bổ mạnh hơn, còn Miết giáp thì tán kết mạnh hơn, Miết giáp ít gây nê trệ hơn.

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics