202020  20

TÔ HỢP HƯƠNG

TÔ HỢP HƯƠNG

(Styrax Liquidis)

Tô hợp hương, Tô hạp, Tô hợp du, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục là nhựa lấy ở cây Tô hợp hương, tên khoa học là Liquidambar orientalis Mill, thuộc họ Sao sau (Hamamelidaceae). Cây Tô hợp hương có mọc ở Châu phi, Aán độ, Thổ nhĩ kỳ, Iran và triển vọng có mọc ở Việt nam ( tại Nông trường Tràng vinh, cách thị xã Hải ninh 5 km). Thuốc này phải được cất ở chỗ mát và đậy kín.

Tính vị qui kinh:

Tô hợp hương vị cay, tính ôn, qui kinh Tâm tỳ.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Tân tu bản thảo: vị ngọt ôn, không độc.
  • Sách Cảnh nhạc toàn thư: vị ngọt cay, tính ôn.
  • Sách Đắc phối bản thảo: nhập Túc thái âm kinh.
  • Sách Bản thảo tái tân: nhập 2 kinh Tỳ Vị.

Thành phần chủ yếu:

  1. Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam: thành phần: đặc của thuốc gồm chất nhựa do cồn resitanola và acid cinamic; phần lỏng gồm: 17 – 23% acid cinamic tự do, 24% ester của acid cinamic (cinamat cinamyl hay stryracin cinamat ethyl, cinamat phenyl-propyl). Acid cinamic tự do hay kết hợp chiếm chừng 47% nhựa lỏng. Ngoài ra còn có tinh dầu chủ yếu gồm styrolen (cinamen hay phenyletylen) và các ête cinamic, trong nhựa có cả vanilin.
  2. Trong sách Chinese herbal medicine thành phần chủ yếu có: oleanomic acid, 3-epi-oleanolic acid.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Tô hợp hương có tác dụng khai khiếu, tịch uế chỉ thống (làm tỉnh thần trừ chất độc giảm đau). Chủ trị các chứng trúng phong đàm quyết, kinh phong, ngực bụng lạnh đau.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " chủ tịch ác, sát quỷ tinh vật, ôn ngược, khử tam trùng, trừ tà, thông thần minh. Uống lâu nhẹ người tăng thọ."
  • Sách Tân tu bản thảo: " thuốc thơm này lấy từ Côn lôn Tây vực, màu tím đỏ, giống như chân Đàn hương tía, rất thơm, nặng như đá đốt lên màu xám trắng là thứ tốt".
  • Sách Bản thảo cương mục: " khí thơm xuyên thấu, thông khiếu các tạng phủ, nhờ đó mà có tác dụng trừ các loại tà khí".
  • Sách Bản thảo phùng nguyên: " thuốc thông khiếu các tạng, trừ tất cả các tà khí. Đối với chứng đàm tích khí quyết, trước hết dùng thuốc này để khai đạo, trị đàm phải lấy lý khí làm căn bản. Phàm các khí sơn lam chướng thấp phạm vào kinh lạc, co duỗi chân tay khó khăn, không có thuốc này không trị được. Nhưng thuốc tính táo khí xuyên nên trường hợp âm hư hỏa nhiều kî dùng".
  • Sách Bản thảo tùng tân: " ngày nay người ta lạm dụng Tô hợp hoàn, không biết rằng các loại thuốc thơm tẩu tán chân khí. Mỗi lần uống bệnh nhẹ thành nặng, nặng thì có thể tử vong. Người khỏe thì có thể dùng 1 – 2 viên, nếu yếu thì không dùng vậy".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Trên súc vật thí nghiệm chứng minh: Tô hợp hương có khả năng tăng sức chịu đựng thiếu oxy của súc vật, đối với chó bị nhồi máu cơ tim thực nghiệm, thuốc làm giảm nhịp tim, cải thiện lưu lượng máu ở mạch vành, làm giảm thấp lượng oxy tiêu hao của cơ tim.
  2. Thuốc có tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu.
  3. Thuốc có tác dụng long đàm do kích thích niêm mạc đường hô hấp.
  4. Thuốc có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm nhẹ, do đó có thể dùng trị chàm lở ngoài da, giảm ngứa và giúp cho vết thương lóet lở chóng lành.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị bệnh mạch vành:

  • Quan tâm Tô hợp hoàn (dầu Tô hợp hương, Băng phiến, Mộc hương, Chu sa, Đàn hương) trị 146 ca bệnh mạch vành đau thắt ngực, có kết quả giảm triệu chứng đạt 91,5%.
  • Tô băng dịch hoàn (dầu Tô hợp hương, Băng phiến) trị 301 ca, làm giảm triệu chứng với tỷ lệ 83,4%, kết quả điện tâm đồ 31,5% (Báo cáo của Bệnh viện Hoa sơn trực thuộc Học viện Y số 1 Thượng hải, Tập san giao lưu tình hình Y học Thượng hải 1977,2:19).
  • Ngoài ra dùng Tô tâm hoàn ( Nhân sâm, Xạ hương, dầu Tô hợp hương, Băng phiến, Nhục quế, Thiềm tô, Ngưu hoàng), ngày 3 lần, mỗi lần 2 viên trong 3 ngày hoặc lúc lên cơn uống 1 – 2 viên. Trị 132 lần cơn đau mạch vành, có đối chứng với viên Cứu tâm hoàn của Nhật, kết quả như nhau, nhưng tác dụng phụ của Tô tâm hoàn ít hơn. Kết quả giảm triệu chứng của Tô tâm hoàn là 67,275 nhưng kết quả điện tâm đồ đạt 52,5% mà tác dụng nhanh, thời gian kéo dài (Báo cáo của tổ hợp tác nghiên cứu Tô tâm hoàn của Thượng hải, Tạp chí Trung y 1981,12:23).

2.Trị bệnh giun chui ống mật: dùng nước ấm uống viên Tô hợp hương hoàn, mỗi lần 1 viên, ngày 2 – 3 lần. Trị 9 ca có kết quả 89% ( Cổn gia Sương, Báo Trung y Thiểm tây 1985.7:322).

3.Trị trúng phong đàm quyết chứng bế:

  • Tô hợp hương hoàn ( Hòa tể cục phương): Bạch truật, Thanh mộc hương, Tê giác, Hương phụ, Chu sa, Kha tử, Bạch đàn hương, An tức hương, Trầm hương, Đinh hương, Xạ hương, Tất bạc đều 40g, Long não , Tô hợp hương, Nhũ hương đều 20g. Trừ Tô hợp hương, Xạ hương, Băng phiến ( Long não), các vị còn lại nghiền thật mịn trộn đều rồi gia 3 vị trên, luyện mật làm hoàn nặng 4g, mỗi lần uống 0,5 – 1 hoàn, ngày 1 – 2 lần với nước sôi nóng, trẻ em tùy theo tuổi giảm liều.

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều uống thường dùng: 0,3 – 1g, cho vào hoàn tán, không cho vào thuốc thang sắc. Dùng ngoài lượng vừa đủ, có thể cho vào alcool để dùng.
  • Chú ý: Tô hợp hương là thuốc ôn khai nên thích hợp với chứng hàn bế. Đối với chứng nhiệt bế và chứng thóat không nên dùng. Aâm hư hỏa vượng không dùng.

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics