Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0935.15.14.17 | |
Hotline: 0903.423.691 | |
Mr.Dung | |
Mr.Toanh |
Thông tin cần biết
Đối tác
Viêm gan C dễ lây hơn người ta tưởng
Uống bia rượu, chăm sóc sắc đẹp, chạy thận… đều là những yếu tố khiến cho bạn nhiễm virus viêm gan C.
Việt Nam mỗi ngày có khoảng 30 – 40 trường hợp phát hiện nhiễm viêm gan siêu vi C (HCV), cao gấp đôi hai năm trước. Các bác sĩ cảnh báo, số người nhiễm bệnh này đang ngày càng tăng cao và trẻ hóa.
Mang bệnh mà không biết
Bà Dương Thị L. (58 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) cầm kết quả xét nghiệm Anti-HCV dương tính mà như không tin nổi. Bà không biết vì sao mình lại nhiễm bệnh này. Tương tự, anh Nguyễn Thái S. (36 tuổi, quận Thủ Đức) cũng không khỏi lo lắng khi phát hiện mình bị HCV, bởi anh cho rằng anh không hề uống rượu bia.
Điều tra bệnh sử, các bác sĩ cho biết, trường hợp của bà L. là có thể trước đó bà có đi truyền máu, và có thể đó là nguyên do khiến bà nhiễm HCV. Còn trường hợp của anh S. thì do cách đây ít lâu có đi đến trạm y tế xử lý vết thương ở chân do tai nạn và có thể việc sử dụng chung kim tiêm hoặc băng bó vết thương không an toàn đã dẫn đến lây bệnh từ người khác.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, trung bình có 2.400 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh HCV mạn tính mỗi tháng, trong đó gần 100 trường hợp nhập viện vì bệnh đã diễn tiến đến giai đoạn xơ gan nặng. Tương tự, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Nhân dân 115 và Trung tâm Y khoa Medic mỗi ngày cũng có hàng trăm bệnh nhân được phát hiện nhiễm virus HCV mới. Bệnh viện Đại học Y dược mỗi ngày khám và phát hiện 30 – 50 bệnh nhân nhiễm HCV, trong đó hơn một nửa bệnh nhân mắc HCV đã ở giai đoạn mạn tính.
Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch Hội Gan mật TP HCM, cho biết khoảng 5% dân số Việt Nam (gần 4,5 triệu người) mắc HCV và xu hướng nhiễm bệnh ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa. Đáng lưu ý là không ít bệnh nhân đến thăm khám và phát hiện mắc HCV khi ở giai đoạn quá muộn, đã chuyển sang xơ gan, hoặc ung thư gan giai đoạn cuối.
Con đường lây bệnh
Thạc sĩ Bành Đinh Dạ Lý Hương, khoa Gan, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết, HCV là bệnh rất dễ lây nhiễm tuy nhiên nhiều người vẫn mù mờ về căn bệnh cũng như cách phòng ngừa HCV. Ngoài yếu tố do bia rượu; đời sống kinh tế ngày càng phát triển, càng nhiều người có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp, người dân đến các thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp, đặc biệt là xâm môi, mắt ở những nơi không bảo đảm kỹ thuật vô trùng sẽ rất dễ lây nhiễm HCV.
Bệnh nhân chạy thận lâu dài cũng có nguy cơ mắc HCV. Theo nguyên tắc, mỗi bệnh nhân chạy thận phải thay một màng lọc mới; nhưng trong điều kiện hiện nay, nhiều cơ sở phải dùng lại màng lọc. Tuy có thể sử dụng kỹ thuật thanh vô trùng màng lọc nhưng với thời gian chạy thận thường kéo dài đến suốt đời nên nguy cơ lây nhiễm virus C là khó tránh khỏi do chạy thận có điều kiện tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với máu.
Điều trị tốn kém
HCV là giai đoạn đầu, nếu không phát hiện sớm sẽ chuyển sang cấp hoặc mạn tính. Thực tế, khoảng 30% người bị bệnh này tại Việt Nam đã tiến triển sang tình trạng mạn tính, rồi xơ gan – một trong những nguyên nhân của ung thư gan. Tình trạng này một phần do việc tầm soát cũng như ý thức về khám sức khỏe của người dân chưa cao. Hơn nữa do HCV chưa có thuốc tiêm phòng cũng là lý do khiến tỷ lệ bệnh nhân tăng cao.
Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt cho hay, do bệnh không có biểu hiện cụ thể nên người bệnh chủ quan, khi phát hiện thì bệnh đã nặng hơn. Mặc khác, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém và có nhiều yếu tố tác động dẫn đến tỷ lệ điều trị thành công khác nhau nên người điều trị hay bỏ cuộc. Hiện chi phí cho quá trình trị liệu khoảng 60 – 200 triệu đồng nên nhiều người bệnh đã phải điều trị ngắt quãng hoặc bỏ dở vì không thể theo suốt liệu trình. Trong khi đó, bảo hiểm y tế chưa tham gia đồng chi trả với bệnh nhân viêm gan C để giúp họ có điều kiện điều trị liên tục.
Bài, ảnh: Ngô Đồng 29/12/2011