1919  19

Nong xoang bằng bóng trị viêm xoang hiệu quả

Khí hậu hanh khô cùng với thời tiết lạnh khiến người mắc bệnh xoang mạn tính rất khó chịu. Mặc dù đã được điều trị bằng nhiều phương pháp cũng như sử dụng nhiều loại thuốc nhưng trạng thái viêm của xoang vẫn không chịu chấm dứt và trở thành nỗi lo lắng về sức khỏe cho không ít người. Tuy nhiên, với phương pháp nong xoang bằng bóng hoàn toàn mới đã được thực hiện tại chuyên khoa tai mũi họng sẽ đem đến cho những người mắc viêm xoang mạn tính cơ hội được chữa khỏi bệnh mà lại tốn ít thời gian điều trị.

Yếu tố gây viêm xoang

Viêm mũi xoang là một bệnh rất thường gặp ở nước ta, chiếm tỷ lệ khoảng 2-5% dân số. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, người lớn và trẻ em đều có thể bị bệnh, không phân biệt về giới. Xoang bị viêm sớm nhất là xoang sàng, thường bị viêm từ lúc 4-5 tuổi. Các xoang khác thường bị viêm muộn hơn. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm mũi xoang là: môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, điều kiện ăn ở, nơi làm việc thiếu vệ sinh, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi và hoá chất độc hại. Triệu chứng viêm xoang thay đổi theo lứa tuổi. Bệnh thường kéo dài dai dẳng. Nếu không phát hiện để điều trị bệnh kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng xấu như viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm mắt, viêm màng não…

Phương pháp tốt nhất để chẩn đoán viêm xoang

Chẩn đoán xác định viêm mũi xoang mạn tính dựa vào các tiêu chuẩn sau đây: nội soi mũi xoang; chọc dò xoang (chỉ áp dụng với viêm xoang mạn tính, chống chỉ định với viêm xoang cấp hay đợt cấp của viêm xoang mạn tính. Thường được áp dụng đối với xoang hàm và xoang trán. Nếu chọc dò có mủ chẩn đoán chắc chắn có viêm xoang. Nếu không có mủ, chưa thể kết luận là không có viêm xoang); Chụp phim Blondeau – Hirtz hoặc CT-scan mũi xoang. Các phương pháp này đều có điểm yếu là không thể thực hiện lại nhiều lần trong quá trình điều trị hoặc không thấy được chính xác trạng thái của mủ trong xoang.
 
Do vậy, hiện nay trên thế giới, người ta đã sử dụng phương pháp siêu âm Doppler để chẩn đoán và điều trị viêm đa xoang mạn tính với kết quả khả quan. Người ta có thể xác định chính xác độ kết dính của dịch xoang. Từ trước tới nay, người ta chỉ xác định được trạng thái của dịch xoang khi chọc dò xoang, một thủ thuật gây rất nhiều đau đớn cho bệnh nhân. Với kết quả này, người ta chỉ điều trị kháng sinh trong trường hợp mủ/dịch xoang có độ đặc cao. Khi dịch xoang loãng, có thể sử dụng nhiều biện pháp điều trị tại chỗ thích hợp (như rửa xoang, hút xoang, nhỏ mũi) mà không cần sử dụng kháng sinh.

 Hình ảnh mô tả quá trình làm thủ thuật nong xoang bằng bóng: (1) Trước can thiệp. (2) Trong khi can thiệp. (3) Sau can thiệp.

Khi nào nên sử dụng biện pháp nong xoang bằng bóng?

Đối với bệnh viêm xoang mạn tính, liệu pháp kháng sinh là biện pháp cơ bản và thường được sử dụng là kháng sinh phổ rộng. Các loại kháng sinh như augmentin, ceftin, suprax, và pediazole được khuyến cáo sử dụng. Steroids được khuyên dùng trong viêm xoang mạn tính, chúng có khả năng giảm phù nề, dị ứng, thiết lập lại niêm mạc mũi họng.  Khi quá trình điều trị kéo dài thất bại hoặc khi bệnh quay trở lại, một đánh giá về dị ứng và miễn dịch cần được đánh giá bằng thử các test dị ứng. Khi điều trị bằng các phương pháp thuốc thất bại, phẫu thuật là một biện pháp được lựa chọn.
 
Hiện nay chúng ta có thể sử dụng một phương pháp hoàn toàn mới, ít can thiệp, chi phí thấp cho bệnh nhân viêm xoang mạn tính, đó là phương pháp nong xoang bằng bóng (Balloon Sinuplasty), đưa lại kết quả tốt lâu dài cho bệnh nhân. Nguyên tắc được sử dụng tương tự như chuyên ngành tim mạch. Sử dụng một ống nong có áp suất được điều khiển từ bên ngoài, có thể đưa vào các lỗ thông xoang có triệu chứng bít tắc để nới thông lâu dài mà không phải lấy bớt niêm mạc hoặc cấu trúc xương như các phẫu thuật hiện hành. Kỹ thuật này cũng không để lại sẹo dính như các phẫu thuật, vì không có vết cắt.
 
Điểm nhấn ở kỹ thuật này là chúng ta có thể dịch chuyển các cấu trúc xương về vị trí thuận tiện cho việc thông khí cho các xoang mà không can thiệp gì đến niêm mạc mũi xoang. Dịch mủ trong các xoang được dẫn lưu qua các lỗ thông nới rộng ra ngoài và toàn bộ niêm mạc được bảo tồn có thể phục hồi hoàn chỉnh. Kỹ thuật này có thể thực hiện tại phòng khám, không cần nhét bấc mũi sau khi thao tác, do vậy nó đưa lại nhiều tiện lợi cho người bệnh.

 PGS.TS.Phạm Trần Anh (Đại học Y Hà Nội)

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics