1919  19

Lắm người suy dãn tĩnh mạch

Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo các chuyên gia y tế, bệnh suy dãn tĩnh mạch đang có xu hướng gia tăng theo sự phát triển kinh tế và những thay đổi về nếp sống.

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến suy dãn tĩnh mạch. Cụ thể là ít vận động, chế độ ăn thiếu khoa học, béo phì, hút thuốc lá, trang phục không phù hợp…

Người thành thị dễ mắc

Bệnh thường gặp nhất ở các nhân viên văn phòng do công việc buộc họ phải ngồi nhiều một chỗ. Lâu nay là thế nhưng điều lạ là hiện nay, nhiều người lao động tay chân vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao.

Trong đó, các nhân viên thu ngân siêu thị, nhân viên bảo vệ, công nhân sản xuất trên dây chuyền… phải đứng gần như suốt thời gian làm việc, chưa kể môi trường ẩm ướt, nhiệt độ không phù hợp. Điều này cũng lý giải vì sao bệnh lý tĩnh mạch hiện thường gặp ở khu vực thành thị hơn là nông thôn.

 
Phẫu thuật cho một bệnh nhân suy tĩnh mạch

Những suất ăn nhanh dư thừa chất béo, bột đường, thiếu chất xơ và vitamin cũng là những nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này.

BS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Bệnh viện Minh Anh (TPHCM), cho rằng thai nghén là một trong những yếu tố hàng đầu khiến phụ nữ dễ mắc bệnh lý tĩnh mạch hơn so với nam giới. “Những sự đè ép lên hệ thống mạch máu ở chi dưới trong thai kỳ có thể khiến người bình thường mắc bệnh hoặc làm tình trạng suy dãn tĩnh mạch nặng hơn ở người đã mang sẵn bệnh”- BS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo. Theo ông, những phụ nữ đang mắc bệnh lý tĩnh mạch nên điều trị dứt điểm trước khi quyết định mang thai. Trong trường hợp chưa điều trị hết đã mang thai hoặc mắc bệnh khi đang mang thai thì nên dùng vớ tĩnh mạch trong suốt thai kỳ để hạn chế diễn tiến của bệnh.

Nhiều nguy cơ nếu điều trị muộn

Mặc quần bó dễ suy tĩnh mạch

PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam lưu ý là có đến 70% bệnh nhân suy tĩnh mạch là nữ giới. Hiện tượng này là do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén, khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.

Ông Nam kể có lần, một nữ bệnh nhân đến khám, được yêu cầu xắn ống quần jeans lên để BS thăm khám phần bắp vế. Ống quần chật đến nỗi cô này chỉ có thể kéo lên cao hơn mắt cá chân một chút.
 Những loại trang phục quá bó như thế sẽ cản trở sự lưu thông máu, góp phần đưa đến tình trạng suy tĩnh mạch. Một đôi giày quá cao cũng làm trọng tâm cơ thể sai lệch, tạo áp lực lên các cơ và mạch máu ở chân.

 Việc điều trị suy dãn tĩnh mạch càng chậm trễ thì nguy cơ biến chứng càng cao, phải phẫu thuật tốn kém và phức tạp hơn rất nhiều.

“Suy tĩnh mạch nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch gây đau nhức dữ dội. Nặng nề hơn là gây tắc động mạch phổi hoặc vỡ tĩnh mạch, gây tử vong. Bệnh cũng làm xuất hiện các vết loét dinh dưỡng không lành được, làm chân sưng phù, đau nhức dữ dội, khó khăn khi di chuyển” – PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh. Ngoài ra, khi tĩnh mạch bị suy dãn nặng, các phương pháp điều trị nội khoa, các kỹ thuật ít can thiệp không thể áp dụng được nữa, khi đó bệnh nhân buộc phải phẫu thuật theo các phương pháp cũ với vết mổ lớn, thời gian điều trị lâu, tốn kém.

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, phát hiện bệnh suy tĩnh mạch không khó. Khi mới mắc, bệnh nhân thường gặp những cơn chuột rút về đêm, đau nhức, phù chân, nặng chân, cảm giác tê như kiến bò, bắt đầu nổi những đường tĩnh mạch xanh. Trong một số trường hợp, bệnh nhân lầm tưởng mình bị viêm cơ, viêm khớp nên đã điều trị không đúng hướng.

Các chuyên gia về tĩnh mạch khuyến cáo chúng ta cần phòng tránh bệnh lý tĩnh mạch từ thời trẻ. Cụ thể là có chế độ ăn hợp lý với nhiều rau quả, trái cây, tăng cường vận động, chọn giày và quần áo thoải mái, không hút thuốc lá; nhân viên văn phòng nên thỉnh thoảng đứng dậy đi lại trong giờ làm việc, không mang giày hoặc vớ quá chật; khi về nhà nên đi chân trần giúp chân thoải mái, máu lưu thông dễ dàng.

Theo Người Lao Động 06/09/2011

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics