202020  20

Thận trọng khi bị phù nề, tê chân

Theo ước tính, ở nước ta có gần 1/3 dân số mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, thế nhưng hầu như người dân không hiểu về bệnh này hoặc thường nhầm lẫn với bệnh loãng xương. 

Thận trọng không thừa

Tại BV Lão khoa Trung ương, mỗi tuần có khoảng hơn 30 bệnh nhân tới khám và điều trị do mắc suy tĩnh mạch chi dưới. Phần lớn bệnh nhân là nữ giới, từ 35 tuổi trở lên. Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh của BV này cho biết, các bệnh nhân thường vào khám với triệu chứng bắp chân có nhiều tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo, đau nhức hoặc bị chuột rút ở bắp chân không rõ nguyên nhân… Điều đáng chú ý là phần lớn bệnh nhân không hiểu về bệnh này và cũng có rất nhiều bệnh nhân được các cơ sở y tế chẩn đoán nhầm là loãng xương. Tính trên phạm vi cả nước, ước tính có khoảng 25-35% dân số mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới ở nhiều mức độ từ nhẹ tới nặng.

Vừa tiếp chuyện chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Trung Anh vừa khám cho một phụ nữ ngoài 30 tuổi có biểu hiện bệnh suy tĩnh mạch chi dưới thể nhẹ. Theo bác sĩ Anh, suy tĩnh mạch là hậu quả của hư hại tình trạng hệ thống van một chiều ở tĩnh mạch chi dưới dẫn đến sự  trào ngược trở lại của dòng máu hướng tâm, gây phù nề, ứ trệ trong lòng tĩnh mạch chi dưới. Đây là bệnh có nhiều triệu chứng và có thể gây nên biến chứng, thậm chí người bệnh có thể tử vong nếu bị tắc động mạch phổi do sự hình thành các cục máu đông. Do đó, nếu có biểu hiện đau nhức hoặc liên tục bị chuột rút ở bắp chân không rõ nguyên nhân thì cần đi khám chuyên khoa sớm.

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể bị giãn các tĩnh mạch lưới ở dưới da, tạo thành hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân, khiến nhiều chị em rất mặc cảm. Ở giai đoạn nặng, máu bị ứ trệ ở chân sẽ khiến bệnh nhân có triệu chứng căng tức ở bắp chân, nặng chân, mỏi chân, đau tê vùng bắp chân, phù ở quanh mắt cá chân… và có các biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu…). Khi tình trạng bệnh nặng hơn, chân bị thay đổi màu sắc da, loạn dưỡng và chàm hóa da. Nhiều trường hợp không được điều trị, chân sẽ bị loét, vị trí loét thường gặp là cổ chân khi có thêm yếu tố thuận lợi.

 

 Không chủ quan khi thường xuyên bị phù nề, tê chân

Bệnh có yếu tố nghề nghiệp

Các bác sĩ cho biết, có nhiều nguyên nhân liên quan đến suy tĩnh mạch chi dưới như độ tuổi, tần suất suy tĩnh mạch tăng dần theo tuổi, béo phì, di truyền, giới tính, tần suất bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới. Đặc biệt, với những công việc càng đòi hỏi đứng lâu hay ngồi lâu, làm việc trong môi trường ẩm thấp thì nguy cơ mắc bệnh càng nhiều…

Riêng đối với các đối tượng là người cao tuổi nếu xuất hiện các triệu chứng tê chân, đau cách hồi thì thường là các biểu hiện của bệnh lý viêm tắc động mạch ngoại vi, không phải là triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này thường là do lòng của động mạch bị tắc hoặc hẹp do: xơ vữa động mạch, do tiểu đường… làm cho dòng máu từ tim xuống nuôi chi không được tốt. Việc chẩn đoán chính xác cần phải có sự thăm khám lâm sàng của các thầy thuốc chuyên khoa về mạch máu.

Đáng chú ý, do các triệu chứng ban đầu của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới thường mờ nhạt và thoáng qua như nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi phải đứng nhiều, chuột rút vào buổi tối… nên người bệnh thường bỏ qua và không chú ý nhiều. Một số trường hợp lầm lẫn với các bệnh lý về xương khớp và đi điều trị ở các thầy thuốc về chuyên khoa xương khớp thời gian dài nên khi đến điều trị tiếp theo tại các cơ sở chuyên khoa thường bệnh đã ở giai đoạn nặng.

 Bác sĩ Nguyễn Trung Anh khuyến cáo, đối với bệnh nhân có những triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới cần chú ý duy trì một chế độ sinh hoạt năng động, giữ mức cân nặng cơ thể hợp lý, nên bỏ thuốc lá, tránh ngồi liên tục bất động suốt 8h làm việc… Với những đối tượng có nguy cơ hoặc triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh, trong lúc ngồi làm việc có thể phối hợp tập các bài tập vận động chân như: co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót… để máu lưu chuyển tốt hơn. Đặc biệt, cần chú ý không ngâm chân trong nước nóng vì sẽ làm tĩnh mạch giãn nở thêm, dẫn tới chân có thể bị sưng to, gây đau nhức.

Nguyễn Phan ANTD 12/07/2011

 

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics