1919  19

Tay chân miệng: phát hiện kịp thời, 98% trẻ sẽ chữa khỏi bệnh

Thông thường đến tháng 6 bệnh sẽ ngưng lại, giảm dần. Nhưng với tình trạng đang diễn ra, có thể nói bệnh tay chân miệng sẽ còn diễn biến phức tạp.

Các tỉnh, thành phía Nam đã có hơn 8.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 29 ca tử vong. Đây có thể nói là con số kỷ lục từ trước đến giờ.
 
Có lẽ đã cập nhật được phần nào diễn biến đáng lo ngại trên, nên mặc dù ngày chủ nhật nhưng vẫn có rất đông phụ huynh, đi một mình hoặc dắt theo trẻ nhỏ, đến dự buổi tư vấn trực tuyến: “Đối phó bệnh tay chân miệng” tại nhà thiếu nhi TP.HCM sáng ngày 19.6. Chương trình do báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhà thiếu nhi TP.HCM và nhãn hàng Lifebuoy – công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam đồng tổ chức.
 
Khó lường được tác nhân gây bệnh
 
BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, một trong những bác sĩ đầu tiên điều trị bệnh tay chân miệng ở Việt Nam, chia sẻ: “tôi chưa bao giờ thấy tình trạng nào trầm trọng như năm nay. Với đà tăng nhanh thế này, nhân sự y tế không đủ người để thực hiện điều trị cho bệnh nhân, thậm chí có thể đuổi không kịp với bệnh”.

 


Bên cạnh nghe tư vấn bệnh tay chân miệng, các phụ huynh và trẻ em còn được xem chương trình ca nhạc miễn phí do nhà thiếu nhi TP.HCM thực hiện. Ảnh: Thanh Hảo

 
GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền, giám đốc nghiên cứu lâm sàng của OUCRU tại Việt Nam, thuộc đơn vị nghiên cứu lâm sàng của đại học Oxford (Anh) cho biết: “Bệnh tay chân miệng hiện có khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Tác nhân trực tiếp gây bệnh là nhóm virút đường ruột, phổ biến là chủng virút EV71 và CA16 enterovirus là virút đường ruột. Hai loại này đều gây bệnh tay chân miệng tại Việt Nam, mỗi loại vào một thời điểm khác nhau. Ví như, giai đoạn đầu năm sẽ do virút CA16, đến khoảng tháng 10, 11, 12 thì bệnh lại do EV71.
 
Tuy nhiên, bệnh cũng có thể do những virút khác trong nhóm gây ra. Chính vì thế, trẻ cần phải được xét nghiệm cẩn thận thì mới chẩn đoán chính xác, điều trị đúng bệnh”. Cũng theo BS Hiền, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị hay vắcxin phòng bệnh tay chân miệng, “Bệnh này tự diễn tiến, không có biện pháp ngăn chặn cũng như kiểm soát. Khoa học hiện chỉ đưa ra những khuyến cáo nếu có triệu chứng thì nên can thiệp ngay. Chính vì vậy, phụ huynh chăm sóc và theo dõi trẻ, phát hiện triệu chứng và đưa đến bệnh viện kịp thời chính là điều vô cùng quan trọng để cứu sống con mình” BS Hiền nhấn mạnh.
 
Cần phát hiện sớm, phòng bệnh đúng cách
Thông thường, 99% trẻ mắc bệnh tay chân miệng đều hết, hoặc tự miễn. Chỉ dưới 1% bị tử vong. Bác sĩ Khanh giải thích: “Bệnh khi biến chứng nặng thì trẻ chỉ còn khoảng sáu tiếng đến mười hai giờ khẩn cấp điều trị, cứu sống. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện sớm, nhưng do độc lực của virút gây bệnh, hoặc do sức đề kháng của trẻ quá yếu, trẻ mắc phải các biến chứng viêm não, viêm vùng thân não… Nếu vùng não bị viêm, tê liệt, mạng sống của trẻ cũng khámong manh”.

Dấu hiệu trẻ mắc bệnh

Trẻ bị sốt trên 37,5ºC, mệt mỏi, biếng ăn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Biểu hiện nặng hơn, bị loét miệng, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông… có thể trong vòng bảy ngày. Khi thấy những biểu hiện này, phụ huynh nên sớm đưa con đến bệnh viện, tránh nhầm lẫn với các bệnh thuỷ đậu, sốt dengue, viêm da mủ, dị ứng, sốt phát ban…

BS Hiền cho biết, khảo sát trên một số trường hợp trẻ đã điều trị lành bệnh, khoảng 15 đến 20% bị di chứng về thần kinh, tâm lý. Tuy nhiên hiện chưa có những đánh giá rõ ràng về các di chứng này. Theo BS Khanh: “Trẻ dưới ba tuổi là đối tượng chủ yếu mắc bệnh tay chân miệng, vì miễn dịch của trẻ lúc này còn rất kém. Nhưng, trẻ trên năm tuổi, hoặc người lớn cũng có thể mắc bệnh. Điều này có thể do trẻ lây bệnh cho cha mẹ hoặc ngược lại, mặc dù tỷ lệ rất thấp. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khoảng 98% bệnh nhi có thể được chữa khỏi”.
 
Theo BS Hồ Thị Thiên Ngân, viện Pasteur TP.HCM, đối phó bệnh tay chân miệng, chủ yếu phòng bệnh và đã có hướng dẫn của WHO, của bộ Y tế về phòng bệnh ở cộng đồng. Cụ thể, người chăm sóc trẻ và trẻ phải thường xuyên rửa tay đúng cách, bằng xà phòng diệt khuẩn. Những sản phẩm này phải có sự kiểm duyệt an toàn từ bộ Y tế.
 
Vật dụng, đồ chơi của trẻ phải thường xuyên rửa bằng xà bông, dung dịch chloramine B 2%, không cho trẻ đưa tay vào miệng… Nhà cửa phải thông thoáng, không cho trẻ tiếp xúc trẻ bệnh… Thường xuyên vệ sinh nhà cửa… “Nếu trẻ ở trường, hoặc trong môi trường đông đúc, không đủ nước để vệ sinh tay, cần mang theo dung dịch rửa tay gel khô để tiện cho trẻ. Khi trẻ mắc bệnh, nên để ở nhà để tránh lây nhiễm hoặc bệnh nặng hơn khi đến lớp”, BS Ngân nói.
 

 (Theo SGTT) 20/06/2011

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics