1919  19

Báo SK&ĐS phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Y tế

“Cái gì có lợi cho dân thì làm” đó là tâm nguyện của Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến,

Ủy viên BCHTW Đảng – Thứ trưởng Bộ Y tế

PV: Thưa Thứ trưởng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Thứ trưởng là ĐBQH của tỉnh Hà Tĩnh. Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII tới đây, Thứ trưởng ứng cử là ĐBQH của TP. Hồ Chí Minh. Vậy xin Thứ trưởng cho biết cảm xúc của mình khi Thứ trưởng tiếp tục được tin tưởng ứng cử là ĐBQH khóa XIII? Và việc Thứ trưởng ứng cử ở TP. Hồ Chí Minh – nơi mà Thứ trưởng đã có thời gian gắn bó sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình hoạt động ĐBQH của Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi cảm thấy phấn khởi và tự hào vì Bộ Y tế là một trong số ít các Bộ ngành của Chính phủ có đại diện ứng cử đại biểu Quốc hội, từ đó Bộ sẽ có điều kiện nói lên tiếng nói của ngành, nhưng cũng thấy trách nhiệm nặng nề vì ngành y tế sẽ đối mặt với những thách thức, phải giải quyết nhiều vấn đề lớn liên quan đến an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát kinh tế, thắt chặt chi tiêu công mà đối với y tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo. Mặt khác, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng về số lượng cũng như chất lượng và đòi hỏi kỹ thuật cao trong thời kỳ hội nhập.

Được Ủy ban TWMTTQ Việt Nam giới thiệu vào ứng cử ĐBQH tại đơn vị bầu cử số 10 là quận 8 và huyện Bình Chánh – TP. Hồ Chí Minh, tôi cho rằng sẽ có một số thuận lợi và khó khăn. Về điểm thuận lợi, TP. Hồ Chí Minh nơi tôi được ứng cử ĐBQH nhiệm kỳ này là một thành phố lớn, năng động, đầu tàu kinh tế, trình độ dân trí cao, mức sống cao, nhiều kinh nghiệm trong quản lý phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế… Do tôi đã có một quá trình sinh sống và làm việc khá lâu ở đây nên tôi cũng có những hiểu biết thông tin về tình hình kinh tế xã hội, tâm tư nguyện vọng, những quan tâm của người dân thành phố. Bên cạnh đó, tôi cũng có thêm thuận lợi là với 20 năm làm việc tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh – Viện đầu ngành ở khu vực phía Nam về y tế học dự phòng và nghiên cứu vi sinh, miễn dịch…, các hoạt động chuyên môn của Viện cũng gắn nhiều với y tế khu vực phía Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng nên tôi có những hiểu biết về hệ thống y tế cũng như đội ngũ cán bộ y tế của TP. Hồ Chí Minh và cả khu vực.

Tuy nhiên, cùng với những điểm thuận lợi đó thì TP. Hồ Chí Minh là một thành phố đông dân với nhiều thành phần, đối tượng khác nhau, vì thế cử tri đòi hỏi cao, do đó người ứng cử phải đáp ứng cao về kiến thức, tầm nhìn, năng lực, trách nhiệm và hiệu quả…

PV: Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, trên diễn đàn Quốc hội, với vai trò là ĐBQH ngành y tế, Thứ trưởng đã có nhiều bài tham luận sâu sắc đáp ứng sự mong mỏi của cử tri ngành y tế cũng như cử tri cả nước với Quốc hội, Chính phủ. Vậy, nhìn lại nhiệm kỳ hoạt động ĐBQH vừa qua, Thứ trưởng thấy mình còn những trăn trở tâm huyết về những vấn đề gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong nhiệm kỳ hoạt động Quốc hội vừa qua, là cán bộ làm việc trong ngành y tế nên tôi cũng có nhiều hiểu biết về những khó khăn, bất cập của ngành cũng như những tâm tư nguyện vọng của cử tri ngành y tế, do đó những lúc có điều kiện phát biểu trước diễn đàn Quốc hội, tôi đều cố gắng tranh thủ thời gian để nói lên những cái cần, những mong muốn của cử tri ngành y tế với Quốc hội. Tuy nhiên, từ thực tế của quá trình tham gia hoạt động ĐBQH ở nhiệm kỳ vừa qua, tôi thấy vẫn còn một số trăn trở liên quan đến ngành, thứ nhất là công tác xây dựng pháp luật, một số luật chưa thực sự phát huy tính khả thi cao và khó đi vào cuộc sống như Luật hiến, ghép mô tạng, việc ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành luật mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng còn chậm. Bên cạnh đó, mặc dù Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và tăng đầu tư cho ngành y tế nhưng Quốc hội vẫn chưa quy định tỷ lệ %  ngân sách chung theo GDP cho y tế như giáo dục và khoa học công nghệ. Tiếp đến, vấn đề đổi mới cơ chế tài chính cho ngành y tế vẫn chưa được thông qua, vấn đề tự chủ tài chính cho hoạt động khám chữa bệnh còn khó khăn…

Ngoài những điểm này, tôi cũng cho rằng ngành y tế, hệ thống chính trị, nhân dân còn phải phấn đấu nhiều để xây dựng một nền y tế công bằng và hiệu quả mà trước mắt là thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân từ 2014.

PV: Nếu được cử tri TP. Hồ Chí Minh tin tưởng, tín nhiệm bầu Thứ trưởng là ĐBQH ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII – đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cử tri TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng sẽ có chương trình hành động tập trung vào những nội dung gì? Riêng với ngành y tế, những vấn đề gì của ngành sẽ tiếp tục được Thứ trưởng gửi gắm trên diễn đàn Quốc hội, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nếu được cử tri TP. Hồ Chí Minh tin tưởng, tín nhiệm bỏ phiếu cho tôi là ĐBQH khóa XIII, chương trình hành động của tôi sẽ tập trung vào các nội dung như: Trước hết, tôi sẽ tranh thủ mọi thời gian để gần với dân và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, của nhân dân để kịp thời truyền tải, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân TP. Hồ chí Minh đến các cơ quan Chính Phủ, Quốc hội, Ban chấp hành Trung ương Đảng, các bộ, ngành và địa phương liên quan góp phần vào giải quyết, tháo gỡ những mối quan tâm của cử tri, của nhân dân, nhất là trong lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, trong phạm vi cho phép của mình, tôi sẽ cố gắng góp phần tích cực để giải quyết những khó khăn, bất cập đối với ngành y tế mà cử tri phản ánh trên tinh thần cái gì có lợi cho dân thì làm…

Riêng đối với ngành y tế, tôi sẽ tiếp tục gửi gắm tới Quốc hội những vấn đề mà tôi đang trăn trở, tâm huyết như: Thứ nhất, mặc dù tình trạng giảm tải bệnh viện bước đầu đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập, do đó tôi sẽ kiến nghị việc giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện thông qua các đề xuất, kiến nghị trình Chính phủ xây dựng một đề án giảm tải các bệnh viện ở các thành phố lớn, bệnh viện tỉnh, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nhi, sản.

Thứ hai, vấn đề Bảo hiểm y tế (BHYT): Đây là vấn đề quan trọng vào loại bậc nhất, cần có thời gian và lộ trình với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, để có thể thực hiện Luật BHYT tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Chỉ có BHYT toàn dân mới có nguồn tài chính vững chắc, lâu dài và đảm bảo thực hiện chăm sóc y tế công bằng và hiệu quả. Đề xuất xây dựng một đề án trình Chính phủ và đề xuất với Quốc hội để có nghị quyết về thực hiện Luật BHYT, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân: Tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận và thụ hưởng BHYT, giảm bớt các thủ tục phiền hà cho người bệnh sử dụng thẻ BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT, tăng cường sự hài lòng của người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT…

Tiếp đến là về đổi mới cơ chế tài chính y tế: Trình Chính phủ phê duyệt nghị định đổi mới cơ chế tài chính, điều chỉnh một số giá dịch vụ y tế phù hợp theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, thu đủ bù chi. Việc điều chỉnh này không làm ảnh hưởng nhiều đến người làm công ăn lương, các đối tượng hưu trí, chính sách xã hội, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi do chi phí khám chữa bệnh của đối tượng này về cơ bản đã được BHYT chi trả, kể cả một số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn…

Điểm cuối cùng và cũng rất quan trọng, đó là vấn đề tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế bằng mọi biện pháp và chuyển giao công nghệ cho đơn vị y tế tuyến dưới…

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo SK&ĐS (09/05/2011)

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics