1919  19

Bấn loạn vì xét nghiệm mỗi nơi, mỗi kiểu

 Sau khi Lao Động đăng bài: “Tiết lộ động trời: Xét nghiệm nước tiểu cũng bị “nhân bản”, phóng viên tiếp tục tìm hiểu mọi ngóc ngách của câu chuyện xét nghiệm tại các bệnh viện trong nước. Một thực tế rất phũ phàng là, các kết quả xét nghiệm đang bị sai lệch rất lớn và không có labo xét nghiệm trọng tài nào để phán quyết ai đúng, ai sai. Cũng từ đây, hé lộ những “mánh khóe” mà nhiều cơ sở y tế đang làm để giảm giá thành xét nghiệm, “móc túi” người bệnh.

Phản ánh đến Báo LĐ&ĐS, anh N.Đ.H ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, bố anh đến khám, xét nghiệm tại BV T.N, các chỉ số đường huyết, mỡ máu… đều bình thường. Nghi ngờ kết quả của BV Thanh Nhàn không chính xác, vì ở nhà thử đường huyết bằng máy đo tự động thấy chỉ số rất cao, bố anh tiếp tục đến khám tại một BV tư ở Hà Nội thì kết quả vẫn vậy, các chỉ số đều trong giới hạn an toàn.

Không thể tin kết quả xét nghiệm của 2 BV trên,  anh H đã đưa bố đến  khám tại BV Nội tiết TƯ (là BV đầu ngành về các bệnh nội tiết) thì rất bất ngờ, các chỉ số đường huyết, mỡ máu đều đã vượt giới hạn an toàn, bác sĩ kết luận bị mắc đái tháo đường nặng, phải điều trị ngay bằng tiêm insulin.

Trải qua 2 tuần đi khám tại 3 BV, bố anh H đã mất ăn, mất ngủ vì những kết quả trái ngược và những chỉ định của bác sĩ. Sau khi nghe “phán quyết” của BS BV đầu ngành nội tiết, bố anh H đã nhập viện điều trị ngay, nếu cứ tin tưởng vào 2 kết quả xét nghiệm của 2 BV trên thì không biết bệnh tình sẽ đi đến đâu.

Phân tích rõ hơn về hậu quả của các kết quả xét nghiệm sai lệch giữa các cơ sở y tế, TS Tạ Văn Bình – Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, Trường Đại học Y Hà Nội – cho rằng: Khi bệnh nhân có chỉ số đường huyết cao có nghĩa là đã có rất nhiều nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường phải được điều trị ngay, nếu không sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Trong trường hợp bệnh nhân đã bị mắc đái tháo đường nhưng kết quả xét nghiệm không chuẩn xác, chỉ số đường huyết vẫn thấp, người bệnh không biết bị mắc bệnh để điều trị sẽ càng nguy hiểm hơn.

TS Bình cho biết, qua nhiều năm công tác đã từng chứng kiến nhiều bệnh nhân chỉ vì các kết quả xét nghiệm sai mà bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm. Đến khi có các biến chứng tim mạch, hoại tử bàn chân… mới hay biết mình bị đái tháo đường thì đã quá muộn.

Không ít bệnh nhân khi bị bệnh đã rất bất ngờ vì họ vẫn kiểm tra sức khỏe định kỳ tại nhiều cơ sở y tế nhưng không nơi nào cảnh báo họ mắc bệnh để điều trị sớm. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho người bệnh khi mà hệ thống xét nghiệm, chẩn đoán của các cơ sở y tế hiện nay chưa được chuẩn hóa dẫn đến độ sai lệch xét nghiệm quá lớn.

Máy cũ + hóa chất rẻ = kết quả sai lệch.

Giải thích vì sao có chuyện sai lệch kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, PGS Ngô Quang Lực – nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm – BV Việt Đức cho rằng, kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào 3 yếu tố: Máy móc, hóa chất xét nghiệm và trình độ kỹ thuật viên. Cơ sở nào sử dụng máy móc tốt của các hãng nổi tiếng với các loại hóa chất xét nghiệm của chính hãng đó sẽ cho kết quả chính xác.

Nếu sử dụng các loại máy xét nghiệm cũ, không được bảo hành thường xuyên cùng với loại hóa chất xét nghiệm rẻ tiền thì kết quả xét nghiệm sẽ không đảm bảo chính xác. Trình độ kỹ thuật viên cũng nắm vai trò quan trọng khi phát hiện các sai số ở các quy trình định chuẩn hằng ngày của máy xét nghiệm.

Theo một bác sĩ có nhiều năm làm xét nghiệm tại một BV lớn ở Hà Nội, trong khi bệnh nhân phải đóng tiền cao để làm các xét nghiệm thì các BV vẫn mua các loại hóa chất xét nghiệm giá rẻ, trôi nổi từ Trung Quốc, Đài Loan, hoặc hóa chất của các hãng có thương hiệu nhưng là hóa chất cận date, hàng tồn kho giá rẻ như cho về sử dụng. Các que thử cũng mua loại rẻ nhất, thậm chí 1 que thử dùng cho nhiều người.

Có những công ty đưa máy siêu âm, máy xét nghiệm dạng phế thải từ các nước rồi cho BV mượn, mục đích để bán hóa chất cho BV. Chỉ cần 1 năm bán hóa chất là công ty đó đã hoàn đủ tiền mua máy và các năm sau đó số tiền mà họ thu được từ bán hóa chất là khoản tiền khổng lồ.

Việc chung chi với BV cũng rất rẻ mạt, BV có khi chỉ được 2-3 phần, còn lại công ty đó ăn đủ. Vì muốn tăng nguồn thu nên BV đó sẽ ra sức cho bệnh nhân làm xét nghiệm, còn kết quả xét nghiệm đúng hay sai người bệnh tự chịu.

Một thực tế đáng ngại nữa là các quy định của Bộ Y tế hiện nay không quy định các máy xét nghiệm phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, cho nên máy cũ, máy đã qua sử dụng, máy có nguồn gốc không rõ ràng… rất dễ dàng lọt vào BV.

Thực trạng này, các vụ, cục của Bộ Y tế đều biết và bao biện rằng, Bộ Y tế đã nhận ra từ nhiều năm qua và vẫn đang chấn chỉnh. Sự chậm chạp của ngành y tế đã đẩy người bệnh đứng trước tình cảnh luôn phải nghi ngờ kết quả xét nghiệm của BV. Thậm chí khi có nghi ngờ đi nữa thì cũng không biết đến một nơi nào đó kiểm tra lại vì đến nay VN chưa có được hệ thống labo xét nghiệm chuẩn làm trọng tài.

Theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay cả nước mới có 20 trong tổng số hơn 1.000 BV có phòng xét nghiệm đạt chuẩn theo ISO 15189. Như vậy, vẫn còn khoảng 1.000 BV có phòng xét nghiệm chưa đạt chuẩn, thì rõ ràng việc sai lệch kết quả xét nghiệm từ có bệnh đến không.

(Còn nữa)

Theo báo Lao động

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics