1919  19

TÓM TẮT MỘT SỐ TIN VỀ THUỐC BỔ XƯƠNG

Hỏi:
 Tôi là một ông già trên 70 tuổi, trước kia bác sĩ cho tôi uống calcium cùng với calcitriol mặc dầu tôi chưa suy thận. Nhưng tôi nghe nói calcium chưa chắc đã ngừa được gảy xương mà có khi nhóm biphosphonate như Actonel (Risedronate) còn tốt hơn. Vậy tôi có nên xin bác sĩ cho tôi dùng thêm Actonel không?
Đáp:
 Calcium là thành phần chính của xương và vitamin D giúp hấp thụ calcium, nên bác sĩ thường khuyên bệnh nhân uống calcium và vitamin D để bổ xương, ngừa gảy xương. Hai chất này bán tự do ở hiệu thuốc hay trong các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng.
 Nhu cầu calcium khỏang 1200-1500 mg mỗi ngày, với cách ăn uống của người Việt-nam nhiều rau và không có sữa (thực phẩm chứa nhiều calcium), nên thường chúng ta không đưa vào cơ thể đủ lượng calcium cần thiết. Ngòai ra, calcium khi vào dạ dày phải được hòa tan mới vào máu và đến xương, do đó phải uống calcium trong bữa ăn hay ngay sau bữa ăn là lúc acid dạ dày tiết ra nhiều nhất. Trong các muối calcium, chỉ có calcium citrat có thể hấp thụ bất cứ lúc nào.
Vitamin D3 chỉ có 1 chức –OH trong cấu trúc, khi qua gan sẽ gắn thêm 1 –OH nữa và cuối cùng khi qua thận sẽ gắn –OH thứ ba thành calcitriol (tri: ba) ý nói lúc này vitamin có 3 chức –OH. Đây là dạng họat động để giúp hấp thụ calcium. Người khỏe mạnh đều biến vitamin D3 thành dạng họat động, nhưng người suy thận không thể gắn –OH thứ ba, do đó chỉ người suy thận mới cần dùng calcitriol. Người bình thường uống vitamin D3 là đủ.
 Nhóm biphosphonate trong đó có risedronate (Actonel) không cho tế bào hủy xương họat động, nên có lợi cho người rỗng xương. Tuy nhiên, nếu giữ những tế bào này, xương không tái tạo được nên sẽ già đi, vì vậy có nghiên cứu bảo người dùng biphosphonate quá lâu có thể bị gảy xương háng. Bác sĩ sẽ cho đo mật độ xương để xem người bệnh có bị thiếu tế bào xương hay rỗng xương không. Nếu kết quả xác nhận thì bác sĩ mới cho dùng biphosphonate. Do đó nếu ông nghĩ mình có nguy cơ rỗng xương, nên hỏi bác sĩ cho đo mật độ xương để chẩn đóan bệnh rồi mới dùng thuốc.
 Nhiều nghiên cứu mới đây đã đưa ra ánh sáng một số ngộ nhận về calcium và các thuốc bổ xương. Trong hội nghị hàng năm tháng 9 năm 2011 tại San Diego California của Hội nghiên cứu xương và khóang chất Hoa-kỳ đã nêu lên một số vấn đề:
Calcium không ngừa được gảy xương:
 Trong nghiên cứu cổ động sức khỏe phụ nữ (WHI: Women Health Initiative) tại Hoa-kỳ, với hơn 36 ngàn phụ nữ sau tuổi mãn kinh tham dự, tuổi từ 50 đến 70, uống calcium (1000 mg) và vitamin D (400 IU) hay giả dược mỗi ngày, cho thấy chỉ hơi tăng tỷ mật độ xương (BMD) ở nhóm dùng calcium và vitamin D, nhưng không giảm được nguy cơ gảy xương.
 Một nhóm nghiên cứu ở Úc, xem lại nghiên cứu WHI và phân tích lại kết quả và phân tích meta cho thấy bổ sung calcium tăng đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim 31% trong 5 nghiên cứu với hơn 8 ngàn người tham dự và tăng 27% trong 11 nghiên cứu với gần 12 ngàn người tham dự. Không thấy tăng nguy cơ đột quỵ. Phân tích này đăng trên báo BMJ số 342.
 Bác sĩ Roger Francis, viện nghiên cứu sức khỏe tuổi già của đại học New Castle, vương quốc Anh, bảo thuốc bổ sung calcium có thể giảm mất xương ở người cao tuổi, nhưng có rất ít chứng cứ hiệu nghiệm cho ngừa gảy xương, vì mức tuân thủ lâu dài kém. Muốn điều trị bệnh loãng xương, có lẽ biphosphonate lợi ích hơn.
Calcium cho thai phụ chỉ tốt cho ngừa cao huyết áp:
 Uống calcium khi mang thai không ngừa được sinh thiếu tháng và em bé nhẹ cân, nhưng chỉ có thể giảm nguy cơ cao huyết áp liên quan đến mang thai, theo một nghiên cứu trên kho dữ liệu Cochrane. Nghiên cứu này do một bác sĩ phụ sản ở Thái-lan thực hiện.
 Một nghiên cứu trước đó, cũng dùng dữ liệu của Cochrane, công bố trong tháng 8 năm 2010, gợi ý bổ sung calcium trong khi mang thai có thể ngừa tiền sản giật bằng cách ngăn cao huyết áp ở thai phụ.
Calcitonin cá hồi dạng uống tốt hơn dạng bơm mũi và giả dược:
 Thuốc viên uống calcitonin cá hồi bào chế bằng phương pháp tái tổ hợp, hiệu nghiệm hơn để tăng mật độ xương và khóang chất cột sống vùng thắt lưng sau 48 tuần so với dạng bơm mũi và giả dược. Calcitonin cá hồi mạnh gấp 30 đến 50 lần calcitonin người trong việc lọai bỏ hấp thụ tế bào tạo xương.
 Phụ nữ từ 45 tuổi trở lên, có điểm T (T score) mật độ xương ≤ -2.5 ở xương vùng thắt lưng, cổ xương đùi, hay tòan xương háng, hay trước đó gảy xương sống với điểm T ≤ 2.0. Những người này nhận thuốc uống calcitonin cá hồi tái tổ hợp 200 μg mỗi ngày thêm giả dược bơm mũi, giả dược uống + calcitonin bơm mũi 200 IU/ngày hay giả dược dạng uống cũng như dạng bơm mũi.
 Ở mức căn bản tuần lễ 24 và 48, người ta đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA, và thấy dạng uống tăng mật độ xương cao hơn dạng bơm mũi và giả dược. Đo chất đánh dấu tiêu xương, người ta thấy giảm tiêu xương nhiều nhất ở nhóm dùng dạng uống calcitonin cá hồi tái tổ hợp.
Biphosphonate hiệu nghiệm hơn với mức vitamin D cao hơn:
 Trong phần lớn nghiên cứu thuốc điều trị rỗng xương, những người tham dự đều được cho uống thêm thuốc bổ sung vitamin D, và vài nghiên cứu gợi ý hiệu quả của biphosphonat có thể tùy thuộc mức vitamin D lưu thông trong máu. Để quan sát kỹ hơn, các nhà nghiên cứu đánh giá 210 phụ nữ sau tuổi mãn kinh tuổi trung bình 65, với mật độ xương thấp ở 2 trung tâm ngọai chẩn ở thành phố New York. Những phụ nữ này được điều trị với biphosphonat gần 5 năm và đươc theo dõi gắn bó dùng biphosphonat và vitamin D ít nhất 18 tháng là thời điểm để đo mật độ xương lần thứ hai bằng phương pháp DEXA. Một nửa bệnh nhân điều trị với alendronat (Fosamax), ¼ điều trị với risedronat (Actonel) và khỏang 18% dùng Zoledronate (Reclast) tiêm tĩnh mạch. Mức vitamin D đo ở dạng 25(OH)D trong huyết thanh.
 Chỉ 99 người (47%) trong số 210 bệnh nhân cho đáp ứng thuận lợi với điều trị dài ngày biphosphonat, và so sánh mức trung bình 25(OH)D giữa người đáp ứng điều trị và không đáp ứng cho thấy bệnh nhân với mức 25(OH)D huyết thanh ≥ 33 ng/mL có đáp ứng với biphosphonat cao gấp 4.5 lần. Ngòai ra, khi mức 25(OH)D giảm 1 ng/mL sẽ giảm 5% tỷ số nguy cơ. Đây là nghiên cứu đầu tiên nhận diện được ngưỡng họat động của mức 25(OH)D, khi mức này ≥ 33 ng/mL sẽ tăng cao đáp ứng với biphosphonat.
Biphosphonat giảm nguy cơ di căn xương
 Dùng biphosphonat trước khi chẩn đóan ung thư vú có vẻ giúp ngừa phát sinh di căn xương, theo một nghiên cứu cũng báo cáo trong hội nghị hội nghiên cứu xương và khóang chất Hoa-kỳ.
 Pamidronate, một aminobiphosphonat, được chấp thuận để điều trị di căn ung thư vú từ năm 1996, và biphosphonat clodronat đã chứng tỏ trong nghiên cứu hiệu quả để ngừa di căn cơ khung ở bệnh nhân nguy cơ cao ung thư được dùng ngay khi mổ lấy khối u.
 Một nghiên cứu với gần 20 ngàn phụ nữ không dùng biphosphonat trước khi bị ung thư vú, 6.5% sinh di căn xương; trong số 2221 phụ nữ dùng biphosphonat trước khi chẩn đóan ung thư vú, 4.0% phát sinh di căn xương.
 Có ý kiến cho rằng nghiên cứu này có khuyết điểm vì không chú ý đến mật độ xương và những thuốc dùng thêm, gồm tamoxifen hay những chất ức chế aromatase. Như vậy dầu chưa chắc chắn, nhưng biphosphonat có thể có vai trò trong điều trị ung thư sớm.

 Dược sĩ Lê Văn Nhân

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics