1919  19

Bùng phát dịch sốt xuất huyết

Tại Hà Nội, các ổ dịch đã xuất hiện tại 27/29 quận huyện, số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết tăng liên tục trong các tuần gần đây.
 Tại Hà Nội, các ổ dịch đã xuất hiện tại 27/29 quận huyện, số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết tăng liên tục trong các tuần gần đây.

Có mặt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (BVBNĐ), chúng tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Virus – Ký sinh trùng phải nằm ghép 2 bệnh nhân/giường, có khi là 3 người/giường. Khoa này quá tải nên Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp của bệnh viện cũng được tăng cường để đón bệnh nhân sốt xuất huyết. Dù vậy, bệnh nhân vẫn phải nằm đôi.

Bệnh nhân Dương Văn H. sinh viên năm 2 ĐH Xây dựng, ở trọ tại phường Đồng Tâm, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội điều trị tại Khoa Virus – Ký sinh trùng cho biết, khi bị sốt, đến y tế nhà trường, H. được khám và cho thuốc uống nhưng vẫn sốt liên tục 39 – 40 độ C, kèm đau đầu. Sau 2 ngày sốt và mệt lả, sinh viên này đến một phòng khám tư. Sau khi xét nghiệm, H. được hướng dẫn đến BVBNĐ. Tại đây, các bác sĩ thông báo H. bị sốt xuất huyết.

Thống kê của BVBNĐ cho thấy, số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng liên tục trong các tuần gần đây. 6 tháng đầu năm, bệnh viện có 65 ca thì chỉ trong tháng 9 đã có 224 ca. Trong 3 tuần đầu tháng 10, đã tiếp nhận 204 ca. Trung bình mỗi ngày 10 ca, thậm chí có ngày bệnh viện đón 18 bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BVBNĐ, bệnh viện đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân nặng nhập viện với các biểu hiện chảy máu lợi, chảy máu cam, tiểu cầu giảm thấp, chỉ ở mức 10 – 11, có bệnh nhân chỉ còn 6 – 8 trong khi bình thường là phải trên 150. 

Tại các bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh-Pôn các ca nhập viện nghi mắc sốt xuất huyết cũng đang tăng lên. Tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép cũng khá phổ biến.

Thống kê cho thấy, người vào điều trị sốt xuất huyết tại BVBNĐ và các bệnh viện của Hà Nội phần lớn sống tại Hà Nội, trên địa bàn các quận, huyện Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Đống Đa… Một số ít ca đến từ Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên. Đặc biệt, bệnh nhân chủ yếu ở lứa tuổi dưới 30, là cán bộ công chức, học sinh sinh viên.

Bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: số ca sốt xuất huyết phải vào các bệnh viện điều trị dự báo sẽ tiếp tục tăng cao vì đỉnh dịch thường rơi vào tháng 10 – 11 hằng năm.

Được biết, sốt xuất huyết thường khởi đầu với các triệu chứng giống như sốt vi rút thông thường nên nhiều người thường tự điều trị tại gia, chỉ khi thấy quá mệt mới vào viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, BVBNĐ, những người sốt cao đột ngột, đau nhức các cơ bắp, đau mỏi khớp, mỏi toàn thân, đau đầu, đau hai hốc mắt có thể nghi ngờ mắc sốt xuất huyết. Đặc biệt, nếu bệnh nhân có các biểu hiện trên đang sống tại nơi đã có người mắc sốt xuất huyết thì cần lưu tâm khả năng mình cũng đã mắc bệnh.

Cụ thể, bác sĩ Lâm khuyến cáo: khoảng ngày thứ 3 – 5 sau sốt, bệnh nhân có thể xuất huyết các chấm, nốt dưới da, bầm tím nơi bị tiêm, chảy máu răng, máu mũi, phụ nữ có thể rối loạn kinh nguyệt (có kinh sớm trước ngày, kinh kéo dài hoặc hết rồi lại thấy trở lại).

Khi đó cần vào viện ngay để được khám, theo dõi và xem xét nhập viện. Các diễn biến nặng hơn có thể xuất hiện xuất huyết nội tạng với các triệu chứng đi tiểu, đi ngoài ra máu, thậm chí gây xuất huyết não. Đây là các trường hợp cần được khám điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, trong trường hợp bệnh nhân nghi ngờ sốt xuất huyết ở giai đoạn nhẹ, nếu điều trị tại nhà chỉ uống giảm sốt Paracetamol, vitamin C, nước hoa quả. Tuyệt đối không dùng thuốc nhóm salicylic vì có thể gây chảy máu nặng, không cầm được, rất nguy hiểm.

Theo Liên Châu – Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics