202020  20

Rau Muống biển trị dị ứng do con Sứa

Dọc theo bờ biển nước ta, có thể nói ở đâu có biển, ở đó có rau Muống biển. Khi tắm biển, nếu bị Sứa biển “chích” gây dị ứng thì nhai ngay một nắm lá rau Muống biển đắp ngay lên sẽ khỏi. Cho nên để có “thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ”, chúng tôi giới thiệu cây rau Muống biển…


Rau Muống biển, còn gọi Bìm chân dê, Beach Morning, tên khoa học Ipomoea pes caprae (L.) Sw. subsp. brasiliense (L.) Ooststr., thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae)…

Cỏ bò trên cát cạnh bờ biển; thân không lông. Lá có phiến bầu dục, cuối lá có lõm, không lông. Phát hoa ít hoa, từ nách lá; lá đài không lông, cao 8 – 10 mm; vành hình loa kèn, đỏ tím, rộng 4 – 7 cm; tiểu nhụy gắn cách đáy ống vành 5 mm. Quả nang tròn, to 1 cm, chứa 4 hột, có lông nằm màu vàng.

Rau Muống biển mọc hoang dựa biển, trổ hoa quanh năm. Ở subsp. pes caprae, phiến lá 2 thùy to.

Lá chứa actinidol, ergomitrin, ergotamin, isoquercitrin, eugenol, acid citric, malic, tartaric. Ăn được, bổ, trị sốt, tê thấp, lợi tiểu; chống histamin: đè nén sự tổng hợp prostaglandin nên chống viêm, chống dị ứng, nhất là vì Sứa chích, chống co giật; hột trị đau bao tử. Thân, lá giúp phụ nữ bớt căng thẳng và mệt nhưng có thể làm lạc thai nếu ăn nhiều. Đắp trị bệnh ngoài da, trị Rắn biển cắn. (Theo Phạm Hoàng Hộ – Cây có vị thuốc ở VN, Cây cỏ VN; Planta Medica 1990, 91; TMP; Ghazanfar; Ayensu; PPUTM).
Công dụng theo y học cổ truyền Thái Lan

Toàn cây rau Muống biển: chữa các chỗ viêm nhiễm trên cơ thể do phong độc; bệnh ngoài da; viêm do dị ứng với Sứa biển.

Hạt: chữa mệt mỏi, suy nhược.

Cách dùng khi bị ngứa do sứa biển: đang ở ngoài biển, bị chạm phải Sứa gây ngứa, đỏ thì hái ngay một nắm lá rau Muống biển, rửa sạch, tự nhai nát đắp ngay lên thì mau lành.
Nghiên cứu dược học

Toàn cây rau Muống biển:

+ Tính kháng histamin: cao nước toàn cây khô cho thấy tính chống dị ứng trên ruột non chuột lang.

+ Thử nghiệm độc tính: cao nước trích từ phần dây và lá, hoa cho mèo có thai uống với liều 1 g/kg không có tác dụng sau khi quan sát trong vòng 24 giờ: không độc. Dùng hỗn hợp cồn ethanol và nước chiết (1:1) của phần trên mặt đất của rau Muống biển, tiêm dưới màng bụng cho mèo ở liều 4,3 g cho mỗi con, không thấy độc tính.

Lá:

* Tác dụng chống co thắt: cao nước trích từ lá với liều 0,06 mg/ml cho thấy tính chống co thắt trên ruột non cô lập của chuột lang, do histamin hay do độc tố của Sứa biển.

* Chống dị ứng do Sứa biển gây ra: kem 1% cao lá rau Muống biển thoa lên chỗ dị ứng gây ra bởi độc tố Sứa biển làm triệu chứng biến mất ở ngày thứ hai nếu thoa ngay sau khi tiếp xúc với độc tố.

– Trích tinh ether của tinh dầu rau Muống biển cho tác dụng tương tự.

– Trường hợp vết thương lâu ngày, cần khoảng 2 tuần để vết thương khô lại và lành hẳn trong vòng 1 tháng.

* Tính diệt khuẩn: cao lá Muống biển dùng các dung môi nước, ether, ether dầu hỏa, cồn 95% đều không có tác dụng với vi trùng Staphylococcus aureus khi thử trên ống nghiệm.

* Tính kháng viêm: dùng ether trích phần bay hơi của lá và đắp lên chỗ chân bị gây viêm phù bởi carageenin cũng như chỗ phù trên tai chuột do ethylphenylpropiolat hay acid arachidonic. Tính chống viêm của cao ether tương đương với aspirin nhưng không mạnh bằng indomethacin.

* Thử độc tính: thử cao bào chế từ lá bằng các dung môi nước, cồn ethanol 95%, ether dầu hỏa, cho chó uống với liều theo thứ tự 2 g, 0,2 g, 0,1 g mỗi con, không thấy có tác dụng gì sau 4 ngày quan sát.

Qua các thử nghiệm trên, chứng tỏ rau Muống biển không độc và có tác dụng chống dị ứng rất tốt, nhất là đối với dị ứng Sứa biển.

DS. LÊ VĂN NHÂN – DS. PHAN ĐỨC BÌNH 22/10/2011

Bài viết cùng chủ đề

  • Không có bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics