1919  19

Đường đi khó hiểu của chất gây nghiện Pseudoephedrine

Pseudoephedrine là một hoạt chất được sử dụng để sản xuất thuốc trị cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang…
Đây cũng là chất được dùng để sản xuất thành một loại ma túy có tên là methamphetamine.

Một số loại thuốc lắc ecstasy được bào chế từ chất pseudoephedrine – Ảnh tư liệu


Theo đơn thư tố cáo, cuối năm 2010 đầu năm 2011, Cục Quản lý dược đã ký duyệt đơn hàng nhập khẩu pseudoephedrine với số lượng rất lớn cho một số công ty. Đặc biệt Công ty cổ phần BV Pharma được “ưu ái” cho trực tiếp nhập khẩu, mua lại của công ty khác trong nước 4 tấn pseudoephedrine.
 
Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2011, BV Pharma còn được Cục Quản lý dược cấp năm số đăng ký lưu hành các thuốc thành phẩm có chứa tiền chất ma túy pseudoephedrine với 13 quy cách đóng gói khác nhau.
 
Việc ưu ái của Cục Quản lý dược đã “tạo điều kiện cho Công ty cổ phần BV Pharma có thể dễ dàng tuồn hàng cho bọn tội phạm vận chuyển và tập kết đến nơi tổng hợp chất ma túy metamphetamine”.
 
Ngoài BV Pharma, thư tố cáo còn kể tên một số công ty khác được phê duyệt mua nguyên liệu này trong sáu tháng đầu năm với số lượng rất nhiều và tăng gấp 2-3 lần năm trước. Vì thế số lượng thuốc thành phẩm sản xuất ra tăng đột biến.
 
Dừng cấp giấy phép nhập khẩu pseudoephedrine

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vừa có văn bản yêu cầu tạm dừng cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu pseudoephedrine HCl (sử dụng sản xuất thuốc điều trị cảm cúm) cho đến khi có chỉ đạo mới.
 
Phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh đánh giá nhu cầu khám chữa bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc xét duyệt dự trù nguyên liệu pseudoephedrine HCl, góp phần phòng chống tội phạm lợi dụng để sản xuất ma túy tổng hợp thông qua chiết xuất pseudoephedrine HCl từ các thành phẩm thuốc trị cảm cúm.

Trong tuần này Bộ Y tế sẽ có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tập trung kiểm tra, phúc tra các đơn vị có liên quan đến dự trù, sản xuất, kinh doanh, phân phối, sử dụng nguyên liệu/thuốc có chứa pseudoephedrine HCl.

Ví dụ như cả năm 2010 Công ty CP OPV chỉ sản xuất hơn 40,6 triệu viên Ameflu, nhưng chỉ trong sáu tháng 2011 số lượng sản xuất tăng lên đến hơn 171 triệu viên…
 
Sản xuất tràn lan
 
Ngày 17/8, ông Nguyễn Quốc Cường – phó tổng giám đốc Công ty BV Pharma – cho biết sáu tháng đầu năm 2011 công ty mua 4 tấn pseudoephedrine để sản xuất thuốc.
 
Năm 2010 BV Pharma sản xuất khoảng 60-70 triệu viên thuốc có thành phần pseudoephedrine và năm 2011 kế hoạch sản xuất cũng khoảng chừng đó.

Về việc thuốc thành phẩm sản xuất ra bán đi đâu, cho ai, ông Cường trả lời là phân phối toàn bộ cho Công ty Vimedimex và Xí nghiệp dược phẩm 30 thuộc Công ty TNHH MTV Đông Hải (Q. Gò Vấp, TPHCM). “Công ty Đông Hải là công ty của quân đội.

Họ mua về để bán cho quân đội và điều trị cho quân nhân. Vimedimex và Đông Hải là hai đối tác lớn nhất của BV Pharma và là hai công ty phân phối chủ lực của BV Pharma. Còn một số công ty khác cũng mua nhưng số lượng ít” – ông Cường khẳng định.
Ông Cường nói rằng về nguyên tắc BV Pharma chỉ theo dõi việc bán hàng đến Vimedimex và Đông Hải, nhưng do đây là sản phẩm khá đặc biệt nên công ty đã theo dõi đối tác bán hàng đến nhà thuốc mới thôi. Còn các nhà thuốc bán cho ai là ngoài trách nhiệm, thẩm quyền của BV Pharma.
 
Về dạng đóng gói chai lớn 200 viên, 500 viên và 1.000 viên, ông Cường nói khi sản xuất, ai đặt hàng thế nào thì công ty sản xuất như vậy và Cục Quản lý dược đã cho phép công ty làm.
 
Một báo cáo đầu tháng 8/2011 của Cục Quản lý dược về công tác quản lý thuốc gây nghiện cho thấy tính đến tháng 7/2011 cục đã cấp 116 số đăng ký thuốc có chứa pseudoephedrine cho 38 công ty trong nước. Trong đó có 23 số đăng ký có quy cách đóng gói dạng chai, lọ từ 200-1.000 viên/chai.
 
Chưa kể Cục Quản lý dược còn cấp 24 số đăng ký cho thuốc nước ngoài (chủ yếu là thuốc của các nước châu Á) có chứa pseudoephedrine nhập vào VN. Nguyên năm 2010 cục chỉ duyệt dự trù cho các công ty nhập hơn 19,7 tấn pseudoephedrine, nhưng sáu tháng đầu năm 2011 ký duyệt đến 24 tấn.
 
Về việc sản xuất thuốc thành phẩm có chứa pseudoephedrine, trong năm 2010 các doanh nghiệp dược phẩm trong nước đã sản xuất 563 triệu viên và 1.264.796 chai thuốc có chất này. Chưa kể 25,6 triệu viên thuốc có chất này được nhập khẩu.
 
Trong sáu tháng đầu năm 2011, các công ty trong nước đã sản xuất hơn 481,1 triệu viên và 681.331 chai. Về thuốc ngoại cũng đã có 11,8 triệu viên và 30.000 chai thuốc các loại khác được nhập khẩu.
 
Báo cáo của Cục Quản lý dược thống kê những công ty sau đây sản xuất nhiều thuốc có chứa pseudoephedrine: Công ty dược phẩm OPV năm 2010 sản xuất 40,7 triệu viên, sáu tháng đầu năm 2011 sản xuất hơn 171 triệu viên, gấp hơn bốn lần so với cả năm trước.
 
Công ty BV Pharma năm 2010 sản xuất hơn 10,7 triệu viên nhưng sáu tháng đầu năm 2011 số lượng sản xuất là hơn 67,2 triệu viên. Công ty TNHH LD Thai Nakorn năm 2010 sản xuất hơn 108 triệu viên, sáu tháng đầu năm 2011 sản xuất gần 31 triệu viên…

Mua bán lòng vòng

PV đã tìm hiểu “đường đi” trên hóa đơn, chứng từ của thuốc Activenose (chai 500 viên) do BV Pharma sản xuất (công ty cấp 1) và thấy từ ngày 18/4 đến 13/5/2011, BV Pharma đã đưa vào sản xuất 1 tấn pseudoephedrine. Số lượng thuốc thành phẩm xuất bán ra là 15 triệu viên và được bán cho ba công ty ở TPHCM.
Trong đó Công ty Việt Thái mua 6 triệu viên, Công ty Đông Hải mua gần 8 triệu viên và Công ty Như Ý mua 2 triệu viên. Một báo cáo của thanh tra Bộ Y tế cho thấy từ tháng 3 đến tháng 7/2011 BV Pharma sản xuất tổng cộng 81,3 triệu viên thuốc có chứa pseudoephedrine.
 
BV Pharma đã xuất bán 70 triệu viên Activenose cho Công ty Đông Hải, Như Ý và Việt Thái. Riêng Công ty Như Ý mua 21,5 triệu viên và đem bán khoảng 6 triệu viên cho một cơ sở y học cổ truyền ở Lào Cai.

Sau đó, hóa đơn chứng từ thể hiện Công ty Việt Thái xuất bán cho năm công ty cấp 3 ở TPHCM là Công ty Dược phẩm Q.3, Công ty dược phẩm Anh Minh, chi nhánh Công ty dược phẩm quốc tế Đại Đức Hưng, Công ty dược phẩm Phượng Hoàng và Công ty Hp CAT. Các công ty cấp 3 sau đó bán lại thuốc này cho các công ty cấp 4, các công ty cấp 4 bán lại cho các nhà thuốc.

Cứ thế việc mua bán này chạy lòng vòng một cách khó hiểu. Ví dụ: Công ty Dược phẩm Q.3 (hiệu thuốc 54) sau đó tiếp tục bán thuốc này cho hơn 50 nhà thuốc, hiệu thuốc khác (cấp 5).

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, Công ty Đại Đức Hưng sau khi mua gom số lượng lớn thuốc Activenose có chứa pseudoephedrine của các công ty nói trên đã thể hiện trên chứng từ hóa đơn là đã bán lại (nhiều nhất) cho hai nhà thuốc Bạch Liên, Hồng Nga và rất nhiều nhà thuốc tư nhân, nhà thuốc bệnh viện khác…
Nhưng có thật là các nhà thuốc này mua thuốc Activenose của Đại Đức Hưng? Chúng tôi đã tìm đến một số nhà thuốc mua số lượng lớn và hết sức bất ngờ vì nhận được câu trả lời là “không mua”.
 
Ngày 27/8, ông Lâm Văn Thành – chủ nhà thuốc Bạch Liên (39 Thuận Kiều, P.2, Q.5) – khẳng định: “Tên thuốc này lạ quá, tôi chưa biết đến nó và cũng không mua của Đại Đức Hưng”.

Chúng tôi cũng đã đến nhà thuốc Hồng Nga (105 Nguyễn Kiệm, Q. Gò Vấp). Chủ nhà thuốc Hồng Nga là dược sĩ Dương Thị Ngọc Nga khẳng định không hề mua thuốc Activenose.

Xác minh tiếp một công ty “cấp 2” mua hàng từ BV Pharma, chúng tôi cũng phát hiện có vấn đề không bình thường. Cụ thể, hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Như Ý ngày 21/5/2011 thể hiện công ty này bán 10.000 viên Activenose cho Trung tâm Y tế dự phòng Q.10. Tuy nhiên qua xác minh, bác sĩ Nguyễn Văn Tùng – giám đốc đơn vị này – khẳng định trung tâm không hề mua thuốc này của Công ty Như Ý.

Bí mật không thể trả lời!

Từ thực tế mua bán thuốc có chất pseudoephedrine khó hiểu trên đây, không thể biết thật sự có bao nhiêu nhà thuốc, bệnh viện mua thuốc này để điều trị bệnh. Và ai mới thật sự cần thuốc có tiền chất ma túy này với số lượng nhiều như đã kể trên? Đó là câu hỏi chỉ có cơ quan điều tra mới có thể làm sáng tỏ được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc thuốc có chất pseudoephedrine được sản xuất, mua bán tự do với dạng đóng gói chai lớn 200-1.000 viên có nguy cơ bị đối tượng xấu lợi dụng thu gom, TS.DS Nguyễn Ngọc Vinh – viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM – khẳng định vấn đề này đã được nhiều nước trên thế giới cảnh báo từ nhiều năm qua.
Thực tế cho thấy đối tượng sản xuất, buôn bán ma túy trong nước và nước ngoài có thể lợi dụng địa bàn Việt Nam và các quy định về quản lý thuốc này của Bộ Y tế chưa chặt chẽ để thu gom thuốc chứa pseudoephedrine về chiết tách rồi tiến hành phản ứng khử hóa với acid hydroiodic và photpho đỏ để tổng hợp thành ma túy methamphetamine.
 
Methamphetamine là dạng “đậm đặc” của amphetamine, có tác dụng mạnh hơn amphetamine gấp nhiều lần. Tại Việt Nam, methamphetamine xuất hiện dưới dạng ecstasy (ma túy đá) được dân nghiện ưa chuộng.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung – chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam, giám đốc BV Tai mũi họng TPHCM – cho biết để ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích, những cơ quan liên quan cần phải có biện pháp quản lý việc xuất nhập khẩu nguyên liệu pseudoephedrine, sản xuất, phân phối thuốc có hoạt chất trên.

Thu gom thuốc có pseudoephedrine để sản xuất ma túy tổng hợp
* Ngày 9/7/2011, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an phối hợp với Công an Thanh Hóa đã triệt phá điểm sản xuất ma túy tổng hợp quy mô lớn tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn.
 
Nguồn nguyên liệu để sản xuất ma túy tổng hợp được các đối tượng mua gom từ loại thuốc cảm cúm Tiffy (Công ty TNHH LD Thai Nakorn sản xuất).
 
* Ngày 18/8/2010, cảnh sát Sydney (Úc) thu giữ 174kg chất pseudoephedrine – nguyên liệu chính để sản xuất ma túy – chứa trong các hộp đựng cà phê trong một thùng chở hàng đến từ Việt Nam.
 
Lượng hàng cấm nói trên ước tính có trị giá khoảng 41 triệu USD, có thể chế xuất được 130kg loại ma túy đá.

 
Theo Lê Thanh Hà, Lan Anh – Tuổi Trẻ 30/08/2011

Bài viết cùng chủ đề

  • Không có bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics