1919  19

Sự trở lại của liệu pháp ôzôn trong y học

Năm 1983, Hội nghị quốc tế về ôzôn đã liệt kê 33 bệnh lớn có thể được điều trị tốt đẹp với ôzôn. Cũng tại đây, người ta thừa nhận liệu pháp này gây một số tác dụng phụ nguy hiểm khiến cho sau đó nó dần bị lãng quên. Hiện nay ngành y tế của nhiều nước lại đang có xu hướng quay trở lại với liệu pháp này.

Một liệu pháp không mới được ưa chuộng trở lại

Tháng 8/2010, tin đăng tải trên nhiều tờ báo được người dân đặc biệt quan tâm là việc các em học sinh thành phố Lublin (Ba Lan) được Viện Răng hàm mặt tiến hành chữa sâu răng miễn phí bằng phương pháp mới, không gây đau đớn như phương pháp truyền thống. Theo đó, các nha sĩ chỉ cần chụp một cái mũ silicon kín hơi lên chiếc răng sâu và bơm khí ôzôn vào bên trong, chỉ 10 giây sau là chiếc răng sâu đã hoàn toàn bị khống chế. Giáo sư Anna Augustowska thuộc Học viện Y khoa Vacsava (Ba Lan) cho biết: Đây là một bước đột phá trong điều trị bệnh răng miệng, có thể tiêu diệt 99% những vi khuẩn gây sâu răng và chỉ là một trong hàng loạt các phương pháp chữa bệnh bằng khí ôzôn mà học viện đang triển khai ứng dụng.

Không chỉ tại Ba Lan mà ở nhiều nước khác trên thế giới như Đức, Ý, Pháp, Nga, Romania, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary… liệu pháp ôzôn cũng đang có xu hướng được khai thác trở lại và bắt đầu được nhìn nhận như một phương pháp điều trị nhiều hứa hẹn.

Tại hội nghị chuyên đề về liệu pháp ôzôn tổ chức lần đầu tiên ở Mexico hồi đầu năm 2009, GS. Andzej Barcikowsky thuộc Học viện Y khoa Vacsava đã khẳng định: “Chúng ta đang phát triển những liệu pháp điều trị hiện đại, nhưng cũng đừng bỏ quên những liệu pháp truyền thống song hiệu quả và ít tốn kém khác. Liệu pháp ôzôn cũng như bất kỳ một liệu pháp nào, đều có thể có tác dụng phụ tuy nhiên nó vẫn có những mặt mạnh đáng kể. Việc đầu tư, quảng bá cho liệu pháp ôzôn là một hướng đi đúng trong thế kỷ XXI”.

Cũng tại hội nghị này, giới khoa học đã liệt kê 33 bệnh lớn đang được điều trị hiệu quả bằng liệu pháp ôzôn tại nhiều bệnh viện các nước châu Âu như: thiếu máu các chi do bệnh vữa xơ động mạch và tiểu đường gây ra, thiểu năng tuần hoàn não và cơ tim; các bệnh ngoài da (mụn nhọt, mẩn ngứa); nhiễm trùng trong trường hợp nhờn kháng sinh; thiên đầu thống; rối loạn trí nhớ; viêm ruột già và hậu môn; nhiễm trùng đường tiết niệu; sâu răng, Herpes, viêm xơ gan, bạch cầu đơn nhân, cholesterol máu cao, các khối u, hạch, ung thư, bạch cầu, gút, khớp dạng thấp, dị ứng, Alzheimer, lao suy, Parkinson…


 Cấu trúc hóa học của ôzôn.

Ít tốn kém mà tác dụng không hề nhỏ

Theo GS. Andzej Barcikowsky – cũng là tác giả của cuốn sách Ozone Therapy (Liệu pháp ôzôn) thì: “Không thể tìm được một chất khí nào có những tác dụng đối với cơ thể con người nhiều như ôzôn”. Ôzôn có thể giúp cơ thể tẩy các chất độc hại, làm giảm nồng độ cholesterol và triglicerydy trong máu, giúp cải thiện quá trình trao đổi chất trong các tế bào, làm giảm nồng độ acid uric trong máu, giúp cải thiện lưu thông khí huyết, thông và phòng ngừa tắc động mạch, làm giảm sự kết dính của hồng cầu, cải thiện lưu thông ôxy trong máu, giúp các tế bào gia tăng tiếp nhận ôxy trong máu, kích thích sự hoạt động phòng vệ của hệ miễn dịch…

 Các liệu pháp đưa ôzôn vào cơ thể hiện đang được sử dụng bao gồm: truyền khí ôzôn qua trực tràng, xông khí ôzôn, tắm nước ngậm ôzôn, uống bột ôxy-ôzôn, hít thở ôzôn, tiêm khí ôzôn, ôzôn hóa máu lấy từ tĩnh mạch rồi truyền trở lại, bôi masage dầu gel sáp ôzôn hữu cơ… Những cách làm này có tác dụng nhanh, hiệu quả cao và an toàn, không làm thay đổi thành phần sinh hóa tự nhiên trong cơ thể. Hiện, các hãng chế tạo thiết bị y tế hàng đầu trên thế giới cũng đã đưa ra thị trường nhiều thiết bị khác nhau để phục vụ cho việc điều trị bằng liệu pháp ôzôn như máy truyền khí ôzôn, bồn tắm sản sinh ôzôn, thiết bị xông hơi ôzôn… GS. Anna Augustowska cho rằng: “Đây là bước tiến trong việc áp dụng đại trà liệu pháp ôzôn, vì các thiết bị này thường rất gọn nhẹ và dễ sử dụng”. Còn GS. Andzej Barcikowsky thì khẳng định, việc áp dụng rộng rãi liệu pháp ôzôn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhà nước và người dân: “Trong tình hình hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế và nghèo đi của một số bộ phận dân cư, việc quay trở lại với những liệu pháp điều trị ít tốn kém mà hiệu quả sẽ đem lại lợi ích to lớn”. GS. Andzej Barcikowsky cũng cho biết thêm: Không nên áp dụng liệu pháp ôzôn đối với những người bị chứng cường tuyến giáp, phụ nữ đang mang thai, người bị ngộ độc cồn và những người bị bệnh huyết áp lên xuống thất thường.

       Trung Kiên(Theo Zdrowie)

Bài viết cùng chủ đề

  • Không có bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics