1919  19

Ban hành phác đồ mới điều trị bệnh tay – chân – miệng (20/07/2011)

Dịch bệnh đang lan nhanh và có nhiều trường hợp tử vong.

Chiều ngày 19/7, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 2554/QĐ-BYT hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay – chân – miệng (TCM) trước tình trạng dịch bệnh đang lan nhanh và có nhiều trường hợp tử vong.

Theo phác đồ do Bộ Y tế ban hành, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này mà chỉ điều trị hỗ trợ bên cạnh việc bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Ngoài điều trị nội trú trong BV, cha mẹ cần tích cực theo dõi và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo tuổi; trẻ còn bú cần cho tiếp tục ăn sữa mẹ. Hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ.

Đồng thời, vệ sinh răng miệng, nghỉ ngơi, tránh kích thích. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu sốt cao ≥ 39oC; Thở nhanh, khó thở; Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; Đi loạng choạng; Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh; Co giật, hôn mê….

TCM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra với biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt (như: niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối). Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Bệnh TCM lây chủ yếu theo đường tiêu hoá với nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu nên người dân cần chú ý vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác; Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Tại các cơ sở y tế cần cách ly theo nhóm bệnh, mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc; Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%. Lưu ý khử khuẩn các ghế ngồi của bệnh nhân và thân nhân tại khu khám bệnh; Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.

Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày 19/7, thay thế Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh TCM ban hành kèm theo Quyết định số 1732/QĐ-BYT ngày 16/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo Laodong.com.vn 20/07/2011

Bài viết cùng chủ đề

  • Không có bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics