202020  20

Bệnh Kawasaki – Cần được phát hiện sớm

– Một đứa trẻ đột ngột bị “nhồi máu cơ tim” dù trước đó cháu không hề có dấu hiệu bị bệnh tim.

Đó là bệnh Kawasaki, một căn bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam nhưng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ có thể gây những tổn thương tim mạch.


 Kawasaki là căn bệnh do một bác sĩ người Nhật có tên Kawasaki  phát hiện năm 1961 và sau đó người ta nhận thấy bệnh xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng tập trung nhiều ở châu Á. Bệnh thường xảy ra ở những trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh Kawasaki là một thể lâm sàng của bệnh tự miễn, gây viêm các mạch máu, mà chủ yếu là gây tổn thương mạch vành (mạch máu nuôi dưỡng cơ tim).

Dễ nhầm sang bệnh khác
 Cháu Nguyễn Minh Phương, 4 tuổi, TP Vinh, Nghệ An bị sốt, đau bụng. Gia đình đưa cháu đi khám tại bác sĩ tư, sau 7 ngày vẫn không thuyên giảm. Cháu được đưa đến bệnh viện mới phát hiện cháu mắc căn bệnh Kawasaki. Bệnh thường khởi phát cấp tính với triệu chứng sốt cao, mắt đỏ, bong rộp ở miệng, bong da ở đầu ngón tay, chân, nổi hạch ở cổ.

 Tuy nhiên do là căn bệnh mới nên người dân dễ nhầm với căn bệnh khác. Bệnh có nguy cơ gây tổn thương mạch vành do phình mạch và huyết khối. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt cao liên tục (trên 5 ngày) và tình trạng sốt không khỏi ngay cả khi điều trị bằng những thuốc hạ sốt thông thường. Sau khi sốt, triệu chứng thường thấy ở trẻ là mắt bị đỏ do xung huyết võng mạc và viêm kết mạc mắt 2 bên, vì thế trẻ thường nhắm mắt do sợ ánh sáng. Với triệu chứng này, cha mẹ thường nhầm lẫn với bệnh đỏ mắt thông thường.

 Do đây là hội chứng sốt cấp tính kéo dài nên nhiều người thường không phân biệt được với bệnh sốt xuất huyết. Ở giai đoạn cấp, ngoài những triệu chứng trên đôi khi còn kèm theo những triệu chứng như ói, tiêu chảy, quấy khóc, không chịu ngủ hay co giật. Hiện nay nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định nhưng Kawasaki được xem là một bệnh nguy hiểm vì thường gây biến chứng giãn mạch vành và nếu không điều trị có thể sẽ dẫn đến tử vong vào ngày thứ 7 sau khi mắc bệnh.

Cần được phát hiện sớm
 Đa số các trẻ mắc bệnh này được đưa đến bệnh viện muộn sau khi đã điều trị thuốc hạ sốt mà trẻ không khỏi. Vì vậy, đã có đến 91,7% trẻ mắc bệnh Kawasaki bị giãn mạch vạch. Vì vậy điều quan trọng là phát hiện bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện sớm, vì nếu được điều trị trong vòng 10 ngày kể từ khi trẻ mắc bệnh Kawasaki thì mới có thể ngừa được các biến chứng ở tim. Sau 10 ngày thì hiệu quả ngăn ngừa biến chứng sẽ giảm xuống. Nếu bệnh đáp ứng tốt điều trị, thì khoảng 48 giờ sau điều trị, bệnh sẽ lui dần, trẻ hết sốt và có thể về nhà.

 Theo PGS.TS Phạm Ngọc Đính, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Việc điều trị bằng kháng sinh có vẻ ít tác dụng, tuy nhiên trong vòng 10 ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt, có thể dùng liều cao gamma globulin tiêm đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp với liều duy nhất có khả năng hạ sốt, giảm viêm và giảm hiện tượng phình mạch. Song, hướng điều trị này cần được cân nhắc bổ sung theo hướng chống viêm, giảm tự miễn nếu triệu chứng sốt kéo dài trên 10 ngày. Có thể xem xét dùng aspirin liều cao điều trị trong giai đoạn cấp, sau đó áp dụng liều thấp dần trong vòng 2 tháng.

 Tuy nhiên, thuốc gama globulin là loại thuốc có giá thành tương đối cao, thông thường bình quân cứ 1 kg trọng lượng cơ thể thì chi phí chỉ riêng cho gamma globulin là 1 triệu đồng (trẻ 10 kg thì 10 triệu, 20 kg thì tiền thuốc gamma globulin là 20 triệu đồng). Mục đích của việc sử dụng gamma globulin là để ngăn chặn bệnh gây biến chứng lên tim mạch cho trẻ.

 Mai Hà 27/06/2011

Bài viết cùng chủ đề

  • Không có bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics