1919  19

Để ngành dược làm chủ “sân nhà”

TS. Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, công nghiệp dược Việt Nam bên cạnh những khó khăn vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để đạt được tốc độ tăng trưởng những năm tiếp theo.

Công nghệ bào chế thuốc tăng trưởng

Tại Hội thảo hợp tác Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về đẩy mạnh sản xuất dược phẩm tại Việt Nam mới đây, TS. Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, các doanh nghiệp trong nước hiện đang tích cực đẩy mạnh đầu tư sản xuất sản phẩm thay vì chỉ nhập từ nước ngoài.
Cũng theo TS. Minh Quang, phần lớn người dân Việt Nam tập trung ở nông thôn, mức sống thấp nên có nhu cầu cao các loại thuốc giá rẻ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dược mở rộng thị trường. "Việt Nam đã có công nghiệp dược nội địa, nhưng đa phần phải nhập khẩu nguyên liệu. Xét một cách khách quan thì công nghiệp dược Việt Nam vẫn ở mức phát triển trung bình – thấp",  TS. Cao Minh Quang cho biết.
 

Dù tăng trưởng đều đặn nhưng sản xuất dược vẫn chưa làm chủ "sân nhà". Ảnh: TL

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp không ngừng đầu tư, cải tiến và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất thuốc trong nước. Thuốc sản xuất trong nước có thể phủ được 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của WHO, đáp ứng 234/314 hoạt chất trong Danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sản xuất các nhóm thuốc đang tăng tỷ lệ sử dụng như tim mạch, tiểu đường, thần kinh, nội tiết… Trong giai đoạn 2001- 2010, công nghiệp bào chế thuốc trong nước đã liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Trị giá thuốc sản xuất trong nước ngày càng tăng, đảm bảo khoảng 50% lượng thuốc tiêu thụ, cho dù gần 90% nguyên liệu hóa- dược phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Chưa tận dụng hết năng lực sản xuất
 
Năm 2010, giá trị sản xuất dược phẩm trong nước đạt khoảng 919 triệu USD, tăng 10,57% so với năm 2009, đáp ứng 48% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước.

Tiền thuốc bình quân đầu người trong năm 2010 đạt 22,25 USD/người, tăng 2,48 USD so với năm 2009 và tăng 16,85 USD so với năm 2000.

Hiện cả nước có 100 doanh nghiệp sản xuất tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất đông dược, 5 doanh nghiệp sản xuất vaccine, sinh phẩm y tế.

Công nghiệp dược hiện nay chủ yếu vẫn là bào chế các loại thuốc. Tuy nhiên, công nghiệp bào chế thuốc thành phẩm vẫn chỉ ở độ trung bình. Việt Nam là nước có nền y dược cổ truyền lâu đời và nguồn dược liệu phong phú nhưng số chế phẩm từ dược liệu được sản xuất ở quy mô công nghiệp thực sự có giá trị phòng, chữa bệnh cao hoặc có thể xuất khẩu vẫn rất ít.

DS. Nguyễn Quý Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất – Kinh doanh Dược Việt Nam cho biết, nhiều nhà máy mới vận hành được một phần công suất, năng lực sản xuất nhiều dây chuyền còn chưa tận dụng hết. Vấn đề là cần giải pháp nào để tăng sử dụng thuốc sản xuất trong nước của thầy thuốc và bệnh nhân. Khi thầy thuốc kê đơn nhiều, bệnh nhân dùng nhiều thì tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước sẽ tăng.

DS Nguyễn Quý Sơn cũng cho rằng, các doanh nghiệp dược đều có xuất phát điểm quá thấp, nhất là về vốn đầu tư. Những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất cũng chỉ khoảng 300- 400 tỷ đồng (khoảng 15- 20 triệu USD). Hầu hết doanh nghiệp có vốn từ 20-100 tỷ đồng, trong khi đó việc tiếp cận vốn đầu tư và vốn kinh doanh lại khó khăn.

Một số khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ chi phí dành cho nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp dược không quá 1% doanh thu do giới hạn trong việc tăng giá thuốc. Nếu tăng giá thuốc để bù đắp cho chi phí nghiên cứu phát triển cũng không hề dễ dàng do phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dược Việt Nam chưa tiếp cận được các chương trình cung ứng thuốc của các tổ chức quốc tế cung cấp cho toàn cầu như thuốc phòng chống HIV, thuốc điều trị sốt rét, thuốc phòng tránh lao, thuốc cho trẻ em, phụ nữ…
TS Cao Minh Quang cho bết thêm, nguồn dược liệu trong nước chưa ổn định vì nguồn trồng vẫn mang tính tự phát. Do đó, dược liệu nhập khẩu chiếm khoảng 85-90% (chủ yếu từ Trung Quốc). Ngoài ra, hiện có 5 đơn vị tham gia sản xuất vaccine sinh phẩm y tế nhưng mới chỉ sản xuất được 2 loại vaccine đáp ứng 100% nhu cầu;  7 loại vaccine khác chỉ đáp ứng 40-60% nhu cầu. Trong khi đó, nguồn nhập khẩu vaccine sinh phẩm chiếm tỷ trọng lớn với doanh số nhập khẩu là 59 triệu USD (năm 2010).
 
Quảng Hà 27/06/2011

Bài viết cùng chủ đề

  • Không có bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics