1919  19

Thuốc kém chất lượng: Chế tài chưa rõ ràng, người bệnh lĩnh đủ!

Trong thời gian gần đây, Cục Quản lý Dược liên tiếp phát văn bản thông báo đình chỉ và thu hồi các mặt hàng thuốc tân dược nhập khẩu kém chất lượng. Tuy nhiên, phần nhiều thuốc có tác dụng phụ, thuốc có hóa chất cấm đã vào… dạ dày của người bệnh.

 

Người bệnh khổ vì bệnh tật nay thêm nỗi lo chất lượng thuốc

 
“Nhẹ nhàng” đề nghị thu hồi

Vụ việc xảy ra mới đây nhất trong công văn ngày 13/6, Cục Quản lý dược đã có công văn gửi đến các sở y tế địa phương và các cơ quan kiểm nghiệm… với nội dung: Cục Quản lý dược nhận được thông tin các cơ quan quản lý dược ở Đài Loan, Hồng Kông đã yêu cầu Cty GlaxoSmithKline (GSK) tiến hành thu hồi thuốc kháng sinh Augmentin dạng bột pha siro loại hàm lượng 457mg/5ml sản xuất tại Anh và loại hàm lượng 156mg/5ml sản xuất tại Pháp do nhiễm chất dẻo DIDP và DINP.
Cục Quản lý dược yêu cầu các cơ quan trên phải thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị kinh doanh dược phẩm trên địa bàn biết thông tin liên quan đến loại thuốc Augmentin nêu trên. Yêu cầu Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương và TPHCM lấy mẫu các sản phẩm thuốc Augmentin, dạng bột pha hỗn dịch/siro khác đang lưu hành trên thị trường để kiểm nghiệm xác định nồng độ DIDP và DINP…

Trên thị trường VN, loại thuốc kháng sinh Augmetin được xem là thuốc quen thuộc và luôn được các BS kê đơn khi trẻ mắc các bệnh viêm nhiễm về hô hấp, tiêu hóa… Điều đáng báo động là loại thuốc Augmentin dạng bột pha siro loại hàm lượng 457mg/5ml sản xuất tại Anh và loại hàm lượng 156mg/5ml sản xuất tại Pháp do nhiễm chất dẻo DIDP và DINP đã từng được cấp phép, lưu hành trên thị trường VN.

Trước đó, ngày 11/6, Cục Quản lý Dược có văn bản gửi Sở Y tế Bến Tre, TPHCM và Quảng Ngãi thông báo đình chỉ lưu hành thuốc viên Captopril 25mg, lô số 911601, ngày sản xuất 20.4.2009, hạn dùng 19.4.2012, số đăng ký: VN-1748- 06 do Cty Hankook Kours Phamr. Co.Ltd., Korea sản xuất, Cty cổ phần dược phẩm Bến Tre nhập khẩu, Cty TNHH thương mại dược phẩm Phú Thành ủy thác nhập khẩu. Thuốc viên Captopril 25mg chỉ định dùng cho người bệnh huyết áp cao, suy tim. Thuốc bị đình chỉ do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng. Cục Quản lý dược cũng yêu cầu nhà nhập khẩu và nhà cung cấp phải khẩn trương thu hồi lô thuốc này và báo cáo về cục.

Trước đó, thuốc R-Tist trị viêm xoang, viêm họng do Cty Lupin của Ấn Độ sản xuất và thuốc điều trị nhiễm khuẩn hô hấp In. Ciprofloxacin 500mg có hạn dùng đến tháng 8/2012, do Cty Intermedic company Limited của Hàn Quốc sản xuất đã bị Cục Quản lý dược Việt Nam đình chỉ. Vậy nhưng, sau khi bị đình chỉ gần 30 ngày, hai loại thuốc này mới được đơn vị phân phối thu về chưa được phân nửa…

Tà tà thu hồi… để đỡ mất chi phí tiêu huỷ

Một thực tế cần phải nhìn nhận, mỗi năm, lượng thuốc kém chất lượng tung ra thị trường được Cục Quản lý dược yêu cầu thu hồi tiêu hủy tăng lên. Từ năm 2008 đến 2009 có gần 200 lô thuốc; năm 2010 có hơn 900 loại thuốc bị thu hồi. Nhưng trên thực tế việc thu hồi với số lượng bao nhiêu thì không thấy ai công bố cụ thể và ai dám đảm bảo thuốc đề nghị thu hồi hoàn toàn vắng bóng trên thị trường.

Theo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc tại TPHCM, ở TPHCM thông thường, từ khi lấy mẫu đến lúc có kết quả kiểm nghiệm thuốc đã mất 3-7 ngày; từ khi trình kết quả lên sở y tế cho đến khi sở có quyết định đình chỉ lưu hành thuốc khoảng 15 ngày. Sau đó, mẫu kiểm nghiệm và công văn được gửi ra Cục Quản lý dược, mất chừng 15 ngày. Vậy nên có khi phải mất 1 tháng nữa cơ quan chức năng mới có thông báo đình chỉ lưu hành thuốc. Cụ thể: Sau khi có kết quả kiểm nghiệm thuốc không đảm bảo chất lượng, Cục Quản lý dược yêu cầu cơ sở sản xuất, nhà phân phối phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở buôn bán hoặc sử dụng thuốc, đồng thời thu hồi toàn bộ lô thuốc kém chất lượng…

Một chủ nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, cho biết, tháng nào nhà thuốc cũng nhận được thông tin thuốc thu hồi và đề nghị thu hồi, tuy nhiên, thông tin trên cũng chỉ để tham khảo chứ thuốc đã bán cho người dân rồi thì biết tìm họ ở đâu để thu hồi. Hơn nữa, việc thu hồi thuốc phải do Cty phân phối thuốc thực hiện chứ nhà thuốc thì lấy quyền hành gì mà thu hồi… Lâu nay, các loại thuốc đề nghị thu hồi nếu có nhà thuốc nào tiếp tục bán thì cũng chẳng sao vì chẳng thấy bóng dáng cơ quan nào đến kiểm tra về vấn đề này.

Còn các Cty dược “lỡ” nhập khẩu thuốc không đạt chất lượng thì chỉ thấy thông báo thu hồi chứ không có chế tài gì răn đe nên cứ tà tà thu hồi. Thậm chí việc thu hồi kéo dài trong nhiều tháng nên đến lúc báo cáo thì đã không còn một viên. “Nhiều Cty vi phạm tranh thủ tẩu tán thuốc để khỏi mất công thu hồi và tốn kinh phí tiêu hủy” – một trình dược viên tiết lộ.

Việc thu hồi sẽ có tác dụng nếu cơ quan quản lý quy định thời gian rõ ràng và việc nhập khẩu thuốc kém chất lượng phải có chế tài nghiêm minh nếu không thì mỗi năm hàng ngàn loại thuốc kém chất lượng lại tiếp tục đổ vào VN và lúc này chỉ có người bệnh là người cuối cùng hứng chịu cảnh “tiền mất tật mang”.

Theo Võ Tuấn

Lao động 27/06/2011

Bài viết cùng chủ đề

  • Không có bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics