1919  19

Phát hiện nhiều mỹ phẩm, hàng tiêu dùng bị làm giả: Bao nhiêu người tiêu dùng đã bị “hành xác”?


Chỉ trong một thời gian ngắn, qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố sản xuất hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản…, hàng ngoại nhập lậu. Điều nguy hiểm ở chỗ, các mặt hàng làm giả này liên quan trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.

 Trong số những mỹ phẩm này, rất khó phân biệt hàng thật, hàng nhái. Và đã có bao nhiêu người sử dụng sản phẩm rởm nguy hại cho sức khỏe? Ảnh: MH

Người tiêu dùng tiếp tay cho hàng giả phát triển

Ngày 16/6, tại khu dân cư Phong Phú, huyện Bình Chánh, kiểm tra các cơ sở sản xuất mỹ phẩm đã tạm giữ 4.687 vỏ chai sữa tắm giả xuất xứ Malaysia, Thái Lan và số lượng lớn vỏ chai khác mang các nhãn hiệu sữa tắm nổi tiếng; còn ở ấp 2, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn phát hiện một sơ sở đang đóng gói các sản phẩm trên bao bì ghi “Made in Japan”… Ngoài ra, ở các địa bàn thuộc quận 5, 10, Tân Bình, Gò Vấp, Củ Chi…, QLTT đã tạm giữ số lượng lớn các sản phẩm, hàng hóa thiết bị điện tử, rượu bia, thuốc lá, quần áo, giày dép, mỹ phẩm… không có hóa đơn chứng từ và nguồn gốc.

Đây không phải lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện, thời điểm cuối năm 2010, đầu năm 2011, lực lượng QLTT TP.HCM đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ sản xuất, buôn lậu mỹ phẩm giả, không nguồn gốc. Điển hình là vụ phát hiện tại số nhà 114/10 đường Yên Thế trữ nhiều dầu gội, sữa tắm, nước hoa, son, phấn… và sữa hộp không có hóa đơn chứng từ. Tại quận 12, Đội QLTT 12B kiểm tra, phát hiện số nhà 490/12/7 Hà Huy Tập (quận 12) chứa nhiều hàng giả mạo các nhãn hiệu Comfort, Rejoice, Clear, Xmen… Tiếp đó, Đội QLTT Bình Tân kiểm tra Công ty Mỹ phẩm Hoa Sen (phường Bình Trị Đông, Bình Tân) đã phát hiện nhiều loại mỹ phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng nhằm đánh lừa người sử dụng.

Điều nguy hại là trong khi công tác chống hàng giả, hàng nhái vô cùng gian nan thì người tiêu dùng lại… vô tư tiếp tay cho các mặt hàng này phát triển! Đa phần người sử dụng đều hiểu chất lượng hàng giả, hàng nhái không thể bằng hàng thật, tuy nhiên, họ vẫn lựa chọn bởi khó cưỡng lại được sức hút của giá rẻ và mẫu mã đẹp. Tại nhiều nơi như các trung tâm thương mại, cửa khẩu, nhiều mặt hàng mỹ phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng được bán công khai và giá thành chỉ bằng một nửa mà vẫn có nhiều người mua, sử dụng.

 Cơ quan chức năng thu giữ hàng mỹ phẩm lậu tại TP.HCM.

Tổn thương do hoá chất rất khó điều trị

Liên quan đến việc sử dụng mỹ phẩm giả, không nguồn gốc và ảnh hưởng của các loại hoá chất chứa trong các loại mỹ phẩm, sữa tắm giả đến sức khoẻ người sử dụng, trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS, BSCKII. Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Da liễu TW khẳng định, trước hết, các mặt hàng làm giả đều gây hại tới người sử dụng. Điều này càng nguy hiểm đối với mặt hàng mỹ phẩm, sữa tắm… bởi những loại sản phẩm này gây nguy hại trực tiếp cho những người có cơ địa dị ứng. Ngay cả những người có cơ địa khỏe mạnh, khi tiếp xúc liên tục với những loại hoá chất lạ trong những dòng mỹ phẩm giả đều gây tổn thương và mắc các loại bệnh về da ở những vùng da tiếp xúc với hoá chất, mỹ phẩm. Thông thường, những vùng da tiếp xúc có biểu hiện của bệnh viêm da dị ứng, viêm da kích ứng, á sừng long bàn chân, bàn tay… Cũng theo BSCKII. Nguyễn Thành, khi bị những tổn thương do hoá chất gây ra thì việc điều trị sẽ kéo dài và rất khó khăn nếu những người bệnh đó vẫn tiếp xúc với hoá chất. Ông cũng cho biết, những loại mỹ phẩm làm giả nhãn mác, thương hiệu, mỹ phẩm không nhãn mác vẫn quảng cáo có tác dụng tẩy mạnh thì đều có nồng độ sút cao, khả năng phá hủy, làm khô da, sạm da là rất lớn đối với người sử dụng. Đặc biệt, những loại hoá chất bề mặt có trong những loại mỹ phẩm, sữa tắm giả nếu không được rửa sạch, vẫn còn lưu bám lại ở các dụng cụ như khăn tắm, đồ đựng thì vẫn có khả năng gây dị ứng cho người dùng.

ĐỖ NGỌC – VĂN HẬU 22/01/2011

Bài viết cùng chủ đề

  • Không có bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics