Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0935.15.14.17 | |
Hotline: 0903.423.691 | |
Mr.Dung | |
Mr.Toanh |
Thông tin cần biết
Đối tác
Cùng con “vượt dốc”
“Tôi muốn điên cái đầu với thằng con tôi. Năm nay cháu 13 tuổi. Mới trước đó 2-3 năm, cháu vẫn còn rất ngoan, hiền, dễ bảo, rất tình cảm với mẹ. Vậy sao bây giờ đổi khác thế: bướng, lì, nóng, quậy…”. Ấy là những phàn nàn rất thường trực của các bậc phụ huynh về con mình với các chuyên gia tâm lý.
Có thể nói vấn đề giáo dục trẻ, tuổi dậy thì đang là điều rất nổi cộm trong nhiều gia đình ở nước ta hiện nay, chiếm phần lớn các ca tư vấn tâm lý, chỉ sau ngoại tình và stress.
Vì sao nên nỗi?
Bước vào tuổi dậy thì – với cả em nam và nữ, thường khoảng từ 12, 13 tuổi, đây thực sự là một giai đoạn rất đặc biệt, rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. Các em lớn nhanh, “trổ mã” rõ rệt từng tuần, từng tháng: cao, to, vỡ tiếng, cơ thể thay đổi (mọc lông, có kinh nguyệt…). Sự thay đổi của vóc dáng bên ngoài song song và kéo theo sự thay đổi về tâm lý: lóng ngóng, vụng về, e thẹn. Muốn tìm hiểu, khám phá, học hỏi thế giới xung quanh và bản thân nhưng lại thiếu kiên nhẫn, hay ngộ nhận thành ra luôn nóng nảy, lì, bướng và vô tình hay cố ý xem đó như là cách để khẳng định mình. Các em ở vào cái cảnh gọi là dở dở, ương ương: không còn hẳn bé như lúc lên 5, lên 7 để hiền ngoan dễ tin, dễ nghe lời, chịu sự áp đặt một chiều của cha mẹ, cũng lại chưa đủ lớn như người đã trưởng thành để có sự chín chắn, chững chạc, chưa có sự trải nghiệm để hiểu đời, còn hạn chế, lệch lạc nhiều trong nhận thức, nên rất dễ ảo tưởng, chủ quan… Mặt khác, điều kiện sống ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với trước: đầy đủ, tiện nghi, gấp gáp hơn nhưng cũng nhiều cạm bẫy, thách thức hơn. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ làm giới trẻ tiếp thu rất nhanh nhưng các bậc cha mẹ thì ngược lại. Có rất nhiều những quan niệm, giá trị đã thay đổi theo thời cuộc và trở nên lạc hậu mà cha mẹ vẫn đem ra áp đặt… Vì thế, tất cả những điều này đã tạo nên những khoảng cách, sự khác biệt giữa cha mẹ, con cái, thành ra không hiểu nhau, gây lên xung đột mà sự tổn thương nhiều khi cả hai phía cùng lãnh đủ.
Chờ “rằm” để “tròn trăng”?
Tục ngữ đã nói: “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Quá trình hình thành nhân cách của trẻ phải trải qua nhiều năm tháng mới hoàn thiện và trong quá trình đó không sao tránh khỏi sự lầm lỡ, lệch lạc ít nhiều, nhưng về cơ bản thì rồi đâu cũng vào đó như trăng đến rằm sẽ tròn. Song nói như thế cũng không có nghĩa chúng ta cứ chủ quan, bỏ mặc con em mình tự thân vận động và rồi nghiễm nhiên đến tuổi trưởng thành là đều… “OK” hết. Nhất là với một thực trạng xã hội luôn đầy rẫy những điều nguy hiểm, những cạm bẫy luôn rình rập như hiện nay thì chỉ ngơ đi vài ngày, vài tuần là dễ “mất con” như chơi.
Nói như thế để các bậc cha mẹ cũng đừng quá nôn nóng, sốt ruột, thất vọng khi con cái có những biểu hiện không vâng lời, kết quả học tập, làm việc vẫn chưa được như ý mẹ cha. Phải cố gắng hiểu các em. Hiểu cả cái khó hơn của trẻ thời nay so với thời xưa: dù được ăn, mặc đầy đủ hơn nhưng áp lực học hành, sự phân tâm, rối nhiễu của các tác động xã hội cũng nhiều hơn… Để khi cùng con học, chơi, dạy dỗ con, cha mẹ phải đứng vào vị trí của con mà xem xét mới thấu đáo và hiệu quả. Tuyệt đối đừng áp đặt chủ quan, duy ý chí; đừng so sánh một cách máy móc, khập khiễng giữa con với thời mình, với con nhà khác, để con càng thấy bị tự ái, ức chế. Làm cha mẹ thời nay chắc chắn cũng có cái khó hơn thời xưa. Có nhiều khi, sự cứng rắn, lý luận dài dòng với con lại không hiệu quả bằng một lời khen, sự xuống nước “giả vờ thua” của cha mẹ. Trẻ em cũng như người lớn, ai chẳng ưa dịu dàng, mát ngọt. Trước khi định chê con, hãy cứ khen chúng trước đã, như: “Thông minh như con mà sao lại có chỗ sai sót hơi lạ thế này”; “con ngoan, con thương mẹ lắm mà, làm vậy ngỡ mẹ buồn thì sao?”… Đừng để con cái có suy nghĩ: cha mẹ thì lúc nào cũng “có quyền đúng”, không biết xin lỗi con bao giờ. Dù là đứa bé 3 tuổi thôi, nếu sai, cha mẹ cũng phải nhận và sửa, huống chi với trẻ tuổi teen, chúng luôn rất nhạy cảm và phán xét khá tinh tường. Chúng luôn coi cha mẹ như tấm gương phản chiếu vì thế cách giáo dục hiệu quả nhất là ngay từ bản thân cha mẹ. Hãy luôn tạo sự bình đẳng, dân chủ trong gia đình để các con thấy mình được tin cậy và tôn trọng. Lại luôn phải thật kiên trì, bình tĩnh, nhũn nhặn khi đối thoại, kể cả khi phạt tội con.
Xin đừng nản lòng
Thường trực một tâm trạng khi các bậc phụ huynh cầu cứu đến nhà tư vấn là họ đều bảo: họ mệt, nản lắm rồi; muốn buông xuôi, bỏ mặc vì nói mãi, thậm chí đánh đòn rất đau mà chỉ được vài hôm là đâu lại vào đấy… Mong các phụ huynhnhớ rằng: đó là lứa tuổi mà các nhà khoa học giáo dục gọi là “tuổi vượt dốc”. Không còn ở “chân dốc” như khi bé, hay đã “qua đỉnh”, như “cá vượt vũ môn” và đã “hóa rồng” khi trưởng thành. Các em tuổi dậy thì đang “khó nhọc” để ì ạch, leo “con dốc” của cuộc đời. Vậy thì làm cha mẹ sao lại không luôn “kè kè” bên con để hỗ trợ, như … chiến sĩ Điện Biên “hò kéo pháo” năm xưa(!). Hơn nữa, nuôi dạy con là việc cả đời, “trăm năm trồng người” mà mới chỉ qua… vài mươi lần nhắc nhở, bảo ban, trăn trở vì con chưa ngoan, cũng chẳng nên xem là đã nhiều mà buông tay chịu nhụt…
Cuối cùng, đây là một ví dụ thành công về việc “thôi đừng bất lực”. Bà mẹ nói với chuyên gia về đứa con ưa lang thang đàn đúm theo bạn bè trốn học: “Tôi đã bảo nó, “thà mẹ đẻ ra đứa bị què cụt, tật nguyền còn hạnh phúc hơn con”. Hay đem nó vào rừng thả cho mất dạng rồi mình lẻn về…”. Bà không hay đứa bé chỉ là con “hổ giấy”. Nó còn biết bắt chước mẹ niệm Phật, lạy như tế sao khi đua đòi theo bạn bị công an quây bắt. Bà mẹ đã thay đổi thái độ ứng xử, xin lỗi con mình về những lời không phải và cậu bé giờ đã là một thanh niên rất ưu tú. Thế đấy! Hãy cùng con “vượt dốc” kiên trì, thành công sẽ chẳng bao giờ phụ!
Chuyên viên tâm lý NGUYỄN THỊ KIM BẮC