Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0935.15.14.17 | |
Hotline: 0903.423.691 | |
Mr.Dung | |
Mr.Toanh |
Thông tin cần biết
Đối tác
Bao giờ thoát cảnh “đứng nhìn” thuốc ngoại làm giá?
Bệnh viện không mặn mà với thuốc Việt, BS ngại kê toa thuốc nội, người tiêu dùng sợ thuốc nội lâu khỏi… chính là nguyên nhân khiến thuốc nội chưa đến được tay người bệnh.
Bao giờ thuốc nội có chỗ đứng trong nước?
Theo Sở Y tế TPHCM, tỉ lệ thuốc nội trong BV đang tăng lên; tuy nhiên, nhiều BV chuyên khoa, tỉ lệ thuốc nội chỉ vỏn vẹn 5%.
Nằng nặc xin kê cho toa thuốc ngoại!
Tại khoa Khám bệnh của BV Nhi Đồng 1, 2, các BS kể lại, nhiều phụ huynh đưa con đến khám nằng nặc yêu cầu kê toa cho thuốc ngoại để uống… mau khỏi. Thậm chí, thuốc được phát theo quy định của BHYT, nhiều phụ huynh cũng không quan tâm đến lấy. Từ các loại kháng sinh cho đến men tiêu hóa, dung dịch xịt mũi cũng chọn hàng ngoại nhập. Chẳng hạn, men vi sinh thay vì các cơ sở sản xuất trong nước có chục loại nhưng nhiều BS cứ kê các loại men của Pháp, Hàn Quốc vào trong toa có giá gấp 2-3 lần để uống kèm với kháng sinh.
Thay vì khuyến khích dùng dung dịch nước muối dùng vệ sinh mũi có giá 2.000 đồng/lọ thì họ lại khuyên dùng thuốc xịt ngoại có giá từ 70.000 – 80.000 đồng/lọ.
BS Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp của BV Nhi Đồng 2, cho biết, nhiều lúc phát thuốc nội, gia đình bệnh nhân lấy về bỏ lăn lóc và cầm toa đi mua thuốc ngoại có công thức tương đương. Mặc dù các BS đã giải thích, các loại thuốc nội đã được BV cho bệnh nhân dùng nhiều năm nay có hiệu quả và không nhất thiết dùng thuốc ngoại, nhưng gia đình bệnh nhân vẫn không tin.
Đua nhau sản xuất thuốc phổ thông, bỏ ngỏ thuốc đặc trị
Tính đến nay, VN đã có 101 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP – WHO, trong đó TPHCM có 22 nhà máy; tuy nhiên, nhiều loại thuốc nội vẫn đứng… ngoài luồng của BV. Điều đáng nói, hàng chục loại thuốc ngoại đã bị Cục Quản lý dược phát hiện không đảm bảo chất lượng và rút số đăng ký, thu hồi trong thời gian gần đây vẫn không làm BS hay người bệnh thay đổi thói quen. Câu hỏi được đặt ra: Có phải thuốc nội kém chất lượng? Và nếu thực sự thuốc cấp cho bệnh nhân không có hiệu quả điều trị, sao BV vẫn cho phép trúng thầu và cấp cho bệnh nhân vô tội vạ để rồi gây lãng phí?
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, thuốc trong nước chưa thuyết phục được các BS do những nhược điểm đã trở thành định kiến: Đa số DN chỉ chú trọng thuốc thông thường cả hoạt chất lẫn dạng bào chế, sự đầu tư trùng lặp. Chiến lược marketing còn yếu, không cạnh tranh nổi với thuốc ngoại và đành an phận.
Theo Sở Y tế TPHCM, tổng giá trị tiền thuốc của các BV trên địa bàn TPHCM chiếm khoảng 20% tổng lượng của cả nước. So với tổng chi phí của BV, tiền thuốc chiếm một tỉ lệ rất lớn (từ 60-70%). Chi phí cho thuốc quá cao có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân: Sự lạm dụng trong kê đơn điều trị về chủng loại, số lượng thuốc cũng như tâm lý sùng bái các loại thuốc đắt tiền.
Trên thực tế những năm gần đây, sở đã ghi nhận thấy việc kê đơn điều trị đã có nhiều biến chuyển theo xu hướng tích cực, dần dần đã có sự tin tưởng đối với thuốc trong nước với khoảng 50% tổng chi phí tiền thuốc là thuốc sản xuất trong nước; tỉ lệ này đang tăng dần từng năm. Đặc biệt, các BV quận, huyện, đa số trên 50%, một số BV làm rất tốt, đạt 70-95%. Đối với các BV tuyến thành phố, các BV đa khoa, tỉ lệ này thấp hơn. Đa số các BV đạt mức 30-40%, đi vào các BV chuyên khoa, tỉ lệ này thay đổi rõ rệt từ cao ở mức 30-40% cho đến thấp đặc biệt – chỉ khoảng 5% ở BV Mắt, BV Tim và BV Ung bướu TPHCM.
Lãnh đạo nhiều DN dược phẩm trong nước cũng thừa nhận hiện rất khó xoay chuyển ý thức của các BS điều trị. Theo bà Lan, các DN dược cần phải chứng minh thuốc sản xuất trong nước tương đương về chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là tương đương về mặt sinh học cũng như tác dụng điều trị so với thuốc ngoại nhập. Có vậy, BS mới tin mà kê đơn! Về quản lý vĩ mô, nếu hoạt chất nào trong nước sản xuất được thuốc, thậm chí sản xuất được nhiều rồi thì nên hạn chế những thuốc ngoại nhập có hoạt chất tương tự.
Theo Dan Tri 19-05-2011