Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0935.15.14.17 | |
Hotline: 0903.423.691 | |
Mr.Dung | |
Mr.Toanh |
Thông tin cần biết
Đối tác
Mục sở thị cảnh nuôi trẻ sinh non trong lồng ấp
– Với những đứa trẻ sinh non, da mỏng hơn tờ giấy, thấy rõ cả mạch máu, thậm chí cả ruột của bé, thì các thiết bị chăm sóc và thuốc men hỗ trợ phải hết sức hiện đại, tinh khiết và chỉ dành riêng cho trẻ sinh non.
Trên thế giới, kỹ thuật để cứu sống trẻ sinh non đã phát triển nhanh chóng, nhất là ở Anh, Mỹ, Nhật. Những đứa trẻ nặng trên dưới 300g đã sống sót như một kỳ tích vì mỗi bé sinh non đều phải đối mặt với rất nhiều bệnh tật ngay tại thời điểm sinh ra, vì rất nhiều cơ quan trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, đi kèm với nó là cả một hệ thống máy móc, thuốc men hỗ trợ cực kỳ tân tiến, hiện đại.
Đối mặt với hàng tá bệnh của trẻ sinh non
Tuổi thai là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá các chức năng của đứa bé hoàn chỉnh đến mức nào. Ở tuần tuổi nào đó, phổi có thể tự thở được, tim có thể tự bóp, hệ tiêu hóa tự hấp thu hay thận có thể bài tiết các chất độc…
Phải rất khó khăn các bác sĩ mới có thể đưa kim tiêm vào người bé sinh non.
Qua thực tế nuôi dưỡng, những đứa bé từ tuần thứ 22, nặng trên dưới 300g, các bác sĩ ở các nước phát triển đã có thể cứu được. Còn ở Việt Nam, theo BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ có thể cứu được những đứa bé từ tuần thứ 24 trở đi.
Tuy nhiên, do sự phát triển chưa hoàn thiện của cơ thể nên các bác sĩ phải có chiến lược phòng ngừa các biến chứng thường gặp đối với trẻ sinh cực non. BS Dũng cho biết: “Biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết não. Do đó cần phải ngăn ngừa biến chứng này. Trong 7 ngày đầu, tỉ lệ tử vong là rất cao, do đó cần có sự theo dõi sát sao với các máy đo nhịp tim, nhịp thở… Biến chứng thứ hai là mù mắt. Trẻ đẻ quá non mắt dễ bị bệnh võng mạc ROP. Biến chứng thứ 3 cần đề phòng là bệnh phổi mãn tính. Cần phải chữa trị triệt để để khi ra viện trẻ không phải kè kè bình ô xy bên người”.
Y tá kiểm tra sức khỏe của bé
Đối với bệnh võng mạc trẻ đẻ non, nếu có thiết bị mổ laser và tiêm Avastin nội nhãn, căn bệnh hoàn toàn có thể bị đẩy lùi và trẻ sẽ tránh được mù lòa. Bên cạnh đó, có những trẻ có thể tự khỏi căn bệnh này mà không phải dùng tới thuốc men.
Ngoài ra, với trẻ sinh non, BS Nguyễn Thanh Hà, trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương còn chỉ ra nhiều bệnh có thể đi kèm như teo rò khí thực quản, thoát vị hoành, tắc ruột, viêm phúc mạc, thủng ruột… Tuy nhiên, nếu chẩn đoán sớm từ trong bụng mẹ hoặc được phát hiện sớm ngay sau đẻ, các bác sĩ đều có phương án điều trị phù hợp để khi trẻ xuất viện, có thể sống khỏe mạnh như những trẻ em khác.
Mục sở thị những thiết bị cứu sống trẻ sinh non
Song, để cứu 1 em bé đẻ non cần điều kiện gì? Thiết bị nào và tốn kém ra sao? Không phải điều này ai cũng biết.
Một trẻ sinh non luôn có nhiều máy móc giám sát theo dõi nhịp tim, nhịp thở, độ ẩm…
“Thiết bị đầu tiên phải kể đến là một lồng ấp cực kỳ hiện đại. Lồng ấp này được thiết kế giống như môi trường trong dạ con bà mẹ, phải điều khiển được nhiệt độ và độ ẩm theo tuổi thai, được tính bằng ngày của em bé. Môi trường đó phải để em bé không nóng không lạnh. Ở tuần tuổi này, da em bé mỏng như tờ giấy, nhiều em thấy cả ruột phía trong, mạch máu chạy dưới da loằng ngoằng. Nếu độ ẩm không làm tốt, để da bé bay hơi đã là nguy hiểm rồi. Nếu các bạn nhìn thấy lồng ấp này sẽ thấy khói mù mịt như sương mù” – BS Dũng mô tả.
Hiện nay giá mỗi lồng ấp này là 290 triệu đồng và mỗi trẻ đẻ non phải ở trong đó tầm 2 đến 3 tháng là bình thường, có bé 5 – 6 tháng nằm trong đó.
Một bé sinh non và một bé sinh thường đang chữa bệnh vàng da.
Những đứa bé sinh non thường phổi kém vì chưa hoàn chỉnh, dễ xẹp. Do đó, các bác sĩ phải thăm khám, nếu em bé nào phổi chưa nở lại phải làm phổi nở ra, bằng cách bơm 1 thuốc làm nở phổi. Thuốc này dùng theo cân nặng của trẻ, nhưng theo BS Dũng, chi phí của mũi tiêm này nằm tầm 12-20 triệu đồng/1 lần bơm. Sau khi bơm thuốc chống xẹp phổi, các em này phải tiếp tục dùng tới máy thở (Mỗi máy nằm tầm 250 đến 300 triệu đồng).
Chính vì có nhiều bệnh, trong khi sức khỏe còn yếu nên môi trường nuôi trẻ sinh cực non phải hết sức vô trùng. Những y bác sĩ ở đây phải thường xuyên rửa tay xà phòng, dùng dung dịch xát khuẩn tay, không mặc quần áo bình thường, phải có máy lọc khí để đảm bảo không khí trong phòng nuôi trẻ được thông thoáng và sạch nhất.
Sự chăm sóc hằng giờ của các y tá là không thể thiếu được.
Nhưng công đoạn khó khăn không kém để chăm sóc đứa trẻ sinh non lại là chế độ nuôi dưỡng. Hiện tại, những đứa trẻ này chưa thể sống được bằng sữa vì hệ tiêu hóa chưa phát triển, buộc phải ăn đường tĩnh mạch. Nhưng để làm sao dinh dưỡng vào được bé như trong bụng mẹ, BS Dũng khẳng định: “Một em bé phải nuôi bằng tầm 20 loại thuốc để truyền vào tĩnh mạch đường rốn. Đó là vitamin, đường, đạm, mỡ, các yếu tố vi lượng…”
Với những trẻ bắt đầu làm quen với sữa, theo dõi cân nặng của trẻ để xem mức độ đáp ứng, hấp thụ của cơ thể trẻ với thức ăn, các ý tá còn phải theo dõi cả chất thải bé thải ra. Ban đầu, từ 1ml sữa trẻ ăn theo đường xông dạ dày, y tá phải cân tã của trẻ để biết so với ngày trước, trẻ thải ra thêm bao nhiêu, đi tè bao nhiêu lần trong ngày. Từ so sánh giữa lượng truyền vào và lượng thải ra, y tá căn cứ vào đó để xem trẻ lớn lên như thế nào, báo lại cho bác sĩ để điều chỉnh thuốc và sữa hằng ngày ra sao. Cứ thế, có rất nhiều y tá chuyên theo dõi sự lớn lên của những đứa trẻ sinh non.
Theo quan sát của chúng tôi, mỗi trẻ sinh non cần phải truyền ít nhất 5 kim tiêm điện vào người để vừa nuôi dưỡng vừa phòng trị bệnh.
Những năm gần đây, việc chăm sóc và chữa trị cho trẻ sinh non đã dần hình thành công thức chung, có tỉ lệ thành công cao trên nhiều đứa trẻ. Mục tiêu đề ra của các bác sĩ là khi xuất viện, trẻ ít nhất phải được 1,5kg trở lên và chỉ ra viện khi không có bệnh tật gì cả. Đây được xem là một trong những thành tựu của ngành y tế trong thời gian qua.
(VTC News) Hiền Lê