333333  33

Cơ hội phía trước

Theo số liệu từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành trên toàn quốc đang đạt con số 477 với 33 DN sản xuất trong nước, 74 DN nước ngoài có sản phẩm nhập khẩu.

Ông Trần Đáng – Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết nếu so sánh với các nước phát triển thì những con số trên còn quá ít. Thêm vào đó, giá các sản phẩm này quá cao so với thu nhập của người dân hiện nay. Điều này phản ánh một thực tế là đại bộ phận người dân VN, đặc biệt là những người có thu nhập thấp bị thiệt thòi bởi không có cơ hội để chủ động chăm sóc sức khoẻ.

Ông Đỗ Gia Phan – Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng khẳng định thực phẩm chức năng có những tác dụng không thể phủ nhận. Có lẽ chính vì vậy mà đầu tư cho việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng đang được ngày càng nhiều DN quan tâm. Ông Nguyễn Văn Toanh – GĐ Cty CP dược phẩm quốc tế Vạn Xuân khẳng định xu thế này là hợp lý bởi lẽ với khí hậu nhiệt đới gió mùa, VN có nguồn nguyên liệu hết sức phong phú, giàu dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, VN cũng là một quốc gia có truyền thống về y học cổ truyền và có một thị trường tiềm năng với hơn 83 triệu dân. Ông Nguyễn Văn Toanh cũng cho hay tại một số nước, chẳng hạn như Tây Ban Nha, có những vùng sản xuất thực phẩm chức năng mang lại thu nhập hàng trăm nghìn USD/ha. Con số này lớn gấp nhiều lần 50 triệu/ha mà người nông dân trồng lúa đạt được.

Bài toán tìm và khẳng định vị trí cho ngành sản xuất kinh doanh này ở các nước được lý giải bởi có sự tham gia hỗ trợ của cơ quan quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm với vai trò tư vấn, cầu nối giữa DN trong nước với các DN nước ngoài. Về khả năng tham gia của các DN trong nước, ông Nguyễn Văn Toanh kiến nghị DN trong nước nên giữ vai trò là nhà tư vấn, nuôi trồng nguyên liệu, phối hợp với DN nước ngoài để sử dụng công nghệ của họ.

Theo nhận định của nhiều nhà quản lý và nhiều DN thì tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng là rất lớn, nhất là khi VN đã gia nhập WTO. Tuy vậy, cho tới thời điểm này, một thực tế là các cơ quan chức năng vẫn còn đang lúng túng trong việc phân định ranh giới giữa thực phẩm chức năng và thuốc.

Điều này đã góp phần dẫn tới nhận thức sai lệch của người dân về công dụng của thực phẩm chức năng, tạo cơ hội cho những người kinh doanh trục lợi quảng cáo quá mức và lừa đảo người tiêu dùng, ảnh hưởng tới những người sản xuất kinh doanh chân chính. Hệ quả của thực tế này là việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng vẫn còn nhiều bất cập.

Bà Phan Thị Kim – đại diện Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm VN đã nêu ví dụ một trường hợp người tiêu dùng tại Hà Nội có nghi ngờ về chất lượng của một loại sữa trẻ em nhưng đã "được" cơ quan quản lý và DN "ém" đi sau khi nhận được thông tin từ người tiêu dùng. Thực tế đó đòi hỏi hiệu quả của thực phẩm chức năng phải được lượng hoá để kiểm tra độ ổn định của chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Phòng Cấp ĐK và CN – Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng thừa nhận công tác quản lý bao giờ cũng chậm hơn thực tiễn.

Để các DN có thể cung ứng tới người dân những sản phẩm bổ dưỡng, để người dân có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng vẫn còn khá xa.

Để điều chỉnh thực tế này, Bộ Y tế đã có Quyết định 42/2005/QĐ-BYT về việc ban hành Quy chế công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm, trong đó yêu cầu chế độ kiểm tra định kỳ về chất lượng đối với sản phẩm; gia hạn lại số chứng nhận sau 3 năm kể từ ngày được ký cấp số nhứng nhận hoặc gia hạn…


Bài viết cùng chủ đề

  • Không có bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics