323232  32

Cây Đinh Lăng

Đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa L. Harms)

Không chỉ là cây cảnh thông dụng, cây rau được ưa dùng, đinh lăng còn là một vị thuốc nam có tính năng chống dị ứng, giải độc thức ăn, chống mệt mỏi và làm tăng sức dẻo dai của cơ thể.

 Đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá. Cây có lá kép, mọc so le, lá 3 lần xẻ lông chim, mép khía có răng cưa. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành tán. Quả dẹt, dài 3-4mm, dày khoảng 1mm. Lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng, dân gian gọi nôm na là mùi “thuốc bắc”. Lá tươi không có mùi thơm này.

 Trong dân gian, đinh lăng thường dùng để trị ho ra máu, chữa tắc tia sữa, làm mát huyết, lợi tiểu, chữa mẫn ngứa. Lá đinh lăng cũng được dùng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.

 Theo y học cổ truyền, rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ. Nói chung, ngoài tác dụng lương huyết và giải độc thức ăn, những tính chất khác của đinh lăng gần giống như nhân sâm.

 Theo nghiên cứu của Học viện Quân sự Việt Nam, dung dịch cao đinh lăng có tác dụng:

 – Tăng biên độ điện thế não, tăng tỉ lệ các sóng alpha, bêta và giảm tỉ lệ sóng delta. Những biến đổi này diễn ra ở vỏ não mạnh hơn so với ở thể lưới.

 – Tăng khả năng tiếp nhận của các tế bào thần kinh vỏ não với các kích thích ánh sáng.

 – Tăng nhẹ quá trình hưng phấn khi thực hiện phản xạ trong mê lộ.

 – Tăng hoạt động phản xạ có điều kiện gồm phản xạ dương tính và phản xạ phân biệt.

 Nhìn chung, dưới tác dụng của cao đinh lăng, vỏ não được hoạt hóa nhẹ và có tính đồng bộ, các chức năng của hệ thần kinh về tiếp nhận và tích hợp đều tốt hơn.

Một số các ứng dụng của đinh lăng trong chữa bệnh của nhân dân.

Chữa tắc tia sữa

Ho suyễn lâu năm

Phong thấp, thấp khớp

Rễ cây đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa L. Harms), nhất là rễ cọc, có chứa các hợp chất thứ cấp như Saponin và Poliacetylene, giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng.

  Đinh lăng  là nguồn nguyên liệu dồi dào sản xuất thuốc chống suy nhược, an thần.

  Đinh lăng là cây được trồng phổ biến ở khắp nước ta. Trong dược điển cây chưa được dùng làm thuốc, nhưng khoảng 50 năm lại đây nhiều nghiên cứu về đinh lăng ở Việt Nam và trên thế giới được công bố và người ta bắt đầu khai thác và dùng đinh lăng làm thuốc bằng cách đào lấy rễ lớn, rửa sạch đất cát, phơi hoặc sấy khô dùng như nhân sâm. Trong đinh lăng có các alcaloit, glucozit, saponin, flavonoit, tanin, vitamin B1, các axit amin trong đó có lyzin, xystein và methionin là những axit amin không thể thay thế được. Các nhà dược lý, dược liệu và giải phẫu bệnh lý thuộc Viên Y học Quân sự Việt Nam từng nghiên cứu về đinh lăng và kết luận: nước sắc rễ đinh lăng giúp tăng sức đề kháng, cho thấy rõ dẻo dai của cơ thể và có tác dụng như nhân sâm. Tác giả Ngô Ứng Long và Xa-va-ép (Liên Xô cũ) từng có công trình về đinh lăng và cho thấy rõ tác dụng đối với các nhà du hành vũ trụ khi tập luyện trong tư thế tĩnh, đầu dốc ngược… Đặc biệt viên bột rễ đinh lăng dùng cho bộ đội, vận động viên thể dục, thể thao đều cho kết quả khả quan trong các nghiệm pháp gắng sức. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu dược lý, Viện Y học Quân sự Việt Nam đã thí nghiệm trên người với liều 0,23-0,50g bột đinh lăng một ngày dưới dạng thuốc sắc hay thuốc ngâm rượu nhẹ độ (300) giúp tăng sức dẻo dai của cơ thể rõ rệt. Trong dân gian, ngoài công dụng ăn gỏi cá, nhiều nơi dùng đinh lăng chữa ho, thông tiểu, thông sữa, kiết lỵ nặng. Tại Ấn Độ đinh lăng dùng làm thuốc chữa sốt, làm săn da. Một số đơn thuốc có đinh lăng thường dùng: Chữa mỏi mệt, biếng hoạt động: Đinh lăng (rễ) phơi khô, thái mỏng 0,5g thêm 100ml nước, đun sôi trong 15 phút, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày. Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ cây đinh lăng 30-40g, thêm 500ml nước sắc còn 250ml, uống lúc nóng liền 2-3 ngày. Chữa vết thương: Giã nát lá đinh lăng đắp lên vùng bị tổn thương.

   Một số các nghiên cứu mới đây cho thấy trong lá đinh Lăng có hàm lượng Lutein nhiều gấp đôi so với trong cúc vạn thọ,là một Beta-Caroten có tác dụng tăng cường tuần hoàn võng mạc,tăng cường máu đến nuôi dưỡng điểm vàng,ngăn chặn hiệu quả quá trình rối loạn tật khúc xạ của mắt,chống cận thị,chống khô mắt,hạn chế quá trình đục thủy tinh thể.

  Hiện tại các công ty dược phẩm trong nước đang khai thác tác dụng tăng cường tuần hoàn não,chống suy giảm trí nhớ,tăng cường tính chịu đựng của con người trong môi trường làm việc khắc nghiệt để sản xuất ra các loại thuốc thu về hàng trăm tỷ đồng năm,Với các khái quát về tác dụng chữa bệnh của cây đinh lăng như trên,cũng như việc nhân giống trồng và dễ trồng có thể tận dụng đất trong mọi hoàn cảnh .

  Việc cần phải có quy trình trồng trọt thu hái và bảo quản theo tiêu chuẩn GAP (thực hành tốt trồng trọt) và các đề tài nghiên cứu cơ bản xác định được các thành phần hoạt chất tự nhiên có chứa trong từng bộ phận thực vật của cây đinh lăng,từ đó xác định được  tác dụng dược lý,dược động lực học của từng thành phần hoạt chất tự nhiên là vấn đề cấp bách của các nhà khoa học ,góp phần đưa cây đinh lăng vào danh mục cây thuốc xóa đói giảm nghèo bền của các hộ nông dân nói chung và bà con dân tộc miền núi nói riêng.

Bài viết cùng chủ đề

Comments

comments

 Web Analytics